(ĐSPL) - Tập đoàn Almaz-Antey của Nga đang đề xuất các phương án hiện đại hóa hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora cho Việt Nam.
|
Đáng sợ, “Rồng lửa” S-125 Pechora-2TM của Việt Nam |
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Almaz-Antey, ông Vyacheslav Dzirkaln, nói với hãng tin ITAR-TASS tại triểm lãm quốc phòng Oboronekspo 2014 hôm 15/8 rằng các tổ hợp tên lửa phòng không Osa và Pechora ở Ấn Độ và Việt Nam có thể được hiện đại hóa. Ông nói: "Chúng tôi đang đưa ra đề xuất phương án hiện đại hóa với các đối tác từng được chúng tôi cung cấp vũ khí. Ví dụ, với đối tác Ấn Độ, chúng tôi đưa ra đề xuất hiện đại hóa hệ thống Osa, với Việt Nam là Pechora".
Hệ thống tên lửa S-125 Pechora
S-125 Neva/Pechora hay SAM-3 là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô, được thiết kế để bổ sung cho tên lửa S-25 và S-75.
Tên lửa S-125 gồm 2 phần. Phần thân dưới là động cơ đẩy phụ-nhiên liệu rắn, thời gian hoạt động 2,6 giây, gắn 4 cánh vây hình chữ nhật có thể xoay 90 độ; phần trên đường kính nhỏ hơn là động cơ đẩy chính-nhiên liệu rắn, thời gian hoạt động 18,7 giây và đầu đạn, được gắn 4 vây đuôi cố định và 4 vây chuyển động được nhỏ hơn ở đầu. Tên lửa được điều khiển bằng sóng radio qua antenna ở cánh vây sau phần trên (có thể tên lửa loại này được trang bị công nghệ tự tìm mục tiêu bằng hồng ngoại ở cuối hành trình IR terminal homing). Tên lửa 5V24 (V600) có thể đạt tốc độ Mach 3-3,5. Nó có tầm bắn hiệu quả ngắn hơn và độ cao tối đa thấp hơn so với các loại tên lửa thế hệ trước, đồng thời cũng bay chậm hơn. Tuy nhiên nhờ thiết kế hai giai đoạn bay nên nó có hiệu quả hơn khi chống lại các mục tiêu di động. Nó cũng có khả năng tấn công các mục tiêu bay thấp hơn. Đặc biệt nó còn có khả năng chống lại hệ thống nhiễu điện tử tốt hơn so với thế hệ S-75.
Hệ thống S-125 sử dụng 2 phiên bản đạn tên lửa khác nhau. V-600 (hay 5V24) có đầu nổ nhỏ chỉ có trọng lượng 60 kg, có tầm bắn khoảng 15 km.
Phiên bản sau có tên gọi V-601 (hay 5V27). Nó có chiều dài 6,09 m, sải cảnh 2,2 m và đường kính 0,375 m. Trọng lượng tên lửa khi phóng là 953 kg, đầu nổ nặng 70 kg gồm 33 kg thuốc nổ mạnh và 4.500 mảnh nhỏ. Tầm bắn từ 3,5 đến 35 km (với Pechora 2A). Độ cao hoạt động của tên lửa từ 100 m đến 18 km.
S-125 được triển khai lần đầu vào khoảng thời gian 1961-1964 xung quanh Mátxcơva, nhằm bổ sung cho hệ thống phòng không S-25 và S-75 đã bố trí xung quanh thành phố, cũng như trên lãnh thổ Liên Xô. Năm 1964, một phiên bản nâng cấp của hệ thống có tên là S-125M "Neva-M" và sau này là S-125M1 "Neva-M1" đã được chế tạo. Neva-M được trang bị tầng đẩy đã được thiết kế lại và một hệ thống điều khiển cải tiến.
|
Một phiên bản nâng cấp của hệ thống S-125 Pechora có tên là S-125M Neva |
Trung đoàn tên lửa phòng không 250 của quân đội Nam Tư trang bị hệ thống S-125 đã bắn hạ một chiếc máy bay tàng hình F-117 Nighthawk vào ngày 27/3/1999 trong Chiến tranh Kosovo. Trong chiến tranh, SA-3 và các hệ thống SAM khác đã bắn hạ nhiều máy bay không người lái của NATO và Mỹ.
