(ĐSPL) - Hoa là đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo xin việc làm, xin đi học, xin nâng điểm thi… tại 26 tỉnh thành trên toàn quốc.
Theo ANTV, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an cho biết, đã khởi tố, tạm giam đối tượng Ngọ Thị Hoa (42 tuổi, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Ngọ Thị Hoa tại cơ quan điều tra - Ảnh: báo CAND |
Báo Công an nhân dân thông tin, Hoa là đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo xin việc làm, xin đi học, xin nâng điểm thi… từ năm 2014 đến nay tại 26 tỉnh thành trên toàn quốc như: TP. Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai...
Cũng theo ANTV, điều đáng chú ý của vụ án này là trong 100 bị hại, Hoa chưa trực tiếp gặp ai mà đều qua các đầu mối trung gian là Nguyễn Thị Thu Hằng (Hà Nội); Trần Thị Hải Thu (trú tại tỉnh Khánh Hòa) và Hồ Thị Nhàn, Nguyễn Khắc Hưng và Vũ Ngọc Thư.
Cơ quan điều tra xác định, 5 người này đã đứng ra nhận hồ sơ, tiền của hơn 100 bị hại, tổng số tiền 20 tỷ 440 triệu đồng để xin thi vào các trường Công an, quân đội, đi làm trong lực lượng vũ trang, xuất nhập cảnh ở sây bay Tân Sơn Nhất…
Cơ quan CSĐT Bộ Công an thông báo, ai là bị hại trong đường dây lừa đảo do Ngọ Thị Hoa cầm đầu, đến Cục Cảnh sát Hình sự, địa chỉ số 14, ngõ 55, đường Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội hoặc điện thoại liên hệ: 069.2344122 để được giải quyết.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |