Nhiều người cho rằng, hoạt động đánh bài ăn tiền chỉ là việc vui vẻ trong gia đình bạn bè dịp Tết, việc cược tiền chỉ tăng tính hấp dẫn và không liên quan đến pháp luật.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, đánh bài hay đánh bạc trái phép chính là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào và với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện.
Chia sẻ trên báo Lao Động, luật sư Ngô Việt Bắc - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định trên, đánh bài tại nhà ngày Tết với mục đích ăn thua bằng tiền hay hiện vật dù chỉ vài nghìn đồng cũng được coi là đánh bạc trái phép.
Chỉ khi đánh bạc giải trí hoàn toàn, không có mục đích ăn thua thì mới không bị phạt.
"Tùy vào mức độ vi phạm, người đánh bạc trái phép sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Để có một cái Tết vui và an toàn, người dân không nên đánh bài ăn tiền dưới mọi hình thức, dù chỉ để cho vui cũng là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Bắc cho hay.
Cụ thể, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Theo đó, tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc bao gồm: Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Theo luật sư, tội đánh bạc được quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với 2 khung hình phạt.
Theo đó, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Đồng thời, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu tiền hoặc hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; Tiền hoặc hiện vật trị giá dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc hay tiền hoặc hiện vật trị giá dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đối với khung hình phạt thứ 2, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: Có tính chất chuyên nghiệp; Tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội và là hành vi tái phạm nguy hiểm.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Đoàn – Văn phòng luật TNHH số 1 YB cho rằng, đánh bài có thể trở thành hành vi đánh bạc trái phép nếu mục đích của việc chơi bài không phải để vui chơi, giải trí mà để được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Điều này đã được ghi nhận tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP như sau:
"Đánh bạc trái phép" là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp".
Luật sư Đoàn cũng nói thêm, với hành vi đánh bạc, tùy theo mức độ vi phạm, người chơi bài ăn tiền có thể chỉ bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí còn có thể phải ngồi tù. Do đó, chơi bài vui ngày Tết thế nào để không phạm luật, người chơi cần lưu ý không được chơi bài với mục đích ăn tiền hay quy đổi ra hiện vật (đồng hồ, nhẫn, dây chuyền...), báo Sức khoẻ & Đời sống thông tin.
Thục Hiền(T/h)