+Aa-
    Zalo

    "Đặt trạm thu phí ở Cai Lậy là không hợp lý"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến vấn đề trạm thu phí ở Cai Lậy, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng "việc đặt trạm thu phí Cai Lậy hiện nay để thu phí toàn bộ xe đi trên Quốc lộ 1 và tuyến đư

    Liên quan đến vấn đề trạm thu phí ở Cai Lậy, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng "việc đặt trạm thu phí Cai Lậy hiện nay để thu phí toàn bộ xe đi trên Quốc lộ 1 và tuyến đường tránh là không hợp lý..."

    Theo thông tin trên Vnexpress, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc đặt trạm thu phí Cai Lậy hiện nay để thu phí toàn bộ xe đi trên Quốc lộ 1 và tuyến đường tránh là không hợp lý. Chủ đầu tư trạm cho rằng có đóng góp xây dựng, làm mới đường tránh, sửa quốc lộ nên có quyền được thụ hưởng, đặt trạm thu phí cả hai con đường là không thuyết phục.

    "Việc sửa chữa đường sá đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là trách nhiệm của chính quyền. Ngân sách đường bộ người dân vẫn đóng tại sao không sử dụng để sửa mà phải nhờ đến nguồn vốn tư nhân?", ông Sơn đặt vấn đề.

    Ông Sơn cho rằng, Nhà nước luôn luôn phải đảm bảo hạ tầng giao thông tối thiểu cho người dân đi lại. Còn những dự án đường tránh, đường cao tốc làm thêm cần kêu gọi nhà đầu tư tư nhân thì phải rõ ràng, minh bạch. Chính quyền có trách nhiệm cung cấp cho người dân được biết số vốn như thế nào và thu phí trong thời gian bao lâu để họ đóng góp ý kiến.

    Trạm BOT Cai Lậy - Ảnh: Tri thức trực tuyến

    "Trong trường hợp này, quốc lộ phải được sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách, cho nên không thu thêm bất kỳ chi phí nào nữa. Đường tránh do tư nhân xây dựng thì trạm thu phí phải dời vào đó mới hợp tình, hợp lý", ông Sơn nói và cho rằng, phần chi phí cải tạo quốc lộ mà tư nhân đã bỏ ra, Nhà nước phải hoàn trả cho nhà đầu tư, làm được như vậy thì toàn dân sẽ đồng thuận và hết lòng ủng hộ.

    Trước đó, trao đổi trên báo Tri thức trực tuyến, tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, khẳng định việc người dân bức xúc về trạm BOT Cai Lậy là có cơ sở. Bởi, với những gì đang xảy ra ở BOT Cai Lậy cho thấy Bộ GTVT đang thực hiện sai.

    Ông Sanh cho rằng Bộ GTVT để Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang tiến hành duy tu, sửa chữa quốc lộ 1 bằng vốn BOT trên một số đoạn rồi đặt trạm thu phí cho cả tuyến là sai về nguyên tắc.

    “Đáng lẽ việc duy tu, sửa chữa tuyến quốc lộ 1 phải dùng quỹ bảo trì đường bộ. Nhưng Bộ GTVT lại giao Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang đầu tư, rồi lấy đó làm cái cớ để đặt trạm BOT ở quốc lộ 1 khiến người dân bức xúc, phản đối”, tiến sĩ Phạm Sanh nói.

    Theo ông Sanh, hiện tuyến quốc lộ 1 đi qua địa phận huyện Cai Lậy không thể mở rộng thêm. Để tránh ùn tắc, Bộ GTVT và địa phương quyết định làm tuyến đường tránh. Khi tuyến đường tránh hoàn thành, chủ đầu tư đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 khiến nhiều người không đi đường tránh cũng bị thu phí.

    Chuyên gia Phạm Sanh khẳng định vấn đề khiến người dân phản ứng là chất lượng tuyến đường tránh, quốc lộ 1 không tốt. Việc chủ đầu tư thu phí bằng với tuyến cao tốc Trung Lương - TP.HCM là điều rất vô lý.

    Theo báo Dân Việt, trước đó, chiều 17/8, Bộ GTVT tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang). Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc báo.

    Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi, căn cứ vào cơ sở nào để Bộ GTVT đặt trạm Cai Lậy tại vị trí hiện nay?

    Ông Đông cho biết, quá trình lập dự án, phê duyệt dự án, đầu tư trạm thu phí Cai Lậy đều  đã xin phép ý kiến và được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương, Bộ Tài Chính, Đoàn đại biểu Quốc Hội.

    “Chúng tôi căn cứ vào phương án tài chính, quy định trong Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ để đặt trạm Cai Lậy. Thêm nữa, trạm nằm trong dự án nên được phép đặt tại vị trí hiện nay”, ông Đông nói.

    Theo ông Đông, các dự án BOT đều hướng đến mục tiêu nhà nước không phải bỏ tiền, nhà đầu tư cũng có lợi nhuận. Hiện nay, Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại các trạm BOT không nằm trong dự án và có phương án xử lý.

    Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, Bộ GTVT có tính đến phương án di dời trạm Cai Lậy sang tuyến đường tránh không?

    Ông Đông cho hay, do trạm nằm trong dự án và được phép đặt tại ví trí này nên sẽ không di dời trạm. Tuy nhiên, Bộ sẽ họp thêm với chủ đầu tư, các cơ quan liên quan, điều chỉnh phương án tài chính nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa chủ đầu tư và người dân.

    Năm 2017, Bộ GTVT chỉ được phân bổ kinh phí 39.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông. Tuy nhiên, hiện nay Bộ đang phải hoàn trả khoảng 20.000 tỷ đồng cho các khoản nợ trước đó.

    “Nhà nước không có tiền nên mới kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư trạm BOT. Chúng tôi đang nợ nhiều lắm, bộ giao thông ứng tiền rồi nhưng nợ vẫn chưa trả. Vì thế, chúng tôi cũng không có tiền để mua lại trạm thu phí Cai Lậy”, ông Đông nói thêm.

    Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, nếu dự án có sai phạm thì trách nhiệm đầu tiên là nhà đầu tư, sau đó là Tổng cục đường Bộ Việt Nam. Tuy nhiên, trách nhiệm như thế nào thì cơ quan chức năng sẽ xem xét và sai đến đâu xử lý đến đó.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dat-tram-thu-phi-o-cai-lay-la-khong-hop-ly-a199438.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan