(ĐSPL) - Khi thưởng thức đặc sản thịt chuột tại nhà hàng, ít thực khách ngờ rằng họ đang nhậu... chuột cống và phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh dịch hạch và nhiều thứ bệnh khác.
Thịt chuột cống "hô biến" thành thịt chuột đồng, thịt thú rừng, bò viên...
Báo Dân Trí đưa tin, nhiều năm trở lại đây thịt chuột đồng thành món khoái khẩu của nhiều người trên bàn nhậu, tuy nhiên do số lượng chuột đồng có hạn, nhiều khi không đủ đáp ứng nhu cầu của thượng khách. Nắm bắt được nhu cầu này nhiều người đã coi việc săn chuột cống là một nghề kiếm cơm và thu nhập từ việc săn chuột cống mỗi ngày cũng lên đến tiền triệu.
Tiết lộ của những người săn chuột thì địa điểm mà họ thấy bắt được nhiều chuột nhất là những nơi bẩn thỉu, ẩm ướt, nhiều thức ăn như chợ, bãi rác thải, thậm chí họ còn vào cả bệnh viện để bắt chuột. Số lượng người hàng ngày đi săn chuột cũng không phải là ít, chủ yếu ở một số nơi có nghề săn chuột đồng từ xưa đến nay như Thạch Thất, Đan Phượng (Hà Nội), Bắc Ninh, Hưng Yên...
Theo tìm hiểu, chuột cống sau khi bắt được trong những lần đi săn, họ mang về nhà rồi mổ thịt bán cho các nhà hàng, hoặc trộn lẫn với chuột đồng rồi bán ngoài chợ. Trong thực tế việc phân biệt chuột cống và chuột đồng không hề dễ khi đã được mổ sạch và thui rơm vàng ươm. Có điều là chuột cống luôn có trọng lượng từ 5 đến 7 lạng/con. Trong khi chuột đồng thì chỉ nhỏ như cổ tay, khi chưa làm thịt lông chuột đồng có mầu tro.
Báo Vietnamnet thông tin, những chú chuột cống, sau khi được tuốt lông, làm sạch sẽ được chặt bỏ đầu, phanh thây để biến thành chuột đồng với những món xào, nướng mà thực khách không thể kiểm chứng. Những món ăn hấp dẫn từ chuột như: chuột rán, xào, nấu đông, giả cầy, luộc rắc lá chanh, rang muối trắng, nướng trên than hoa đủ cả. Chuột cống cũng biến thành thịt thú rừng, thịt thỏ quay, thịt lợn sữa chiên giòn. Giá chuột đã chế biến từ 200.000-220.000 đồng/kg
Khi thưởng thức đặc sản thịt chuột tại nhà hàng, ít thực khách ngờ rằng họ đang nhậu... chuột cống và phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh dịch hạch và nhiều thứ bệnh khác.
Khi thưởng thức đặc sản thịt chuột tại nhà hàng, ít thực khách ngờ rằng họ đang nhậu... chuột cống và phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh dịch hạch và nhiều thứ bệnh khác. |
Hay như thông tin về công nghệ sản xuất bò viên bằng thịt chuột ở Campuchia. Nghề bắt chuột cống để bán đang thu hút khá đông những người nghèo khó ở đủ các độ tuổi của Phnom Penh. Một phần số chuột bắt được sẽ được làm “bò đểu xuất khẩu”. Ở ngoại ô Phnom Penh, có cả một ngành công nghiệp sản xuất “bò đểu”.
Phần đầu tiên trong công đoạn chế biến: màu nhân tạo sẽ được bỏ vào trong thùng thịt để có “màu bò tự nhiên”. Sau khi xay hết thịt, người ta sẽ bỏ nước mắm, bột thịt bò, bột tiêu, bột nêm vào thịt trộn đều cho đến lúc thịt quánh lại. Khi đã được “vị thịt tự nhiên”, những thợ làm thịt sẽ vô tư bọc thêm một lớp bột thịt bò bên ngoài, tức là bao miếng thịt chuột cống vào trong một lớp bột dày màu vàng. Sau khi được phủ bột gia vị và màu nhân tạo, thịt chuột cống bây giờ trông giống như thịt bò đàng hoàng, và trông không khác gì bò bằm thứ thiệt.
Sau đó, thịt sẽ được cho vào một nồi đun nước khổng lồ. Khi thịt chín đều, người ta lấy “chuột viên” ra, bỏ vào một tô thép, chờ xe tải đến chở đi giao hàng.
