+Aa-
    Zalo

    Dân than thở vì “tội” sống ở... mặt tiền quốc lộ 1

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cả năm nay, rất nhiều hộ dân ở các tỉnh miền Trung không ngừng than thở vì cái “tội” sống ở ngay mặt tiền quốc lộ 1.

    Cả năm nay, rất nhiều hộ dân ở các tỉnh miền Trung không ngừng than thở vì cái “tội” sống ở ngay mặt tiền QL1.

    Dân than thở vì “tội” sống ở... mặt tiền Quốc lộ 1

    Bắc thang hoặc là phải phi thân để vào nhà. Ảnh: N.P

    Nghịch lý ở chỗ, trước đây, họ chen nhau ra sống ở mặt tiền thì kể từ ngày thực hiện các dự án mở rộng QL1, họ lại chỉ muốn lui vào sâu.

    Phi thân để vào nhà

    Dự án mở rộng, nâng cấp QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Trị có tổng chiều dài toàn tuyến 57.48km với 11 gói thầu xây lắp. Trong hai ngày 13 và 14/8, PV Thanh Niên đã đi dọc tuyến QL1 phía bắc tỉnh Quảng Trị và ghi nhận nhiều cảnh oái oăm có lẽ chỉ có ở dọc QL1 ngày mở rộng.

    Tại đoạn qua thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), đơn vị thi công đã gác một dãy cống cao hơn 1m chạy trước nhà dân nhưng “quên” đậy nắp dẫn đến việc hàng chục hộ dân hết lối vào nhà. Giữa trưa nắng, cụ bà Trần Thị Táo (80 tuổi), người thôn này cố cào đống đất xuống lấp lỗ hổng từ sân nhà ra đoạn cống, bà thở dài: “Ai cũng biết muốn có đường thì mỗi người phải chịu cực một tí. Nhưng nhà mệ và bà con chòm xóm đây cực nhiều quá. Có nhà mà không đi vô được... Thiệt, chuyện nói mà nhiều người không tin!”.

    Tình cảnh như cụ Táo rất phổ biến. Tại các đoạn qua TP Đông Hà, xã Cam An (huyện Cam Lộ), thị trấn Gio Linh... lối vào nhiều nhà dân cao hoặc thấp hơn mặt đường đang thi công cả mét, thậm chí đường và nhà cách nhau 2 - 3m vì một hào sâu. “Chúng tôi hiện nay có hai sự lựa chọn. Một là phải chủ động đóng thang bắc từ đường lên nhà. Hai là... phi thân”, bà Trần Thị Ty, thôn Phú Hậu, xã Cam An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chỉ tay vào chiếc thang bằng gỗ chênh vênh trước nhà ngán ngẩm nói. Chưa hết, đối với những hộ dân này, việc đưa xe máy vào nhà là bất khả thi và họ thường phải để luôn ngoài đường cả ngày hoặc đi gửi nơi khác.

    Dân than thở vì “tội” sống ở... mặt tiền Quốc lộ 1

    Đường cống nước mới chắn ngang nhà ông Thành, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ảnh: T.Q.N

    Ăn cơm với đá

    Một trong những hệ lụy làm đảo lộn cuộc sống người dân là lượng bụi rất lớn xuất phát từ việc thi công và xe ô tô chạy cuốn theo khiến tất cả hàng quán, nhà cửa, rau màu hai bên đường đều phủ bụi dày đặc. Theo quy trình thi công, sẽ có xe tưới nước trên mặt đường. Tuy nhiên, người dân và chính quyền các địa phương phản ánh việc tưới nước chỉ được thực hiện khi dân phản ứng gay gắt hoặc có sự xuất hiện của lực lượng chức năng. Ngoài ra, xe chỉ tưới nước trên đoạn đường đang thi công, chứ các chỗ giáp nối giữa 2 đoạn đã thi công xong rồi thì không được tưới. Đặc biệt, việc thổi bụi bề mặt để rải nhựa đã xả ra một lượng bụi cực lớn. Việc thổi bụi cũng được thực hiện vô tội vạ. Có những lúc, công nhân thổi đúng giờ ăn cơm, gặp gió nam mạnh, từng khối bụi đá ập thẳng vào mâm cơm. Chủ tịch UBND xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) kể: “Dân chịu không thấu lại lên kêu xã, họ nói với tôi là để đem mâm cơm đến chủ tịch xem chủ tịch có ăn nổi không!”.

    Dân than thở vì “tội” sống ở... mặt tiền Quốc lộ 1
    Cụ Trần Thị Táo (80 tuổi), thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị): “Muốn có đường là phải khổ, nhưng răng khổ lâu ri?”. Ảnh: N.P

    Tình trạng trên kéo dài, người dân Cam Thủy bức xúc quá đã cùng nhau chặn xe của Tập đoàn Phúc Lộc không cho tiếp tục thi công khiến giao thông ở đoạn đường trên bị tê liệt trong hơn 30 phút sáng 25/7. Khi lực lượng chức năng địa phương đến thuyết phục và yêu cầu Tập đoàn Phúc Lộc thực hiện đúng quy trình tưới nước, chọn thời điểm thổi bụi thích hợp thì người dân mới chịu ra về.

    Dân than thở vì “tội” sống ở... mặt tiền Quốc lộ 1

    Người dân phải bước xuống hào, trèo lên cống mới được vào nhà. Ảnh: N.P

    Ngày 5/8, UBND xã Cẩm Thủy đã mời ban quản lý dự án và nhà thầu lên làm việc, thống nhất một số nội dung để đảm bảo việc thi công; đặc biệt yêu cầu nhà thầu phải thực hiện đúng quy trình xử lý ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông. Trao đổi với chúng tôi, chủ đầu tư cũng như các nhà thầu đều nói hạn chế thổi bụi vào giờ cao điểm, thường cho thổi vào buổi tối khi người dân đã đóng cửa ngủ. Thế nhưng, trên thực tế, công nhân vẫn thổi ban ngày: như sáng 14/8, tại xã Hưng Thủy, công nhân của Tập đoàn Phúc Lộc thổi bụi đá tung mù mịt không thấy đường đi.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-than-tho-vi-toi-song-o-mat-tien-quoc-lo-1-a46993.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hiến đất tổ tông làm quốc lộ

    Hiến đất tổ tông làm quốc lộ

    Việc hiến đất làm đường giao thông không còn lạ đối với nhiều địa phương, nhưng đối với người dân Bắc Bộ, coi tấc đất quý hơn vàng thì việc hiến đất là chuyện hiếm