(ĐSPL) - Mới đây, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Nhân Quảng, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong cho biết, ngoài 6 đập thủy điện ở thượng nguồn, mới đây, một công ty Trung Quốc còn giúp một nước trong khu vực xây thủy điện trên sông Mekong.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi xây dựng những đập thủy điện ở thượng nguồn, Trung Quốc không chỉ nhắm vào mục tiêu kinh tế như giải phóng máy móc lạc hậu, giải quyết lao động mà họ còn muốn hiện diện ở những vùng "hiểm yếu" của các quốc gia khác. Và từ đây, nắm được vùng quan trọng cũng như chi phối được dòng chảy khiến nhiều nước phải phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hiểm họa từ những quả "bom nước" khổng lồ
Khoảng một thập kỷ kể từ khi xây dựng đập Tam Hiệp, đập thuỷ điện lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử, Trung Quốc không chỉ phát triển mạng lưới thuỷ điện trên toàn quốc mà còn mở rộng đầu tư vào các dự án ở khắp các khu vực trên thế giới từ châu Phi đến Đông Nam Á, Mỹ Latinh... Thậm chí có những dự án, Trung Quốc tỏ ra "hào phóng" đến bất ngờ khi cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ cả phần thiết kế và thi công. Đây là điều khiến không ít các nước trên thế giới cảm thấy ngạc nhiên và đặt ra những nghi vấn.
Theo tài liệu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên Việt Nam gửi đến PV báo Đời sống và Pháp luật, hàng loạt đập thủy điện được xây trên phía thượng nguồn sông Mekong của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái, môi trường mà còn ẩn chứa những tai họa kinh hoàng đối với hàng chục triệu người dân sinh sống dưới hạ nguồn, trong đó có ĐBSCL. Đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên Việt Nam cho hay, nếu 15 công trình thủy điện thuộc địa phận Trung Quốc và 11 đập thủy điện trên địa phận các nước trong khu vực được xây hoàn thành thì tổng dung tích nước điều tiết của toàn hệ thống này ước tính khoảng 30 tỉ m3.
Trong điều kiện vận hành bình thường, chắc chắn với số lượng đập thủy điện lớn như vậy sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông. Tuy nhiên, điều quan ngại nhất chính là nguy cơ vỡ đập. Nếu vỡ một đập thì hàng loạt đập khác sẽ vỡ dây chuyền. Trong đó có đập Sambo do một công ty Trung Quốc xây dựng ở một nước trong khu vực, trong trường hợp xảy ra sự cố, lượng nước tích trữ ở độ cao 40m trên mực nước biển sẽ biến thành "quả bom" nước khổng lồ giội xuống, có thể san phẳng cả ĐBSCL.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Nhân Quảng, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong cho biết, tại thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã xây xong 6 thủy điện, có dự án rất lớn như Mãn Loan 1.500 MW, Tiểu Loan 4.200 MW và đặc biệt đã có dự án cực lớn là Nọa Trác Độ 5.860 MW...
Đập Nọa Trác Độ của Trung Quốc, 1 trong số 6 đập thủy điện trên sông Mekong. |
Không chỉ dừng lại ở đó, nhà đầu tư Trung Quốc đang dự định làm thêm thủy điện ở khu vực này. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho ĐBSCL. Lợi ích từ thủy điện trên dòng chính Mekong đem lại cho các nước không đáng kể, mỗi đập thủy điện chỉ vài chục triệu USD/năm, nhưng tổn thất về môi trường, sinh thái vĩnh viễn không thể phục hồi lại được. Cả cộng đồng hàng chục triệu dân sống bên lưu vực dòng sông này sẽ phải gánh chịu hậu quả".
Được biết, những năm gần đây, tại Việt Nam, lượng nước trên sông Hồng đoạn chảy qua TP. Lào Cai từng bị biến đổi khác thường. Cục Quản lý tài nguyên nước khẳng định, chế độ vận hành các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn phía Trung Quốc đã làm căng thẳng thêm tình trạng cạn kiệt, thiếu nước trên các sông của Việt Nam, trong đó có sông Hồng. Những kết quả quan trắc tại các trạm thủy văn trên sông Đà, sông Lô và sông Thao cho thấy đã có hiện tượng suy giảm lượng nước từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam.
Trước đây, sông Mekong chở phù sa xuống các nước khu vực hạ lưu thì nay không còn nữa vì đã bị Trung Quốc tích hết ở thượng nguồn. ĐBSCL của Việt Nam cũng đang phải đối phó với tình trạng xâm mặn, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Hầu hết người dân ở ĐBSCL đang sống chủ yếu vào nông nghiệp. Khi mà nguồn nước bị tác động gây ảnh hưởng thì sinh kế của từng ấy người cũng sẽ bị ảnh hưởng", ông Nguyễn Nhân Quảng bày tỏ.
