Ngày 01/01/2014, khoa Công Nghệ - Môi Trường chính thức được thành lập, đánh dấu sự phát triển theo định hướng đa ngành của trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Là một trong những ngành mũi nhọn trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, Khoa Công nghệ môi trường nơi đây đang đào tạo những kĩ sư có năng lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại hội nhập, gắn hoạt động đào tạo với thực tiễn thị trường sản xuất, rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và thị trường lao động, thị trường sản xuất, kinh doanh.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của thời đại và xã hội, Khoa Công nghệ-Môi trường của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã đưa ra các mã ngành đào tạo đang rất được quan tâm hiện nay như Công nghệ môi trường, quản lí môi trường, công nghệ sinh học, kiểm soát an toàn thực phẩm…đi kèm với đó là mô hình đào tạo Năng lực, lấy người học làm trung tâm, cam kết chuẩn đầu ra rõ ràng, và trên hết các cử nhân, kĩ sư sau khi tốt nghiệp sẽ có đầy đủ kiến thức và những kĩ năng cần thiết để có thể tiếp cận được với công việc ngay.
Hiện nay, Khoa đang đào tạo các hệ Đại học và Cao đẳng ngành Công nghệ kĩ thuật Môi trường (Công nghệ xử lí ô nhiễm môi trường chất thải rắn, môi trường nước, môi trường không khí, công nghệ sạch hơn trong sản xuất, phục hồi các khu hệ sinh thái); hệ Cao đẳng ngành Công nghệ Sinh học (Công nghệ sinh học Phân tử, Công nghệ sinh học trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm, môi trường, Y - Dược).
Khoa có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại (gồm các thiết bị đặc trưng, chuyên dụng công nghệ môi trường, công nghệ sinh học, khu thực nghiệm) và các trang thiết bị của các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp hợp tác sẽ đáp ứng các yêu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa là các PGS, TS, Ths có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu; được đào tạo, bồi dưỡng tại các đại học có uy tín ở các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiến tiến như Hàn Quốc, Ấn Độ... Với đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm và các chủ doanh nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy hướng dẫn thực hành,… đây sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt căn bản về kĩ năng cho sinh viên của Khoa.
Bên cạnh hiệu quả, chất lượng của hoạt động đào tạo, hoạt động thực hành, nghiên cứu khoa học đang được triển khai. Chương trình nghiên cứu quy trình nuôi trồng, sử dụng nấm ăn và nấm dược liệu, đề tài bắt đầu được thực hiện từ tháng 09/2015 với tiêu đề: “Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi trồng và sản xuất một số chủng Linh chi (ganoderma) trên môi trương nhân tạo”do PGS.TS Phạm Văn Hoan chủ trì đã thu được kết quả cao. Đề tài đã xác định được phương pháp nuôi trồng và sử dụng hiệu quả nấm Linh Chi đỏ, bước đầu cung cấp được một số sản phẩm như nấm Linh chi sấy khô, rượu Linh Chi...
Đặc biệt, tháng 09/2016, được sự quan tâm của Nhà trường, dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Như Toản, đề tài về nghiên cứu quy trình nuôi trồng và sử dụng sản phẩm nấm Đông Trùng Hạ Thảo đã được triển khai. Từ lâu, Đông Trùng Hạ Thảo đã được xem là tiên dược trong y học vì tác dụng tuyệt đối với người sử dụng và sự hình thành kì diệu hiếm thấy, được công nhận bởi cả y học phương Đông và phương Tây.
Tuy vậy việc nuôi cấy loại nấm này trong điều kiện nhân tạo tương đối khó khăn vì sự khan hiếm về nguồn cũng như đòi hỏi phương pháp, kĩ thuật phức tạp. Vì vậy, việc nuôi trồng thành công Đông Trùng Hạ Thảo, cung cấp các sản phẩm từ loại nấm quý hiếm này tới người tiêu dùng, được xem là bước đi thành công và quan trọng với sự phát triển của khoa Công Nghệ - Môi Trường và trường Đại học Thủ đô Hà Nội, ghi dấu ấn như một địa chỉ khoa học có uy tín và có tính thực hành, ứng dụng cao trong các trường đại học.
Trước thềm năm học 2018-2019, khoa Công nghệ - Môi trường ở Trường Đại học Thủ đô Hà Nội lại chờ đón một thế hệ sinh viên mới với khát khao lập thân, lập nghiệp, mang lại bộ mặt mới cho khoa học công nghệ nước nhà nói chung, cho sự phát triển của Thủ đô trong tương lai nói riêng.
PV