Hàng ngày, sản phẩm từ công nghệ sản xuất bò viên bằng thịt chuột ở Campuchia được vận chuyển trái phép qua biên giới và từ đó phân phối rộng khắp trong hệ thống nhà hàng, quán ăn ở Việt Nam.
Thông tin trên báo Lao động, tại Từ Sơn (Bắc Ninh), chuột cống được bán ra nhà hàng “đặc sản chuột đồng” ở Từ Sơn, nhiều nhóm khách thích đặc sản miền quê còn đến tận ngôi nhà cao tầng khang trang của gia đình C để đặt tiệc rồi bù khú rượu chè hỉ hả với nhau. Họ cũng tiết lộ, lòng mề chuột thì bán cho người nuôi cá, ria chuột thì bán cho cửa hàng thẩm mỹ họ làm... lông mi giả. Dương vật chuột thì ngâm rượu để làm... “thuốc tăng cường bản lĩnh đàn ông”.
Và thời gian gần đây, các huyện Thạch Thất, Hoài Đức (Hà Nội), trai tráng thi nhau đi bắt chuột cống về bán cho nhà hàng làm đặc sản. Chuột bị nhúng nước sôi tuột lông bở tợt ra, da chúng dăn deo trắng toát, chúng bò ra khỏi chậu nước nóng đen kịt và thối oẵng các chất từ cống rãnh và lông chuột. Những con chuột trắng muốt, mõm nhọn, hấp hối chạy ra khắp khoảnh sân của ngôi nhà hoành tráng. Họ giàu lên nhờ nghề săn “chuột nhà”, “chuột phố”.
Thật kinh hoàng nếu như thịt chuột cống được tuồn lên bàn nhậu với mác chuột đồng. Những thượng khách vẫn chép miệng khen ngon không biết sẽ nghĩ như thế nào khi phát hiện ra mình vừa ăn chuột cống. Chuột cống phát triển khủng khiếp, nhất là tại các thành phố lớn, nơi có nhiều thức ăn bẩn thỉu...
Nguy cơ nhiễm virus dịch hạch, xoắn khuẩn vì ăn thịt chuột cống
Theo PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh (chuyên gia hàng đầu Việt Nam về ATTP), cho biết, rủi ro lớn nhất khi ăn thịt chuột, đặc biệt đáng sợ là chuột cống, là nguy cơ nhiễm virus dịch hạch. Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và dễ bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nhân có dấu hiệu ở phổi, đờm loãng, bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, biến chứng phù phổi cấp, với tỉ lệ tử vong cao.
Th.s Nguyễn Hồng Hà (nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới TW) cho biết, vi rút có hại cho sức khỏe có thể lây từ chuột cống sang chuột đồng và ngược lại. Chuột vốn là loài trung gian truyền bệnh, con người không chỉ mắc bệnh khi bị chuột cắn mà ngay cả khi tiếp xúc với phân, nước tiểu của chúng cũng có thể lây bệnh.
Đặc biệt, khi chế biến, với những con chuột thui cả con, thì nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhất là bệnh xoắn khuẩn; khi giết mổ, tay chân tiếp xúc với ruột gan và nước tiểu của chuột cũng có nguy cơ mắc bệnh. Nếu ăn phải chuột bị dính bả hay thuốc chuột thì người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính.
Trong con chuột, đặc biệt là trong nước tiểu, thận cũng như các phủ tạng khác của chúng luôn chứa những bệnh tật nguy hiểm như dịch hạch, viêm cầu khuẩn, lao. (Ảnh minh họa). |
Trước nữa, báo chí đã thông tin rằng có bệnh nhân bị nhiễm vi-rút Hanta từ chuột gây suy thận, suy gan. Các trường hợp này chủ yếu do bị chuột cắn. Một thử nghiệm của viện Pasteur TP.HCM bắt khoảng 30 con chuột thì có tới 3 con nhiễm vi – rút Hanta gây suy thận cấp.
Trong con chuột, đặc biệt là trong nước tiểu, thận cũng như các phủ tạng khác của chúng luôn chứa những bệnh tật nguy hiểm như dịch hạch, viêm cầu khuẩn, lao… Người chế biến, ăn tái dễ bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, môi trường sinh sống của chuột thời gian gần đây cũng bị ô nhiễm nặng. Những con chuột có thể bị đánh bả, nhiễm hoá chất. Với chuột đồng, nguy cơ cao nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Người ăn thịt chuột dễ dàng tích tụ chất độc trong cơ thể, gây nguy cơ mắc các bệnh gan, thận, ung thư…
Tuyết Mai (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin