Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, Ban giám khảo giải Cánh Diều 2017 chưa tiếp cận được bộ phim "Cha cõng con" một cách đầy đủ.
Tối qua, giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam - lễ trao giải Cánh Diều 2017 đã diễn ra với sự vinh danh dành cho nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình nổi bật đã ra mắt khán giả trong năm 2016.
Tuy vậy, một tình huống đặc biệt xảy ra tại lễ trao giải đã thu hút sự chú ý của truyền thông và khán giả. Đó là hành động trả lại bằng khen cho ban tổ chức của đạo diễn Lương Đình Dũng với tác phẩm "Cha cõng con".
Đạo diễn Lương Đình Dũng và các diễn viên nhí trong "Cha cõng con". |
"Cha cõng con" khai thác cuộc sống gia đình khốn khó của hai cha con ở vùng thung lũng phía Bắc. Khi người cha bươn chải chài lưới mỗi ngày, cậu bé con làm bạn với chú hàng xóm mù. Những câu chuyện kỳ diệu của chú Mù đã nuôi dưỡng ước mơ bay cao bay xa, chạm tới bầu trời của cậu bé. Nhưng cuộc sống của hai cha con dần trở nên nặng nề hơn khi em mắc căn bệnh hiểm nghèo.
Trước khi đến với lễ trao giải Cánh Diều, bộ phim của đạo diễn Lương Đình Dũng đã tham gia khá nhiều liên hoan phim quốc tế, được chọn trình chiếu tranh giải chính thức. Sắp tới, "Cha cõng con" tiếp tục có mặt tại lễ trao giải Boston, Houston tại Mỹ.
Tại Cánh Diều 2017, bộ phim lọt vào danh sách đề cử trong các hạng mục Diễn viên nam chính xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Phim điện ảnh xuất sắc. Nhưng có thể nói, "Cha cõng con" đã ra về "tay trắng" khi chỉ nhận được Bằng khen từ Ban giám khảo Cánh Diều 2017.
Bởi vậy, đạo diễn Lương Đình Dũng đã làm một việc chưa từng có trước đây, đó là "đã ra khu vực hàng ghế đầu nơi các giám khảo và quan khách ngồi, giới thiệu bản thân, bộ phim và trịnh trọng xin trả lại Bằng khen cho Ban giám khảo" - theo lời giải thích của chính đạo diễn dành cho truyền thông và khán giả.
Theo Lương Đình Dũng, có thể "cách thể hiện khác lạ của "Cha cõng con" chính là nguyên nhân khiến Ban giám khảo chưa tiếp cận được bộ phim một cách đầy đủ. Đó là nguyên nhân khiến tôi quyết định trả lại Bằng khen cho Ban tổ chức Cánh Diều 2016".
Vị đạo diễn cho biết, "Cha cõng con" là bộ phim anh đã ấp ủ trong 10 năm, dành 3 tháng quay phim, 1 năm hậu kỳ và kinh phí lên tới gần 18 tỷ. Nhưng dù vậy, phim không được làm với mục tiêu doanh thu phòng vé hay thị hiếu khán giả.
"Bộ phim ấy muốn gọi ra phần trong trẻo nhất của mỗi tâm hồn, nhắc nhớ rằng cuộc sống quá ngắn ngủi để lãng phí, để thờ ơ, nhắc nhớ rằng cuộc đời này hãy yêu thương trước khi không thể.
Bộ phim ấy muốn đem giọng nói Việt lên màn ảnh xứ người, khắc hoạ hình ảnh con người Việt Nam hồn hậu, thuần khiết, cảnh sắc Việt Nam đẹp bất tận so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Bộ phim ấy là một phép thử với chính tôi, mong manh giữa ranh giới của danh vọng hay đức tin, lợi nhuận hay đạo lý. Và tôi vui vì mình đã dám lựa chọn những điều đúng đắn.
Chúng ta sống với những lý tưởng nhất định của mình. Trong một xã hội nhiều thực dụng, thì lý tưởng là điều xa xỉ và có phần viển vông. Nhưng nói bằng tấm lòng của người đã ngoài bốn mươi tuổi, phần nào đã nếm và hiểu lẽ đời, tôi làm “Cha cõng con” như một sự trả nghĩa cho cuộc sống, cho đất nước mà tôi thuộc về." - đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định.
Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, "Cha cõng con" đã gặp khó khăn về khâu quảng bá khi không tìm được nhà phát hành trong nước. Và sau khi tìm được rồi thì lại không hoàn toàn có được khung giờ chiếu phù hợp, mặc dù đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn và khán giả.
Điều này phần nào ảnh hưởng tới việc "Cha cõng con" phải dừng chiếu sớm ở các rạp, và bị gán mác "không có người xem".
Cuối cùng, đạo diễn Lương Đình Dũng nhấn mạnh: "Khi làm phim 'Cha cõng con' tôi mong ước phim đến với nhiều người nhất có thể. Tấm vé không phải là đích đến, đích đến của tôi là làm một điều gì đó có nghĩa, để lay động tình người trỗi dậy. Tuy nhiên hiện tại, tôi thấy tâm huyết của cả ê-kíp đang bị o ép. Tôi cần một sự công bằng cho bộ phim và hơn hết, là sự công bằng cho những tác phẩm tử tế để phát triển điện ảnh Việt Nam".
Trả lời phỏng vấn báo Thể thao & Văn hóa về vấn đề này, GS-TS Trần Luân Kim - Trưởng Ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh cho biết, mặc dù có đề tài nhân văn nhưng "Cha cõng con" có tiết tấu chậm, thể hiện theo lối cũ, bỏ lỡ nhiều cơ hội để tạo chi tiết, đẩy kịch tính lên cao nên khó bắt kịp xu hướng xem phim của khán giả hiện nay.
(Tổng hợp)