+Aa-
    Zalo

    Đánh chết em rể, trèo lên cây khế ngơ ngác chờ công an đến bắt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Giữa Đỗ Minh Thông (SN 1994), trú tại thôn Nam Sơn, xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và em rể họ là Nguyễn Văn Đ. không mâu thuẫn.

    (ĐSPL) - Giữa Đỗ Minh Thông (SN 1994), trú tại thôn Nam Sơn, xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và em rể họ là Nguyễn Văn Đ. không mâu thuẫn. Song, vì ảo giác, Thông đã đạp 3 lần vào chỗ hiểm khiến em rể họ chết trên đường đưa đến bệnh viện. Vụ án gây xôn xao không phải ở sự dã man của hành động mà là nỗi đau dai dẳng của người còn sống...

    Cú đạp gây chấn thương sọ não

     Ngày 7/8, chúng tôi đến “ốc đảo” Nam Sơn, xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết tức tưởi của anh Nguyễn Văn Đ.. Bị can và bị hại đều là anh em trong một nhà. Họ là những người hiền lành, chăm chỉ làm ăn, chưa một lần cãi nhau. Chỉ trong một giây phút không làm chủ được bản thân, Thông đã đoạt mạng của em rể họ 26 tuổi, bố của 2 đứa con, đồng thời cũng tự đẩy mình vào con đường tù tội với nỗi day dứt suốt cả cuộc đời.

    Căn nhà của chị Thương trở nên cô quạnh khi mất đi người chồng.

    Theo lời khai của Thông tại CQĐT, vào lúc 18h ngày 1/7/2015, sau cuộc nhậu với đám bạn trong thôn, Thông đi ra thì bị một thanh niên trêu chọc và kéo xe máy lại. Dùng dằng mãi, Thông mới rời khỏi quán và đi về phía hồ tôm. Sẵn có hơi men và bực bội trong người, lại thấy bóng một người thấp bé đi về phía trước, Thông giơ chân đạp vào lưng khiến người này ngã xuống đất. Khi nghe tiếng chửi, Thông liền dừng xe, phát hiện là Đ., em rể họ của mình. Không một lời xin lỗi, Thông như người bị “ngáo đá”, tiếp tục đuổi đánh anh Đ. khiến anh này phải bỏ chạy xuống ruộng. Nhưng sau đó, Thông vẫn tiếp tục đuổi và dùng chân đạp ba lần vào đầu, cổ và lưng, làm anh Đ. bất tỉnh tại chỗ.

    Thấy Thông đánh anh Đ., mọi người vào can ngăn và đưa anh Đ. đi cấp cứu nhưng nạn nhân chết trên đường đến bệnh viện. Sau khi khám nghiệm tử thi, các bác sỹ kết luận, anh Đ. bị tử vong do chấn thương sọ não bởi một lực tác động mạnh dẫn đến xuất huyết não.

    Trong căn nhà đơn sơ, giăng đầy chài lưới của những người chuyên đi biển, ông Đỗ Văn Con và bà Đoàn Thị Thới vẫn chưa thể tin Thông đã đánh chết người. Mỗi lần kể lại câu chuyện của Thông, cả hai ông bà lại nấc lên thành tiếng. Bà Thới kể lại: “Bình thường, thằng Thông làm việc ở hồ tôm, chiều bữa đó (1/7), tui thấy hắn đi xe máy về nhà mặt đỏ bừng bừng và có mùi rượu. Về đến nhà, nó đi vô không nói lời mô hết, thấy lạ tui hỏi có chuyện chi thì hắn nói: “Con đập (đánh) thằng Đ. mẹ ạ, con có biết là hắn mô”.  Tui hỏi: “Răng (sao) mi đập hắn?”. Thông nói là “con cũng không biết răng lại đập hắn nữa”. Tui mới hỏi lại, “rứa hắn răng rồi?”. Thằng Thông nói lại là “họ đưa hắn về nhà rồi, không biết răng nữa. Tý nữa có lẽ là công an đến bắt con đó”. Nói xong, hắn ra trèo lên cây khế ở trước nhà ngồi chờ công an đến. Khoảng 30 phút sau, tui nghe tiếng người nhà bên đó (nhà thằng Đ.) khóc lóc thảm thiết là tui biết có chuyện không hay rồi. Cùng lúc đó, công an đến bắt thằng Thông. Thấy công an đến, hắn nhảy từ trên cây khế xuống, giơ hai tay rồi nói với mấy chú công an: “Chú bắt con đi. con có tội, chú bắt con đi””. Kể đến đây, bà Thới khóc nấc, nghẹn ngào.

    Nước mắt “giọt máu đào hơn ao nước lã”

    Người dân địa phương cho biết, họ đều rất ngạc nhiên khi biết Thông gây ra cái chết cho anh Đ., bởi theo họ, Thông là người ít nói, hiền lành và chăm chỉ làm ăn chứ không phải là người ham chơi. Trong khi mối quan hệ giữa Thông và anh Đ. là mối quan hệ anh họ và em rể (vợ Đ. và Thông là con cô con cậu), hai gia đình lại sống sát vách nhau. Cũng theo người dân địa phương, mối quan hệ giữa họ vẫn luôn tốt đẹp, chưa hề có xích mích hay cãi vã gì. Lý giải cho hành động “bột phát” dẫn đến chết người này, ông Đỗ Văn Lớn – hàng xóm của Thông cho rằng: “Có lẽ, trước đó, Thông nó uống vài chén rượu nên không nhận thức được đúng sai và đã hành động hồ đồ chứ bình thường nó có phải như thế đâu”.

    Được biết, Thông là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em. Học đến lớp 6 thì Thông nghỉ học theo cha đi biển đánh cá. Đến năm 18 tuổi, Thông vào TP.HCM  làm công nhân cho một công ty da giày, nhưng được vài năm Thông lại trở về quê cùng canh hồ tôm với anh rể. Thông chăm chỉ làm ăn, làm được đồng nào đều đưa về cho mẹ để trang trải cuộc sống. Dẫu chưa phải tự hào, nhưng ông Con, bà Thới có phần nào yên tâm về Thông. Thế nhưng, cuộc sống không bao giờ học được chữ ngờ, khi ông bà còn chưa kịp tính chuyện vợ con cho Thông thì Thông đã gây ra chuyện tày trời. Ông Con cho biết thêm: “Mãi khi sự việc xảy ra tận 2 tuần tôi mới biết mọi chuyện, vì tôi đánh cá ngoài biển. Tôi nói vợ sang thăm hỏi và xin lỗi gia đình người ta. Con dại cái mang, gia đình tôi sẽ đền bù ở mức có thể”.

    Quan hệ họ hàng giữa hai bên đang tốt đẹp thì bây giờ bỗng dưng trở nên gượng gạo. Cũng may, gia đình bị hại còn nghĩ đến đôi chút tình nghĩa nên cũng không hề có lời qua tiếng lại gì. Chính điều đó càng khiến cho ông Con thêm day dứt. Nén lại những đau thương, ông Nguyễn Duy Đức (bố của anh Đ.) cho biết: “Hai đứa mặc dù không thân nhau nhưng cũng không mâu thuẫn gì. Nhưng con tôi lại chết một cách oan uổng, tôi thì không hờn trách gì đâu nhưng vụ này, mọi việc do con dâu tôi quyết định”.

    Chị Đỗ Thị Hoài Thương, vợ anh Đ. chia sẻ, cho dù Thông là anh họ nhưng nỗi đau mà anh ta gây ra cho chị quá lớn. Chị đã trở thành góa phụ khi mới 24 tuổi, hai đứa con mới học mẫu giáo và chập chững biết đi, sớm trở thành trẻ mồ côi. Thật dễ hiểu khi chị vẫn chưa thể tha thứ cho Thông, dù ông Con, bà Thới đã thay mặt Thông xin lỗi chị. Chị Thương đau đớn nói: “Chồng em là người chăm chỉ, hiền lành, không mâu thuẫn với ai, vậy mà anh ấy phải ra đi quá sớm. Con em cả hai đứa nói còn chưa sõi, vậy mà chúng không thể gọi được tiếng bố nữa. Đối với em, bao nhiêu tiền bạc cũng không thể bù đắp được. Em chưa thể tha thứ được, anh Thông đi tù nhưng còn được sống, còn chồng em thì vĩnh viễn không bao giờ trở về nữa”.

    Bị can Đỗ Minh Thông.

    Lời trần tình đau đớn

    Tham gia bào chữa trong rất nhiều vụ án giết người nhưng đối với luật sư Diệp Kiến Trúc, đoàn Luật sư Quảng Bình, thì vụ án của bị can Đỗ Minh Thông gây cho ông nhiều trăn trở. Bởi với tư cách là luật sư chỉ định, khi tiếp xúc với bị can, ông thấy Thông là người có vẻ hiền lành và thật thà. Minh chứng là trong tất cả các lời khai ở nhiều thời điểm khác nhau, Thông đều khai giống nhau và không hề có sự quanh co, bao biện. Thậm chí, nhiều lúc ông nghi ngờ liệu Thông có mắc chứng tâm thần nào không khi vô cớ đánh em rể họ của mình dẫn đến tử vong.

    Luật sư Trúc cho biết:  “Qua việc tìm hiểu làng xóm và bị can, tôi thật không hiểu nổi bị can lại có thể gây ra một án mạng như vậy khi không hề có động cơ. Gặp Thông trong trại tạm giam, Thông nói là hôm ấy tự dưng thấy bực bực trong người, thấy một người đi qua rồi lấy chân đạp một cái, nhưng không ngờ lại là chính em rể họ. Nghe em rể chửi mình,  Thông chạy theo đánh tiếp nhưng không ngờ lại gây chết người. Thông đã rất thành khẩn trong việc khai báo, ngay cả việc kể chính xác vị trí đánh như thế nào. Bởi chỉ cần thay đổi vị trí đánh hoặc cách đánh đã có thể thay đổi tội danh rồi”.

    Ngày 10/8, lãnh đạo PC45, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, hồ sơ vụ án đã hoàn tất. Hiện tại, Thông đang bị tạm giam tại trại Tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình chờ ngày ra hầu toà.

    XUÂN HƯƠNG – LÊ GIÁP

    [mecloud]zhZTxAVHta[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/danh-chet-em-re-treo-len-cay-khe-ngo-ngac-cho-cong-an-den-bat-a106340.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.