Là một người có nhiều kinh nghiệm vì nhiều năm làm phim hài Tết, đạo diễn Mai Long đã có những chia sẻ thẳng thắn về thị trường hài Tết năm 2021...
Là đạo diễn, nhà sản xuất nhưng Mai Long cũng là một diễn viên chuyên nghiệp. |
Chào đạo diễn Mai Long, không nhộn nhịp như những năm trước, năm nay hài Tết được đánh giá ảm đạm, không nhiều đơn vị sản xuất. Theo anh nguyên nhân là gì?
Hài Tết là món ăn tinh thần cho khán giả vào mỗi dịp Tết. Khán giả chờ đợi. Vì thế trước Tết các nhà sản xuất đã tất tưởi chuẩn bị. Năm nay do đại dịch Covid -19, ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do vậy các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều về tài chính, họ sẽ dè dặt trong chi tiêu, việc quảng cáo market- ing sẽ ít.
Phim Tết thông thường phải có tài trợ mới làm được chứ không ai bỏ tiền túi ra chỉ để làm một phim Tết mua vui. Vì có ít nhà tài trợ nên nhiều nhà sản xuất cũng “lực bất tòng tâm”. Tôi nghĩ đó là lý do chính mà hài Tết năm nay có vẻ ảm đạm hơn.
Bên cạnh đó thị trường giải trí nói chung đa sắc màu với những “món ăn” nhiều, độc lạ hơn ngày xưa như: Các chương trình giải trí nước ngoài, tiểu phẩm, sân khấu, gameshow... Và hài nhạt dần trong những năm trở lại đây nên nhiều khán giả không còn mặn mà. Đó là tất cả lý do khiến hài Tết năm nay ảm đạm.
Nhiều người nói hài Tết bị “chết yểu” vì nhiều nhà sản xuất chỉ chăm chăm kéo quảng cáo, tài trợ về mà không chú ý đến chất lượng, anh nghĩ sao về nhận định đó?
Câu này cũng có ý đúng, vì khán giả thấy có nhiều quảng cáo quá, thậm chí quảng cáo thô thiển chiếm nhiều thời lượng của nội dung phim. Tuy nhiên, khán giả cũng phải thông cảm và chia sẻ với nhà sản xuất vì nếu không có các doanh nghiệp tài trợ thì không thể có kinh phí làm phim. Để giữ mối làm ăn lâu dài với hy vọng được cung cấp liên tục qua các năm “món ăn tinh thần” cho khán giả nên các nhà sản xuất phải “chiều lòng” các nhà tài trợ.
Một vấn đề nữa là chất lượng kịch bản, “có bột mới gột nên hồ” nguyên liệu không ngon khó chế biến được món ngon. Mà hiện nay kịch bản tốt thì thiếu mà kịch bản dở lại nhiều. Nhà sản xuất muốn phim hay lắm nhưng kịch bản thiếu và yếu. Thêm một lý do nữa là ê-kíp sản xuất (chủ yếu là đạo diễn) chưa đưa được quảng cáo một cách tinh tế, tự nhiên vào phim. Nên khán giả ít xem hài Tết.
Cứ nhắc đến hài Tết là nói đến hài nhảm, là một đạo diễn, từng sản xuất hài Tết. Anh nói gì về điều này?
Trước hết tôi cũng muốn hiểu rõ thế nào là hài nhảm? Nhảm là nhảm nhí hay nhảm là nhàm, là nhạt? Bởi vì bản chất của hài là sự quá lên hoặc ngược lại với những thứ bình thường. Thông thường thì hài ở ngôn ngữ, hài ở hành động, hài ở tình huống, hài ở những thói quen xấu... Để chọc cười được các ê- kíp phải tư duy đến những thứ khác thông lệ, bất bình thường. Nên ranh giới giữa sự nhảm và cái gây cười nó mong manh lắm. Người hợp gu thấy buồn cười, người không hợp bảo đó là nhảm. Nhưng nếu cứ vơ đũa cả nắm rằng “nhắc đến hài Tết là nhắc đến hài nhảm” là không được. Đánh giá như thế phủ nhận công lao sáng tạo và lao động cật lực của cả tập thể. Tôi cho rằng phát ngôn ấy là thiếu tổng thể và nông cạn. Không thể lấy cái tôi để đánh giá cái khách quan của tác phẩm.
