Liên quan đến đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc ban hành luật Đăng ký tài sản sẽ ngăn được tài sản tham nhũng “ẩn nấp” có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trao đổi với PV ĐS&PL ĐBQH khóa XIII, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền thẳng thắn nêu quan điểm: “Cần đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, đăng ký tài sản có thật sự hiệu quả”?
Một biếm họa cho thấy việc thu hồi tài sản tham nhũng đang gặp khó khăn. |
PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thời gian gần đây?
Ông Nguyễn Bá Thuyền: Theo tôi đánh giá, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thời gian vừa qua là rất tốt. Theo báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao, trong nhiệm kỳ 2016- 2021, tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vượt trội so với nhiệm kỳ trước. Điều này cho thấy, biện pháp để phát hiện, thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng kinh tế có bước chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn, việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ thấp hơn nhiều so với số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt và tài sản tham nhũng được “ẩn nấp” dưới nhiều hình thức khác nhau.
PV: Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Viện trưởng VKSND Tối cao đề xuất sớm ban hành luật Đăng ký tài sản. Theo ông, có cần thiết phải xây dựng và ban hành luật này để ngăn chặn nhóm tài sản tham nhũng “ẩn nấp” dưới nhiều hình thức biến tướng?
Ông Nguyễn Bá Thuyền: Theo quan điểm của tôi, không nhất thiết phải có luật Đăng ký tài sản. Nếu ban hành luật đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác (ai là người đăng ký, quy mô đối tượng thực hiện ra sao, xác minh thế nào và cơ quan nào chịu trách nhiệm-PV). Chúng ta chỉ cần thực hiện cho thật tốt những đạo luật đã ban hành, làm một cách minh bạch, công khai.
Thực tế hiện nay, môi trường giao dịch bằng tiền mặt dung dưỡng tham nhũng. Chính sách sử dụng tiền mặt trong giao dịch dân sự tạo điều kiện cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng một cách dễ dàng, rửa tiền một cách hợp pháp. Việc thanh toán tiền mặt tạo điều kiện cho tệ nạn hối lộ cán bộ, công chức Nhà nước, gây ra tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong quá trình xử lý sự vụ, tạo thành thói quen xấu cho người dân, muốn xong việc nhanh thì phải có “phong bì”.
Với các giao dịch dân sự như mua bán tài sản giá trị lớn, mua bán nhà đất... hầu hết đang thực hiện bằng tiền mặt, giá trị giao dịch kê khai nộp thuế thấp hơn rất nhiều lần giá trị giao dịch thật, gây thất thoát nguồn thu từ thuế rất lớn cho ngân sách Nhà nước cũng như tạo cơ hội để che giấu tài sản cá nhân do tham ô mà có...
Theo tôi, điều cần làm là phải quản lý cả xã hội (kể cả trong nhà nước, ngoài tư nhân) đều phải dùng hệ thống tài khoản, bằng thẻ. Tất cả giao dịch đều phải thể hiện trên tài khoản thì mới quản lý được. Khi anh mua một tài sản nào đó, anh phải chứng minh được nguồn tiền từ đâu. Tôi đã từng đi học tập ở nhiều nước và cách quản lý của họ thông qua tài khoản, thanh toán không dùng tiền mặt. Doanh nghiệp tư nhân họ cũng lấy tiền như doanh nghiệp Nhà nước (lấy phần trăm để tăng chi phí, giảm lợi nhuận, giảm tiền thuế, thậm chí trốn thuế... -PV).
PV: Có ý kiến cho rằng, người đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên tài sản nên việc thu hồi tài sản tham nhũng như “bát nước hắt đi hốt lại không thể đầy”. Phải chăng chúng ta đang thiếu cơ chế xác minh tài sản nên khó thu hồi, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Thuyền: Thực tế chúng ta không thiếu cơ chế pháp lý để xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng; điều quan trọng là chúng ta vận hành cơ chế đó như thế nào, có làm hết trách nhiệm hay không. Chúng ta cũng đã có luật Phòng chống tham nhũng, quy định rất rõ về nghĩa vụ kê khai tài sản, có luật về thanh tra, rồi Bộ luật Hình sự để phát hiện hành vi và xử lý tham nhũng hay quy định về kê khai tài sản của cán bộ... Nếu phát hiện ra tài sản bất minh, cứ căn cứ vào đó để xử lý.
Thế nhưng việc xác minh tài sản cũng còn nhiều bất cập. Đối tượng cán bộ công chức trong diện phải kê khai tài sản chỉ với khoảng 1 triệu người nhưng chỉ xác minh được vài chục trường hợp. Cán bộ phải kê khai tài sản nhưng con cái họ chưa thành niên thì không phải kê khai và họ tuồn hết tài sản cho con cái họ đứng tên. Đó cũng là lý do vì sao, có người 20, 30 tuổi đã đứng tên tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ. Như vậy việc kê khai có ý nghĩa gì? Kê khai phải thực chất và đúng luật.
PV: Theo ông, làm thế nào để thu hồi triệt để tài sản trong các vụ án tham nhũng?
Ông Nguyễn Bá Thuyền: Thu hồi tài sản tham nhũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên các biện pháp phong tỏa, kê biên được áp dụng sau khi khởi tố vụ án, trong khi thực tế nhiều vụ án khi phát hiện tội phạm đã xảy ra trong thời gian dài đã kịp tẩu tán tài sản trước khi khởi tố vụ án. Thêm vào đó, việc thực hiện giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng... thường rất chậm, kéo dài, không đáp ứng yêu cầu về thời gian theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.
Việc thẩm định giá trị tài sản khi cho vay của các tổ chức tín dụng chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến một số trường hợp giá trị tài sản được thẩm định cao hơn giá trị thực tế của tài sản rất nhiều lần nên khi xử lý vụ án, công tác thu hồi tài sản không thực hiện được. Để tăng hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, theo tôi, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chú trọng từ giai đoạn giải quyết nguồn tin.
Ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra, thậm chí từ khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng... cần có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với án kinh tế, tham nhũng, không để tội phạm tẩu tán tài sản nhằm thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt.
Đồng thời, các cơ quan tư pháp Trung ương cần sớm ban hành hành lang pháp lý cụ thể về công tác thu hồi tài sản, tăng cường tham gia ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự để có những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi tài sản.
PV: Xin cảm ơn ông!
PV Hương Lan - Nguyễn Thúy
Bài viết đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (11)