Những ý kiến trái chiều về việc Tự Long được xét danh hiệu NSND sẽ được Hội đồng cấp Nhà nước tham khảo để xem xét lại.
Việc các nghệ sỹ lớn tuổi có nhiều cống hiến bị trượt khỏi danh sách được xét tặng danh hiệu NSND năm 2015, còn NSƯT Tự Long (Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội) lại có tên trong danh sách trình lên cấp Nhà nước đã gây nhiều tranh cãi trong mấy ngày qua. NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, những ý kiến của công chúng sẽ là kênh tham khảo để Hội đồng cấp trên xem xét lại kỹ càng hơn.
NSƯT Tự Long. Ảnh: TL |
Tự Long cũng thấy khó xử
Ngay khi kỳ họp thứ ba của 25 thành viên Hội đồng Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 tại Hà Nội vừa kết thúc vào sáng 9/7 thì trên các phương tiện truyền thông lẫn các diễn đàn xã hội đã dấy lên nhiều luồng thông tin trái chiều. Trong đó, việc các nghệ sĩ lớn tuổi có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật của nước nhà trong nhiều năm qua như: NSƯT Minh Vượng, NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Út Bạch Lan… bị trượt khỏi danh sách NSND đã khiến không ít người bất ngờ. Đặc biệt, chuyện nghệ sĩ Tự Long, người vừa được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 2012 lại có mặt trong danh sách NSND trình lên cấp Nhà nước thì vấp phải nhiều phản ứng trái chiều.
Nhiều người phân tích rằng, theo quy định về việc xét tặng danh hiệu NSND ban hành từ năm 2003 thì các nghệ sĩ phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên (riêng đối với nghệ thuật xiếc từ 15 năm trở lên) đã được tặng danh hiệu NSƯT từ 5 năm trở lên và có ít nhất 2 giải thưởng Vàng tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế… và các hội văn học nghệ thuật Trung ương kể từ khi được phong tặng danh hiệu NSƯT. Tự Long năm nay mới 42 tuổi, so về tuổi nghề chưa đủ 20 năm hoạt động nghệ thuật liên tục. Tự Long cũng mới được Nhà nước phong tặng NSƯT từ năm 2012, tính đến nay mới chỉ được 3 năm chứ chưa đủ 5 năm. Ngoài ra, dù là diễn viên chèo nhưng Tự Long lại được biết đến nhiều với vai trò diễn viên hài qua các chương trình “Táo quân”, “Gặp nhau cuối tuần”…
Trao đổi với Tự Long vấn đề này, anh cho biết: ở thời điểm này anh không biết phải nói gì vì đang ở thời điểm nhạy cảm. Bản thân anh cũng thấy mình khó xử khi các bậc tiền bối không được xét tặng danh hiệu NSND. Tự Long cho biết, anh sẽ chia sẻ cụ thể hơn những suy nghĩ của mình sau đợt trao tặng danh hiệu NSND – NSƯT kết thúc.
Chí Trung buồn nhưng vẫn mừng cho Tự Long
NSƯT Chí Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ, anh thấy việc xét tặng các danh hiệu NSND – NSƯT vẫn còn nhiều cảm tính, kiểu “yêu thì dễ, ghét lại khó”. Có những người chưa đủ tiêu chuẩn 5 năm sau khi được phong tặng NSƯT, người là nghệ sỹ trở về từ nước ngoài nhưng chỉ hoạt động với tư cách cá nhân là chính… vậy mà cũng được xét tặng NSND và NSƯT. Cá nhân anh dù xét về huy chương là đủ, xét về sức ảnh hưởng với khán giả và cống hiến với sân khấu nhà hát cũng không thua kém ai… vậy mà lại bị bỏ qua. Nhiều người khuyên anh nên gửi đơn lên Bộ trưởng, Chủ tịch nước… để xin được xem xét, nhưng anh không làm. Ngay cả việc điền hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cũng là do Nhà hát của anh tự điền rồi gửi lên chứ không phải đích thân anh tự làm.
Bày tỏ suy nghĩ về việc Tự Long được phong tặng NSND mà mình không được, NSƯT Chí Trung vui vẻ cho biết: Anh rất mừng cho Tự Long vì Tự Long là một người em mà anh rất quý. Tự Long có những nét duyên dáng rất riêng trên sân khấu. “Danh hiệu không phải là miếng cơm chia cho nhiều người khiến mọi người phải đi giành giật, giằng xé, xin xỏ… mà danh hiệu là sự ghi nhận dành cho tất cả mọi người. Hỏi tôi có mừng cho Tự Long không, tôi bảo rất mừng, vì việc Long được xét tặng NSND không ảnh hưởng gì đến tôi. Còn hỏi tôi có buồn không, tôi cũng trả lời thật lòng là có. Tự Long giống như học trò đời thứ ba, thứ tư của tôi vậy mà học trò được, còn thầy thì trượt. Kiểu như người ta đến nhà mà bắt tay con, còn cha thì không. Buồn lắm”, NSƯT Chí Trung tâm sự.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đồng thời là Ủy viên của Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp Nhà nước chia sẻ, việc Tự Long được nằm trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND cấp Nhà nước trước hết là do Hội đồng cấp dưới, nhất là Hội đồng Bộ Quốc phòng đưa lên. Đưa lên nhưng khi hội đồng các cấp trên xem xét thì bản thân Tự Long cũng phải đạt được các tiêu chí đã được đề ra trước đó. Trong thời gian qua, Tự Long đã đạt được một số huy chương Vàng trong các hội thi. Thứ nhất là, hội thi ở Hải Phòng với vai nhà giáo Chu Văn An trong vở chèo do NSND, đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng. Với vai diễn này, Tự Long được đánh giá cao. Tiếp theo, trong cuộc liên hoan nghệ thuật lực lượng vũ trang tổ chức ở Nam Định, Tự Long cũng đã thể hiện rất thành công vai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, Tự Long được đánh giá là một trong những nghệ sĩ trẻ của “làng” chèo, đóng được nhiều vai, làm chủ được sân khấu truyền thống. Trên lĩnh vực sân khấu hài, Tự Long cũng tham gia tích cực nhóm hài Xuân Bắc – Tự Long với rất nhiều vở diễn dành cho trẻ em hàng năm. Trước đó, Tự Long cũng đạt được một số thành tích trong các cuộc thi sân khấu kịch tổ chức tại Huế. Tuy nhiên, NSND Lê Tiến Thọ cũng cho rằng, những phản ánh của độc giả và báo chí sẽ là một kênh tham khảo để Hội đồng cấp Nhà nước có cơ sở xem xét.
NSND Lê Tiến Thọ cho biết: “Hội đồng càng cao sẽ có cái nhìn càng rộng hơn, so sánh sẽ kỹ càng hơn… Nhiều trường hợp cũng sẽ bị rơi rụng khi Hội đồng xem xét lại thấy chưa xứng đáng. Với những ý kiến của độc giả, của công chúng và truyền thông, tôi tin Bộ VH-TT&DL cùng với Ban thi đua khen thưởng của Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp lại để đệ trình lên Hội đồng xét duyệt trước khi trình Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu NSND-NSƯT cao quý này”. |
Theo báo Gia đình & Xã hội
Xem thêm video:
[mecloud]AjSOusUbhK[/mecloud]