Chấn thương, thời tiết, ít trận giao hữu là những điều khiến HLV Hoàng Anh Tuấn bận tâm về U20 Việt Nam trước ngày khai mạc World Cup.
Nỗi ám ảnh chấn thương
Trong suốt chặng đường từ năm 2015 đến thời điểm hiện tại, HLV Hoàng Anh Tuấn đã gọi lên tuyển gần 50 cầu thủ trẻ từ khắp mọi miền đất nước. Tất nhiên, đó đều là những gương mặt ưu tú nhất của bóng đá Việt Nam nằm trong lứa tuổi 19, 20.
Ngoài những cầu thủ bị loại vì lý do chuyên môn, đáng tiếc có không ít cái tên xuất chúng ông Tuấn phải "cắn răng" trả về bởi chấn thương ngoài ý muốn.
Trước VCK U19 Đông Nam Á 2016, đội trưởng Trọng Đại dính chấn thương không thể tham dự, khiến cho khu trung tuyến U19 Việt Nam bị giảm đi một phần sức mạnh. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn kết thúc giải đấu với tấm huy chương đồng cùng nhiều nỗi lo. Bởi sau đó đúng 1 tháng, U19 Việt Nam bước vào VCK U19 châu Á, nơi quyết định tấm vé dự World Cup.
Tiến Dụng lỡ giấc mơ World Cup khi dính chấn thương ở phút 90. Ảnh: Hải Nguyễn.
Bước vào giải đấu tại Bahrain, ông Tuấn đón nhận sự trở lại của Trọng Đại nhưng lại mất đi máy quét ở khu trung tuyến, tiền vệ trụ Trần Duy Khánh. Nhưng rồi trong cái rủi có cái may, trong cái khó lại ló cái khôn. Cặp tiền vệ Tiến Dụng, Trọng Đại chơi như lên đồng ở VCK U19 châu Á, qua đó giúp U19 Việt Nam giành vé dự World Cup.
Kỳ vọng vết tỳ "chấn thương" không bám theo trước thềm World Cup nhưng rồi nó lại lần nữa hiện hữu. HLV Hoàng Anh Tuấn không thể mang đến Hàn Quốc bộ đôi Tiến Dụng, Thái Quý, hai cầu thủ được quy hoạch cho triết lý "chiếc xe buýt" mà ông Tuấn xây dựng.
Ít trận giao hữu trước thềm World Cup
"So với giải vô địch U19 Đông Nam Á và châu Á hồi năm 2016 thì chúng tôi chuẩn bị cho World Cup có quá ít những trận giao hữu. Nếu tính luôn hai trận đấu giao hữu với U20 Argentina và Vanutu, U20 Việt Nam chỉ có tổng cộng 5 trận đấu cọ xát chuẩn bị cho World Cup.
Ở những giải đấu trong năm 2015 và 2016, dù thời gian tập trung ít nhưng bù lại trước mỗi giải chúng ta đều có được rất nhiều trận tập huấn. Trung bình trước mỗi giải chúng tôi đều có được 10 trận đấu giao hữu với rất nhiều đối thủ.
Chuẩn bị cho World Cup, dù ít được giao hữu nhưng bù lại chúng ta có được quãng thời gian tập trung khá dài. Điều đó giúp tôi có thêm nhiều thời gian chuẩn bị chiến thuật, các cầu thủ cũng dễ tìm được tiếng nói chung trong lối chơi khi được sống chung với nhau một quãng dài.
Nói chung, được cái này thì phải mất cái khác, đó là quy luật và phải chấp nhận", HLV Hoàng Anh Tuấn trải lòng.
HLV Hoàng Anh Tuấn đối diện với nhiều nỗi lo cùng U20 Việt Nam trước thềm World Cup. Ảnh: Hải Nguyễn.
Lo ngại về thời tiết
Không phải tự nhiên mà ông Tuấn lại đưa những cậu học trò cưng của mình đi hết nơi này đến nơi khác để tập huấn. Bắt đầu từ Nha Trang ra Hà Nội, sang Đức rồi quay về lại Thủ đô, di chuyển vào TP.HCM rồi mới sang Hàn Quốc, mọi việc đều nằm trong dự tính của ông "Tuấn con".
Bóng đá chuyên nghiệp và đặc biệt là đỉnh cao buộc cầu thủ phải tập làm quen với việc thay đổi về khí hậu ở những nơi đặt chân đến thi đấu, tập luyện. Cùng một quốc gia nhưng nơi này lạnh, nơi khác nóng là bình thường.
Tại World Cup, U20 Việt Nam sẽ có 3 trận đấu tại 2 địa điểm khác nhau là Cheonan và TP Jeonju. Nếu như Cheonan có khí hậu khá mát mẻ vào ban ngày với nền nhiệt độ từ 17 đến 21 thì Jeonju lại khá nóng khi nhiệt độ dao động trong khoảng từ 27 đến 32 độ C. Đó là lý do sau khi kết thúc chuyến tập huấn tại Đức, U20 Việt Nam về Hà Nội mà không bay thẳng vào TP.HCM.
"Tôi nói nhiều lần rồi là không quan tâm đến kết quả, đến đối thủ là Argentina hay Vanutu, tôi lo ngại thời tiết. Sự thay đổi về khí hậu, những cơn mưa dễ khiến cho học trò của tôi bị chấn thương, bị cảm lạnh, bị những vấn đề ngoài chuyên môn, tôi không muốn điều đó xảy ra", ông Tuấn lo lắng chia sẻ trước thềm World Cup.
U20 Việt Nam sẽ có hai trận đấu ở World Cup với U20 New Zealand (22/05) và U20 Pháp (25/05) tại thành phố Cheonan, Hàn Quốc. Trận đấu cuối cùng tại vòng bảng, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ phải di chuyển xuống TP Jeonju đối đầu với U20 Honduras (28/05).