Luật sư cho hay, việc sử dụng hình ảnh người khác đưa lên mạng, về nguyên tắc phải được người đó đồng ý. Đó là quyền nhân thân về hình ảnh của người đó.
Kể từ ngày 15/4, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử sẽ chính thức có hiệu lực.
Đáng chú ý, theo khoản 3 Điều 102 của nghị định này thì hành vi: “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Với quy định trên, việc đăng tải thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi không có sự đồng ý của chính chủ sẽ bị phạt nặng, với mức phạt cao nhất tới 20 triệu đồng.
Đăng hình ảnh người khác lên Facebook thế nào thì đúng luật? |
Liên quan đến vấn đề này, dư luận tỏ ra băn khoăn cho rằng rất khó áp dụng quy định này trên thực tế. Ngoài ra, nhiều người đặt vấn đề rằng, đăng hình ảnh như thế nào sẽ không bị phạt?
Trao đổi trên Tri thức trực tuyến, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết việc sử dụng hình ảnh người khác đưa lên mạng, về nguyên tắc phải được người đó đồng ý. Đó là quyền nhân thân về hình ảnh của người đó.
Luật sư Dũng dẫn Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định, những hình ảnh sử dụng không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện của họ bao gồm: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
"Tuy nhiên, sử dụng thế nào để phù hợp minh họa cho hoạt động công cộng chứ không phải muốn sử dụng sao thì sử dụng. Đăng những hình ảnh chụp lén, nhạy cảm, "lộ hàng" hay hình ảnh xấu xí mà bị cho là tổn hại đến uy tín của người có hình ảnh đều có thể bị xử phạt nếu người đó yêu cầu", luật sư Dũng lý giải thêm.
Theo luật sư, Nghị định 15/2020 được xem là khung pháp lý chặt chẽ, nghiêm khắc trong việc quản lý người dùng mạng xã hội. Với những hình ảnh không phải người của công chúng, hoạt động công cộng thì nếu đăng tải hình ảnh họ lên Facebook mà chưa xin phép thì cần phải che mặt người không liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên báo Trí thức trẻ, luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh dẫn khoản 1, khoản 2 Điều 32 của Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
1. Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
2. Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Do đó, việc phóng viên báo chí chụp ảnh nhằm đưa tin tức về các hội nghị, hội thảo hay người dân chụp ảnh tên cướp để đăng lên mạng, gửi công an truy tìm thì hoàn toàn hợp pháp, không cần phải xin phép người có hình ảnh hay người đại diện theo pháp luật của họ.
"Qua đây, tôi cũng lưu ý với mọi người, nhất là các bạn trẻ, khi đăng hình của bạn bè, người yêu… lên mạng thì cần hỏi trước ý kiến của họ; trường hợp đã đăng mà họ yêu cầu gỡ bỏ thì phải gỡ bỏ ngay để đảm bảo quyền về hình ảnh của họ cũng như bản thân mình tránh rủi ro pháp lý", luật sư Hữu nhấn mạnh.
Trao đổi trên báo Hà Tĩnh, luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu cho biết: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình không phải là một quy định mới mẻ mà ngay từ khi ban hành Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã có chế định về quyền này.
Cụ thể, tại Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Trước khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP ra đời thì chế tài xử lý đối với việc sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa được sự cho phép của người đó cũng đã được quy định tại điểm e khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”.
“Việc Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực từ 15/4/2020 thực ra là văn bản thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, cụ thể hóa quy định trên đây của Bộ luật Dân sự 2015 nhằm mục đích bảo vệ quyền cá nhân đối với hành ảnh của công dân mà Bộ luật này đã quy định” - luật sư Phan Văn Chiều khẳng định.
Cự Giải(T/h)