Bạn đọc hỏi: Hiện chị gái tôi đang ly thân với chồng. Trước khi chị ấy ra ngoài thuê nhà ở, anh rể tôi cố tình giữ lại chiếc xe ôtô mang tên chị tôi vì cho rằng một số người thân bên gia đình vợ còn nợ tiền. Vậy anh rể tôi làm thế đúng hay sai?
Bạn đọc hỏi: Hiện chị gái tôi đang ly thân với chồng. Trước khi chị ấy ra ngoài thuê nhà ở, anh rể tôi cố tình giữ lại chiếc xe ôtô mang tên chị tôi vì cho rằng một số người thân bên gia đình vợ còn nợ tiền. Vậy anh rể tôi làm thế đúng hay sai?
Đào Hồng Ngọc (Quận Ba Đình, Hà Nội).
Luật sư trả lời:
Trong tình huống này, vợ chồng chị gái bạn (tạm gọi là chị A) vẫn đang trong tình trạng ly thân nên tài sản và các khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung theo quy định pháp luật về hôn nhân gia đình.
Đối với chiếc xe ô tô đăng ký tên chị A, phải xác định đây là tài sản chị gái bạn có trước khi kết hôn hay có trong thời kỳ hôn nhân (nghĩa là tài sản chung). Nếu chị A chứng minh đó là tài sản trước khi kết hôn và không có thỏa thuận cho vào tài sản chung thì chiếc xe đấy là tài sản riêng của chị.
Theo quy định của Luật Dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó mà không ai có thể can thiệp. Hơn nữa, chồng của chị A cố tình chiếm giữ, không cho vợ (vì chưa ly hôn nên pháp luật vẫn công nhận là vợ, chồng) sử dụng chiếc xe ô tô là hoàn toàn vô lý, trái với quy định của pháp luật. Thậm chí nếu chứng minh được hành vi của người chồng là cố tình chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, thì còn có thể bị xử lý hình sự. Còn nếu không chứng minh được chiếc xe đó là tài sản riêng thì chị A có thể khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo pháp luật.
Tại khoản 1, Điều 176 của Tội chiếm giữ tài sản trái pháp luật quy định:
Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Theo An ninh thủ đô