Các chuyên gia quân sự từng khẳng định, đảo Guam là “cơ bắp” chính của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đảo Guam. Ảnh: AP |
Đảo Guam thuộc lãnh thổ của Mỹ, nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, rộng 550 km2 và có dân số chỉ hơn 160.000 người.
Guam nằm ở vị trí chiến lược, cách bán đảo Triều Tiên một quãng bay ngắn. Đảo này cũng gần các điểm nóng tiềm tàng ở Đông Á. Đảo cách Seoul 3.200km về phía Tây Bắc, Tokyo 2.400km về phía Bắc và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) 2.700km về phía Tây.
Hòn đảo này là tiền đồn quân sự vô cùng quan trọng của Washington, bao gồm 2 căn cứ quân sự chính: Căn cứ không quân Andersen ở phía bắc và căn cứ hải quân Guam ở phía nam. Cả hai căn cứ đều đặt dưới quyền quản lý của bộ chỉ huy liên hợp JRM.
Căn cứ hải quân có từ năm 1898, khi Mỹ giành Guam từ Tây Ban Nha sau cuộc chiến Mỹ - Tây Ban Nha. Cơ sở này được xây dựng năm 1944 khi Mỹ chuẩn bị phái máy bay ném bom đến Nhật Bản trong Thế chiến II.
Ngày nay, Căn cứ Hải quân Guam là cảng trú của 4 tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng hạt nhân.
Căn cứ Không quân Andersen là nơi trú quân của một phi đội trực thăng Hải quân và các máy bay ném bom Không quân luân phiên tới Guam từ đại lục Mỹ. Căn cứ có 2 đường băng dài 3km với nhiều kho lớn tích trữ đạn dược và nhiên liệu.
Tổng cộng 7.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân ở Guam. Hầu hết là thủy thủ và phi công. Quân đội đang có kế hoạch điều hàng nghìn lính thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa ở miền nam Nhật Bản tới Guam.
Mỹ trang bị rất nhiều khí tài hiện đại trên đảo Guam, bao gồm hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân trị giá 2,2 tỉ USD, tàu chiến, máy bay ném bom B-1B Lancer (mỗi chiếc giá 325 triệu USD, bay với tốc độ 1.543 km/giờ, có khả năng tiêu diệt các bệ phóng tên lửa ngầm của Triều Tiên), 7.500 tấn thuốc nổ và đạn dược…
Căn cứ này là nơi hoạt động thường xuyên của bộ ba máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1B và phi cơ tàng hình B-2 Spirit.
Căn cứ cứ trên đảo Guam. Ảnh: AP |
Guam còn có lực lượng F-16 hùng hậu làm nhiệm vụ hộ tống cho các máy bay ném bom rảnh tay làm nhiệm vụ. Các máy bay của Mỹ triển khai trên đảo Guam đem lại khả năng tấn công đáng sợ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài máy bay, đảo Guam còn là căn cứ của lực lượng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Căn cứ này luôn có ít nhất 4 tàu ngầm lớp Los Angeles làm nhiệm vụ. Các tàu ngầm này được trang bị tên lửa Tomahawk có tầm bắn hơn 2.500 km.
Đảo Guam còn được triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD cho phép vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên. Trong các thử nghiệm, THAAD đều đánh chặn thành công 100% mục tiêu giả định.
Một phi công trên đảo nói với Daily Mail: "Đây là một trong những căn cứ chiến lược quan trọng nhất của Mỹ trên thế giới. Mọi người sẽ dồn ánh mắt vào Guam, nơi mà thậm chí họ không thể tìm thấy nó trên bản đồ. Nhưng đó là một căn cứ quan trọng".
Người dân nơi đây không phải đóng thuế hoặc bỏ phiếu bầu tổng thống nhưng được cấp quốc tịch Mỹ khi chào đời.
Mộc Miên (Theo ABC News, USD Today)