Theo anh, để có một bộ phim hài Tết hay, cần có những yếu tố gì?
Để có hài Tết hay cần nhiều yếu tố: Xét về tính chuyên môn, cần một ê- kíp giỏi (biên kịch giỏi, đạo diễn giỏi, tổ chức sản xuất giỏi, diễn viên có tên tuổi, quay phim tay nghề...). Xét về điều kiện cần: Phải có tài chính dồi dào, đầu tư thỏa đáng. Phải đoàn kết hợp tác, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Anh thấy hài Tết hiện nay đang thiếu những gì? Nhiều người làm hài chỉ chăm làm răng vổ, chân thọt, méo miệng... nhưng khán giả không cười được. Có phải là nghịch lý không anh?
Khi bạn gặp một người đẹp trai, cảm xúc của bạn là bị cuốn hút, rung động chứ không cười được. Nhưng bạn thấy một người “nhìn đã buồn cười rồi” thì thông thường họ không đẹp trai mà phải có khiếm khuyết gì đó (có thể là cơ thể hoặc thói quen xấu).
Để tăng độ hài hước, nhiều đạo diễn mượn hình ảnh đó đặt họ vào hoàn cảnh cụ thể, tình huống cụ thể dễ bật ra tiếng cười (ví dụ khi chia sẻ câu chuyện với một người điếc, hoặc chỉ bức tranh cho người mù hoặc cho người vẩu đến đám tang khóc...) cái sự trớ trêu ấy nó bất bình thường vào kích thích được khán giả. Nhưng nếu làm không khéo trở thành sự miệt thị với những người khuyết tật. Và khi người ta lạm dụng quá nhiều rồi thì “rượu ngon uống lắm cũng say/ người khôn nói lắm dù hay cũng nhàm”. Nên cần phải nghiên cứu kỹ thị hiếu thẩm mỹ của khán giả vì chọc cười họ là cả một thử thách cực kỳ khó khăn.
Các đoàn hài Tết qua các năm đều mời các gương mặt nghệ sĩ quen thuộc như: NSND Quốc Anh, NSND Minh Hằng, Trà My, Chiến Thắng, Quang Tèo, Giang còi... Theo anh là vì lý do gì? Các nhà sản xuất có sợ khán giả quen mặt nghệ sĩ mà chán phim không?
Để bán được vé cần có gương mặt, để kích thích được người xem họ phải có người nổi tiếng. Vì người nổi tiếng như những người bạn nêu trên họ đều chứng minh được tài năng và bản lĩnh qua rất nhiều năm rồi. Hơn nữa họ có fan nhất định, chỉ cần họ diễn ở đâu, phim gì là fan họ tìm xem bằng được. Cơ bản là họ biết làm mới mình bằng các cách thức biểu diễn khác nhau qua các vai khác nhau nên xem mãi không thấy chán. Hơn nữa chỉ có họ mới diễn tả an toàn được vai mà đạo diễn muốn gửi gắm thông điệp. Với phim hài Tết thì diễn viên gạo cội, diễn viên nổi tiếng hầu như bắt buộc phải có. Bên cạnh đó để cho nhiều mầu sắc, các đạo diễn có thể lấy thêm nhiều gương mặt mới để phong phú vai diễn và tạo cơ hội phát triển cho các diễn viên trẻ. Nhà sản xuất là người biết điều đó nhất nên dù mời diễn viên nổi tiếng họ tốn nhiều cát – xê hơn họ vẫn “chịu chơi”.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Lạc Thành
Bài viết đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (11)