Đất Rừng Phương Nam đã thu hút sự quan tâm của công chúng ngay từ khi dự án được công bố. Dù được đầu tư lớn, Đất Rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn còn nhiều điểm hạn chế và đãnhận về không ít chỉ trích khi có nội dung xuyên tạc lịch sử, kịch bản đơn giản và ít liên quan đến bản gốc…
Trước những tranh cãi liên quan đến phim Đất Rừng Phương Nam, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có những chia sẻ trong buổi phỏng vấn với VTV.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, chi tiết bị đánh giá xuyên tạc lịch sử chỉ là chi tiết nhỏ để mô tả một bang hội của một tuyến nhân vật trong phim chứ không phải ý nghĩa chính của bộ phim. Đạo diễn thông tin thêm, bối cảnh trong tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi là năm 1945, còn bối cảnh trong phim điện ảnh Đất Rừng Phương Nam là năm 1920 đến năm 1930.
Nói về sự thay đổi này, anh cho rằng đó là một ý hay: "Thời điểm lúc đó có rất nhiều bang, hội, nhiều người yêu nước tự phát làm nên những phong trào đấu tranh chống lại thực dân Pháp. Chính sự tự phát đó cho An đi trải nghiệm qua rất nhiều môi trường khác nhau - từ việc gặp những người miền Tây Nam bộ ở đó... Chúng ta cũng biết rằng vùng miền Tây cũng có rất nhiều người nhập cư, tạo nên một văn hóa rất đa dạng như người Hoa, người Khmer, người bản địa, người Chăm rồi những người ở đàng ngoài di cư vào. Và đó là lý do vì sao chúng tôi chọn sự thay đổi đó..."
Ngoài ra, đoàn phim đã nghiên cứu và tìm hiểu rất kỹ khi bắt tay vào khai thác ý tưởng này. Chính vì vậy, Thiên địa hội chỉ đơn thuần là để mô tả nhân vật An, mong muốn sự đa dạng, không hề cố tình lồng ghép chi tiết gây tranh cãi. Bên cạnh bang hội này, trong phim vẫn còn rất nhiều nhóm nghĩa quân yêu nước khác như nhóm của ba An, thầy Bảy…
Đứng trước những ý kiến trái chiều, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng ekip đã rất buồn và trăn trở do đây không phải điều đoàn phim muốn hướng tới, đồng thời đã quyết định sửa lại những chi tiết đó để khán giả không hiểu lầm và có trải nghiệm xem phim tốt nhất. Anh bày tỏ, mục đích của anh khi làm phim Đất Rừng Phương Nam muốn nói về tình người, về gia đình của một vùng đất trong một thời kỳ loạn lạc.
Như Quỳnh (T/h)