(ĐSPL) - Có kì lạ không khi mà ở những thời điểm sốt đất, thì người người, nhà nhà đầu tư tiền của vào bất động sản, còn vị chuyên gia bất động sản thì lại không có phần trăm nào trong tất cả các dự án bất động sản? Cậu chuyện tưởng chừng như không thật mà lại… là thật.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, tuy nhiên, người ta biết đến ông nhiều hơn ở vị trí chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản. Và ông Võ cũng mở lòng tâm sự, đúng là ông có nhiều tiền từ đất, nhưng ông không phải là nhà đầu tư bất động sản.
Mỗi năm, Đặng Hùng Võ kiếm được bao nhiêu tiền?
Tiếp chúng tôi tại căn biệt thự nằm trong khu dân cư đường Giải Phóng, giáo sư Võ không ngại ngần chia sẻ chuyện làm kinh tế của gia đình ông. Từ năm 2009, khi rời nghiệp quan trường, ông không tham gia cố vấn cho một doanh nghiệp nào mà ông có cách làm việc riêng để chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.
Trong căn biệt thự rộng toàn màu trắng, máy tính trên bàn làm việc của GS Võ lúc nào cũng bật sáng. Dù đã gần 70 tuổi nhưng ông lúc nào cũng miệt mài với công việc. Không những thế, ngoài thời gian làm việc, ông còn kiêm luôn vai trò "bảo mẫu". "Tuy có trẻ nhỏ trong nhà nhưng chúng tôi không thuê giúp việc, tôi và Hồng Ánh (tên vợ ông Võ) rảnh lúc nào thì vào nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm con lúc đó" - vị Giáo sự chia sẻ.
Giáo sư Võ không giấu giếm hiện tại ông đang làm khá nhiều công việc từ dẫn chương trình cho đến làm trọng tài thương mại, làm cố vấn cho Ngân hàng Thế giới, ông kiêm luôn cả nhà báo. Ngoài ra, Giáo sư vẫn đang giảng dạy tại Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.
|
Dù đã gần 70 tuổi nhưng Giáo sư Đặng Hùng Võ lúc nào cũng miệt mài với công việc. |
"Về việc làm cố vấn cho Ngân hàng Thế giới, mỗi năm tôi phải đi công tác nước ngoài một lần. Còn công việc làm trọng tài thương mại Quốc tế thì tôi chỉ cần làm ở nhà", Giáo sư chia sẻ.
Được biết, với vốn tiếng Anh rất tốt, cộng với tính tình dí dỏm nên Giáo sư Võ luôn "đắt hàng" trong vai trò làm trọng tài thương mại.
Đặc biệt, Giáo sư Võ rất cởi mở tiết lộ nguồn thu nhập của ông hiện tại, ông nhẩm tính: Tiền từ việc dạy học mỗi năm ngót 100 triệu, tiền từ báo chí cũng khoảng 100 triệu đồng/năm như tiền viết bài, làm dẫn chương trình cho VTC… Năm 2013, ông tính, mình kiếm được ngót nghét 1 tỷ đồng. So với số tiền này, Giáo sư cho biết mình đủ để lo cho cuộc sống gia đình.
Khi được hỏi về vợ, ông cho biết: "Hồng Ánh không kiếm được nhiều đâu. Cô ý đi dạy học và biểu diễn, mỗi tháng được khoảng 10 triệu”.
“Tôi là đàn ông nên phải gánh trách nhiệm tài chính, kiếm tiền lo cho vợ con chứ” – Vị Giáo sư cười vui vẻ.
|
Vị Giáo sư hạnh phúc bên người vợ trẻ Hồng Ánh và các con.
|
Biệt danh "sói Ba Lan"
Khi còn làm quan trường, Giáo sư Võ cho biết, mình không tơ hào gì đến một tấc đất nào, không có phần trăm nào trong tất cả các dự án. Đến nay, ông cũng không đầu tư vào đất cát hay làm cố vấn cho doanh nghiệp. "Mình mà đầu tư vào thì không khách quan, nói ra điều gì người ta lại nghĩ mình bảo vệ quyền lợi của mình nên tôi tránh xa với việc buôn bất động sản" – Giáo sư nêu rõ quan điểm.