Các gói nâng cấp
Kể từ khi thay thế hầu hết các hệ thống S-125 bằng các hệ thống SA-10 và SA-12, Nga quyết định nâng cấp hệ thống S-125 đã loại khỏi biên chế nhằm thu hút các khách hàng đã mua hệ thống tên lửa phòng không này.
Các gói nâng cấp cho Pechora-2 có nhiều tính năng tốt hơn, có thể đồng thời điều khiển nhiều tên lửa hướng đến nhiều mục tiêu cùng lúc và xác suất tiêu diệt mục tiêu cao hơn. Bệ phóng được gắn lên xe tải cho phép thời gian triển khai nhanh hơn. Hệ thống Pechora-2M cũng có thể tiêu diệt các tên lửa hành trình.
|
Nga nâng cấp S-125 Pechora thành Pechora-M. |
Nga đã nâng cấp S-125 Pechora thành Pechora-M. Các thành tố của hệ thống đã được nâng cấp hầu hết - động cơ tên lửa, radar, hệ thống điều khiển, đầu đạn, ngòi nổ và các thiết bị điện tử khác. Ngoài ra còn thêm khả năng bám mục tiêu bằng laser/hồng ngoại cho phép tên lửa tiến đến mục tiêu mà không cần sử dụng đến radar.
Hệ thống phòng không S-125 Pechora của Việt Nam
Tất cả các hệ thống S-125 Pechora của Việt Nam đã được hiện đại hóa lên phiên bản Pechora-2TM và Pechora-3M.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM "Pechora-2TM" được thiết kế cho nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu trong mọi điều kiện nhiễu đối với các loại phương tiện tấn công đường không, gồm cả các phương tiện bay thấp và có kích cỡ nhỏ cũng như tiêu diệt các mục tiêu mặt đất và mặt nước khác.
|
“Rồng lửa” S-125 Pechora-2TM của Việt Nam xuất kích. |
Tổ hợp S-125-2TM "Pechora-2TM" có thể được triển khai chiến đấu độc lập, hoặc được triển khai như một bộ phận trong thế trận phòng không hợp nhất nhờ khả năng tương thích với mọi chủng loại radar và các hệ thống thông tin chỉ huy phòng không, cũng như hệ thống kiểm soát không lưu.
Tổ hợp S-125-2TM "Pechora-2TM" được trang bị bộ thu tín hiệu từ hệ thống dẫn đường vệ tinh, cho phép định vị tọa độ, hiển thị vị trí trên bản đồ số, đồng thời rút ngắn đáng kể thời gian thu hồi từ trận địa cũ và triển khai tổ hợp tại trận địa mới.
Tính năng kỹ chiến thuật của S-125 Pechora-2TM
- Độ cao vùng diệt mục tiêu: từ 20 m tới 25 km
- Cự ly diệt tối đa đối với mục tiêu có tham số đường bay vòng phía ngoài trận địa: 25 km
- Tốc độ bay tối đa của mục tiêu có thể diệt: 900 m/giây
- Số lượng mục tiêu có thể diệt đồng thời: 2 mục tiêu
- Xác suất diệt mục tiêu bằng 1 đạn: 0,92
Khả năng kháng nhiễu chặn tích cực: 2.700 W/MHz
Thời gian tổ hợp bắt mục tiêu theo phần tử chỉ định: 3 giây
Diện tích phản xạ điện từ nhỏ nhất của mục tiêu có thể bị phát hiện: 0,02 m2
Cự ly phát hiện mục tiêu tối đa: 100 km
Thời gian khai thác sử dụng đạn: 15 năm
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dang-so-rong-lua-s-125-pechora-2tm-cua-viet-nam-a46621.html