Theo nhiều chuyên gia, cần đưa hành vi trộm chó vào Bộ luật hình sự để răn đe, tránh hậu quả đáng tiếc.
Sau khi hai người nghi trộm chó bị đánh tử vong, cảnh sát triệu tập hàng chục người dân để lấy lời khai nhưng không ai nhận tội. Đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng “bó tay” khi có án mạng xảy ra.
Ngày 8/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, các đơn vị nghiệp vụ liên quan đã hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân vụ án xảy ra tại địa bàn xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột khiến hai người tử vong.
Khó xác định ai đánh chết nạn nhân
Trước đó, khoảng 1h sáng ngày 6/10 tại đường liên thôn 2 và 3, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, người dân đang ngủ say, bỗng giật mình bởi tiếng xe máy chạy lòng vòng vào những đường nhánh trong thôn. Do đã họp bàn và canh chừng trước (nạn trộm chó hoành hành dữ dội nên người dân đã chia nhau tuần tra hàng đêm), nghi có trộm chó nên người dân đã đổ ra đường, đánh kẻng báo động, truy hô vây bắt. Thấy vậy, bốn đối tượng đi trên hai xe máy mang theo các dụng cụ trộm chó nhanh chóng bỏ chạy. Tuy nhiên, một trong hai xe đã “dính” vào một sợi dây căng ngang đường và té ngã. Ngay lập tức, hai đối tượng bị người dân cầm gậy gộc tấn công dẫn đến tử vong. Hai đối tượng còn lại rẽ vào đường khác nên may mắn trốn thoát.
Hiện trường người dân đốt xe máy của hai đối tượng trộm chó. |
Hai nạn nhân bị đánh tử vong được xác định là Lê Quốc Việt (SN 1993, tạm trú đường Y Wang, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) và Hoàng Văn Thái (SN 1976, trú xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) bị thương nặng, tử vong tại bệnh viện. Tại hiện trường, cảnh sát phát hiện một bao tải chứa nhiều dụng cụ hành nghề trộm chó như: Băng keo đen, dây thòng lọng, dụng cụ kích điện, nỏ cao su, bột ớt. Chiếc xe máy của các nạn nhân cũng bị đốt cháy rụi.
Nhiều người dân trong xã bức xúc cho biết, thời gian gần đây, nạn trộm chó liên tục hoành hành, chỉ trong một năm, trên địa bàn mất hàng trăm con chó. Bọn trộm chó lộng hành trắng trợn, thậm chí còn đe dọa giết cả chủ nhà khi bị phát hiện. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến người dân ra tay không thương tiếc với các nạn nhân. Luật sư Tạ Quang Phòng, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc người dân tự xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người khác là hoàn toàn sai và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, khi hàng chục người dân ở thôn 2 và thôn 3 (nhà gần hiện trường) được cơ quan CQĐT mời lên lấy lời khai thì tất cả đều phủ nhận liên quan đến sự việc trên.
“Để xác định được chính xác ai đã đánh tử vong hai nạn nhân thật không dễ. Hành vi trộm chó từ trước tới nay hầu hết đều chỉ bị xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe. Vì thế, đã đến lúc xem xét tăng nặng hình phạt với tội danh này”, Luật sư Phòng nói.
Để dân “tự xử” rất nguy hiểm
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Bá Thuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, việc thời gian qua xảy ra nhiều vụ án mạng đau lòng liên quan đến việc trộm chó, trong đó có những trường hợp kẻ trộm chó bị đánh hội đồng đến chết, có những vụ người truy đuổi kẻ trộm chó bị chết là một thực trạng đáng suy nghĩ. Bởi thực tế, một con chó không đáng giá bao nhiêu, nhưng xuất phát từ hành vi “trộm vặt” đó lại dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Theo ông Thuyền, nếu xét về giá trị, đem định giá tài sản thì một con chó có thể không đến 2 triệu đồng, trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì tội trộm cắp tài sản chỉ bị xử lý hình sự khi tài sản bị trộm cắp được định giá từ 2 triệu đồng trở lên. Xuất phát từ thực tế đó, dự thảo Bộ luật Hình sự lần này do Bộ Tư pháp soạn thảo đang quy định theo hướng, trong một số trường hợp, có thể tài sản trộm cắp không có giá trị đến 2 triệu đồng nhưng nếu đi kèm theo một số tình tiết thì vẫn xem xét xử lý hình sự. “Ví dụ như trộm cắp một chiếc xe đạp của người dân ở nông thôn, dù chiếc xe không giá trị đến 2 triệu, nhưng nó lại là tài sản chính, là nguồn tạo ra thu nhập chính cho người dân, trong trường hợp này sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
Với hành vi trộm chó cũng vậy, trong những trường hợp cụ thể, cần nghiên cứu, điều chỉnh luật cho phù hợp, bởi nếu không đưa vào luật, nếu Nhà nước không đứng ra xử lý thì sẽ lại dẫn đến việc người dân “tự xử”, gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng”, ông Thuyền cho hay.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, cần thiết đưa tội trộm chó vào Bộ luật Hình sự. Bởi trong nhiều trường hợp, dù tài sản có giá trị không cao nhưng hành vi ấy lại nguy hiểm và gây bức xúc cho người dân, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng thì phải xem xét quy định trong luật. “Tôi nghĩ, nên quy định hành vi cụ thể này vào Bộ luật Hình sự để công tác tuyên truyền được thực hiện tốt hơn, các đối tượng cũng ý thức hơn về hành vi của mình. Bên cạnh đó, nếu quy định trong luật thì sẽ rất minh bạch trong trình tự, quy trình xét xử, giải quyết không còn tình trạng mỗi lần có trộm chó là người dân đánh hội đồng kẻ trộm đến chết”, ông Vinh nói.
Cả làng không ai khai nhận
Trước đó, Báo Giao thông đã từng phản ánh nạn trộm chó hoành hành ở Thanh Hóa. Điển hình nhất là vụ người dân thôn Bằng Phú, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành đánh chết Nguyễn Văn Ngân (trú xã Thạch Bình) và Nguyễn Văn Dũng (trú xã Thạch Tân), đánh trọng thương Bùi Văn Thảo (quê xã Thạch Đồng) và Quách Văn Dương (trú xã Thành Kim) là các đối tượng trộm chó vào tối 19/12/2014.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Giết người” để điều tra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Thiếu tá Nguyễn Hữu Thịnh, Đội trưởng Đội trọng án, Phòng hình sự Công an tỉnh cho biết, đã triệu tập hàng chục người dân ở thôn Bằng Phú và những nghi can để lấy lời khai, song không ai chịu khai nhận.
Theo Báo Giao thông
[mecloud]D8ugY5VkQ7[/mecloud]