"Không chỉ đơn thuần vì kinh tế"
Trao đổi với PV, một chuyên gia ngành môi trường (đề nghị giấu tên-PV) dẫn một ví dụ về việc xây đập thủy điện để "nhắm" vào nhiều mục đích của các công ty Trung Quốc. Đó là đập thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo ở vùng cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Ấn Độ, Bangladesh có độ cao 116m, tổng công suất lên đến 510.000 KW. Vừa đi vào vận hành, đập này đã khiến hai nước láng giềng này "sốt vó" bởi nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dưới hạ nguồn. "Tương tự như vậy ở sông Mekong, khi Trung Quốc xây dựng hàng loạt và giúp các nước xây dựng đập thủy điện sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống sinh thái. Khi dòng nước thay đổi chắc chắn sẽ kéo theo nhiều thứ khác nữa như môi trường, giao thông và việc bố trí dân cư...", vị này phân tích.
Về vấn đề Trung Quốc mở rộng các nhà máy thủy điện ra thế giới, trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật, Ths. Bùi Ngọc Sơn (Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng có ba nguyên nhân. Đầu tiên, Trung Quốc nhắm vào những nước đang phát triển thiếu cả về cơ sở hạ tầng và năng lượng. Sau đó, họ sẽ kiếm tiền từ những công trình này... Thứ hai, sau khi Trung Quốc xây dựng xong hàng loạt các đập như Tam Hiệp, Tiểu Loan... họ đã bị dư thừa hàng vạn lao động và máy móc chuyên xây dựng thủy điện. Do vậy, Trung Quốc phải đi tìm những công trình thủy điện khác để thi công và đây là cách di dân khôn khéo của họ.
Ths. Bùi Ngọc Sơn. |
Thứ ba, đối với những công trình lớn, ở khu vực "nhạy cảm", quan trọng ở bất cứ quốc gia nào, Trung Quốc sẽ "hào phòng" cho các nước khác vay vốn với lãi suất thấp để cho doanh nghiệp và lao động của mình vào. Và khi đã vào được, ai biết được họ làm những công việc gì ở đó.
"Đây là mối nguy hại đối với các nước mà có công ty của Trung Quốc thi công. Nếu không nhận ra được vấn đề này, các nước sẽ phải trả giá và lãnh hậu quả lớn về an ninh, kinh tế, môi trường...", Ths. Bùi Ngọc Sơn cảnh báo.
Nói về việc Trung Quốc giúp một số nước xây dựng các đập thủy điện, ông Sơn phân tích: "Ý đồ của Trung Quốc khi xây các công trình thủy điện ở trong nước cũng như nước ngoài rất rõ ràng. Họ sẽ chọn những khu vực hiểm yếu nhất của đất nước đó để thực hiện các dự án. Dự án này không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế mà còn phục vụ nhu cầu chính trị. Bởi nắm được khu vực này, họ có thể kiểm soát toàn bộ những khu vực khác. Còn đối với các đập thủy điện trên sông Mekong, họ thực hiện quá nhiều dự án, sợ bị dư luận thế giới phản ứng nên "lôi kéo" thêm các nước khác để làm cùng bằng cách giúp đỡ về vốn, thiết bị và cả nhân lực...
Ai cũng biết ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của nước ta. Việc thay đổi dòng chảy, tích tụ phù sa ở thượng nguồn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước và xâm mặn. Nông nghiệp mà thiếu nước, đất kém màu mỡ thì làm sao mà phát triển được. Nguy hại hơn nữa là việc ĐBSCL đang đứng trước nguy hiểm bởi có thể phải gánh chịu những quả "bom nước" từ thượng nguồn. Hành động này khiến tôi và nhiều chuyên gia cảm thấy nghi ngờ".
Cũng theo ông Sơn, từ trước đến nay, báo chí đã rất nhiều lần lên tiếng về những công trình, dự án có tầm ảnh hưởng lớn, các doanh nghiệp Trung Quốc đều ra sức thầu cho bằng được. Các dự án Trung Quốc đầu tư ra ngoài đều nằm trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này.
Thủy điện chỉ là cái cớ để tăng cường sự hiện diện ở các nước khác? Dẫn lời TS. Lê Kim Sa (vVện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), khi quốc gia nào bị Trung Quốc "nắm thóp" thì nguy cơ phụ thuộc vào kinh tế nước này là tương đối lớn. Xây dựng công trình thuỷ điện chỉ là cái cớ để Trung Quốc thâm nhập, tăng cường sự hiện diện và chi phối các nước khác. Có thể nói Trung Quốc đã khéo léo vận dụng "ngoại giao thuỷ điện" để tạo nên sự phụ thuộc từ các nước vào quốc gia này và các nước sẽ phải nhượng bộ Trung Quốc trong nhiều vấn đề. |