Gói thầu 2 nghìn tỷ, tiết kiệm 44 triệu đồng
Công ty Cổ phần tập đoàn Đạt Phương (Đạt Phương Group – Mã chứng khoán DPG), tiền thân là công ty Cổ phần Xây dựng và Vận tải Đạt Phương có trụ sở tại toà nhà Handico, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội do ông Lương Minh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT.
Thống kê dữ liệu từ phần mềm đấu thầu Quốc gia cho thấy, Đạt Phương Group đã tham gia vào 49 gói thầu (bao gồm cả liên danh và độc lập), trong đó trúng 42 gói với tổng giá trị là 14.510.248.677.892 đồng (Bằng chữ: Mười bốn nghìn năm trăm mười tỷ, hai trăm bốn mươi tám triệu, sáu trăm bảy bảy nghìn, tám trăm chín mươi hai đồng).
Nhà thầu này có sự thân thiết với các đơn vị mời thầu như: ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận trúng 6/6 gói, tổng giá trị 199.652.373.000 đồng; ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam trúng 4/5 gói, tổng giá trị 1.218.411.334.000 đồng; ban Quản lý dự án 7 bộ Giao thông và Vận tải trúng 3/3 gói, tổng giá trị là 2.588.036.712.397 đồng.
Nghiên cứu ngẫu nhiên 13 gói thầu của Đạt Phương Group trong giai đoạn 3 năm (2020-2022), PV nhận thấy chỉ có duy nhất gói thầu số 15 đạt tỉ lệ tiết kiệm trên 1%, còn lại 12/13 gói có tỉ lệ tiết kiệm loanh quanh ở mức 1%, thậm chí sát 0 đồng.
Tổng giá trị dự toán của 13 gói thầu là 5.740.211.304.698 đồng, giá trúng thầu 5.729.123.473.700 đồng, số tiền tiết kiệm ngân sách chỉ vỏn vẹn 11.087.830.998 đồng, tương ứng tỉ lệ 0,19%.
Đơn cử như Gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây lắp (giai đoạn 1) tại ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế có giá trúng thầu 2.088.482.890.000 đồng, tiết kiệm 44.960.000 đồng, tỉ lệ gần như bằng 0%.
Tháng 8/2022 tại ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu vực khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đạt Phương Group đã trúng gói thầu số 19: Thi công xây dựng và bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thi công với giá 679.956.968.000 đồng, tiết kiệm ngân sách 481.348.000, tương đương 0,07%.
Trước đó, vào năm 2020, Đạt Phương Group từng trúng 2 gói là gói thầu số 14: Thi công xây dựng công trình Kè bảo vệ; gói thầu chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, có giá trúng thầu lần lượt là 39.903.070.767 đồng và 33.931.054.000 đồng, đạt tỉ lệ tiết kiệm tương đương 0,26% và 0,21%.
Dồn dập vay tín dụng
Ngoài việc trúng nhiều gói thầu có giá trị nghìn tỷ đồng nhưng tỉ lệ tiết kiệm ngân sách lại rất nhỏ giọt, trong 2 năm 2021-2022, Đạt Phương Group liên tục thực hiện các thương vụ vay tín dụng tại ngân hàng.
Đơn cử, ngày 21/06/2022, Hội đồng Quản trị (HĐQT) công ty Cổ phần (CTCP) Đạt Phương đã thông qua nghị quyết về việc vay vốn, bảo lãnh tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) – chi nhánh Nam Thăng Long với mức giới hạn tín dụng năm 2022 – 2023 là 1.815 tỷ đồng, trong đó, giới hạn cho vay ngắn hạn là 540 tỷ đồng, giới hạn bảo lãnh, L/C là 1.275 tỷ đồng.
HĐQT cũng thông qua việc sử dụng các tài sản thuộc quyền sở hữu của Đạt Phương/bên thứ ba tại Vietinbank – chi nhánh Nam Thăng Long để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ thanh toán với ngân hàng đối với khoản vay/bảo lãnh/L/C nói trên.
Cũng trong tháng 06/2022, HĐQT CTCP Đạt Phương đã thông qua phương án vay vốn, bảo lãnh tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Thăng Long với mức hạn tín dụng năm 2022-2023 là 1.580 tỷ đồng, trong đó, hạn mức vay vốn ngắn hạn (gồm bảo lãnh thanh toán) là 600 tỷ đồng, hạn mức vốn trung, dài hạn là 30 tỷ đồng, hạn mức bảo lãnh (trừ bảo lãnh thanh toán) là 950 tỷ đồng.
Tháng 03/2022 tháng, Đạt Phương Group cũng thông qua phương án vay vốn, bảo lãnh tại ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Thăng Long để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty với mức giới hạn tín dụng là 300 tỷ đồng, trong đó, hạn mức vay ngắn hạn tối đa là 200 tỷ đồng, hạn mức bảo lãnh tối đa là 300 tỷ đồng, hạn mức vay trung dài hạn là 30 tỷ đồng.
Mục đích của đợt vay nhằm tài trợ các nhu cầu tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn hợp pháp, hợp lý, hợp lệ phục vụ hoạt động kinh doanh.
Vào tháng 08/2021, Đạt Phương Group thông qua phương án vay vốn, bảo lãnh tại Vietinbank – chi nhánh Nam Thăng Long với mức hạn tín dụng năm 2021 là 1.300 tỷ đồng, trong đó, hạn mức vay vốn ngắn hạn (gồm bảo lãnh thanh toán) là 450 tỷ đồng, hạn mức bảo lãnh là 850 tỷ đồng.
Đến tháng 10/2021, Đạt Phương Group đã thông qua phương án vay vốn, bảo lãnh tại BIDV – chi nhánh Thăng Long với mức hạn tín dụng năm 2021-2022 là 1.300 tỷ đồng, trong đó, hạn mức vay vốn ngắn hạn (gồm bảo lãnh thanh toán) là 550 tỷ đồng, hạn mức vốn trung là 30 tỷ đồng, hạn mức bảo lãnh là 720 tỷ đồng.
HĐQT cũng thông qua chủ trương đầu tư các tài sản, thiết bị phục vụ thi công và sản xuất kinh doanh năm 2021-2022 với tổng mức đầu tư là 42 tỷ 900 triệu đồng.
Vốn chủ sở hữu của Đạt Phương Group vào thời điểm cuối quý III/2022 ghi nhận 2.096 tỷ đồng, tăng 17,6% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,78 lần.
Một điểm đáng chú ý là dòng tiền kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của DPG âm 415 tỷ đồng (cùng kỳ dương 273 tỷ đồng); nguyên nhân do tăng tồn kho (188 tỷ đồng), tăng các khoản phải thu (114 tỷ đồng); giảm các khoản phải trả (553 tỷ đồng) và chi trả lãi vay (135 tỷ đồng). Do đó, dòng tiền vay trả tăng mạnh, lần lượt đạt 1.230 tỷ đồng và 1.091 tỷ đồng, tăng 6,6 lần và 4,9 lần so với cùng kỳ.
Đức Huy