Giáo sư Võ sinh ra và lớn lên ở gia đình Nho giáo. Ông cũng thấm thía nhiều triết lý Nho giáo, mang tâm tưởng hàn sĩ, không coi trọng đồng tiền.
"Hồi đó tôi thích sống thanh cao, lấy học vấn làm trọng, không dính dáng gì đến buôn bán. Gia đình khó khăn thì đi dạy học kiếm thêm tiền chứ nhất định không đi buôn. Đến năm 33 tuổi, tôi đi Ba Lan nghiên cứu sinh, để lại vợ và 2 con còn nhỏ trong nước. Lúc đó, gia đình tôi rơi vào cảnh nghèo khó. Tiền học bổng chỉ đủ để tôi trang trải cuộc sống một cách hết sức tiết kiệm ở Ba Lan”. – Giáo sư hồi tưởng lại.
|
Nhiều người tiếc cho ông và bảo, ông mà cứ ở Ba Lan thì giờ thành tỷ phú đô la.
|
"Ngày đó, người Việt ở Ba Lan đều phải kiếm tiền bằng cách giấu giếm mua và gửi hàng từ Ba Lan về nước bán. Tôi thấy người Việt mình ở đó cứ nhếch nhác, lếch thếch lắm. Khi ấy, lòng tự tôn của tôi trỗi dậy. Tôi nghĩ tại sao người nước khác có thể buôn bán mà người Việt lại không làm? Và khi đã quyết tâm làm thì tôi tư duy theo kiểu làm lớn, bài bản và công khai, không chấp nhận kiểu buôn vặt, chộp giật rồi lại vênh mặt trước anh em trong đơn vị rằng tôi có đi buôn đâu. Sống như vậy là đạo đức giả!", ông Võ kể lại.
Và thế là ông Võ đi buôn. Ông mạnh dạn liên hệ với các ông chủ Ba Lan xin được lấy hàng bán. Ông cũng giúp những anh em khác vào cuộc như mình. Thời đó, việc tìm những người trung thành với mình là rất khó. Ông Võ đành lấy niềm tin ra để kinh doanh và cuối cùng ông đã thành công.
“Đến giờ, vẫn còn có anh em gọi tôi với cái tên "soái" Ba Lan. Nhiều người tiếc cho tôi và bảo, tôi mà cứ ở Ba Lan thì giờ thành tỷ phú đô la. Nhưng tôi nghĩ rằng, tiền không thể là mục tiêu, tiền chỉ có thể là phương tiện. Chính vì vậy mà khi hết hạn nghiên cứu ở Ba Lan, tôi đã về nước và trao lại guồng máy kiếm tiền ở đó cho những anh em tiếp theo làm việc" - vị Giáo sư phân trần.
|
Với ông, được ở bên gia đình là điều hạnh phúc nhất, tiền không thể là mục tiêu, tiền chỉ có thể là phương tiện. Ảnh: Ông Võ và cô con gái út.
|
Năm 1988, Đặng Hùng Võ về nước, bằng số tiền kiếm được ở Ba Lan, ông mua căn nhà ở phố Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội; sau đó ông mua một mảnh đất ở làng Nhật Tân. "Đất đai lúc đó rẻ lắm, tiền có bao nhiêu tôi cho vào mua đất. Nhưng tâm lý của tôi không phải mua đất để buôn mà tôi tính sau này dành cho con cái”.
Năm 2010, ông Võ bán căn nhà ở Hoàn Kiếm mà trước đó ông cùng người vợ cả ở, được 40 tỷ. Ông về quê ở Gia Lâm mua một mảnh đất cho con lớn. Số tiền còn lại, ông mua căn nhà bây giờ mình đang ở.
“Nếu ai bảo tôi buôn đất thì không phải nhưng đúng là tôi cũng có được tiền từ đất" – Ông Võ cười.
Hoài An
Clip có thể bạn quan tâm: Hà Nội điều chỉnh giá đất tại một số vị trí bất hợp lý
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dang-hung-vo-toi-giau-len-tu-dat-nhung-khong-buon-dat-a24207.html