(ĐSPL) – Người dân mang gạch đá, lốp xe, xe đạp, xe máy… ra giữa đường để chặn các phương tiện không cho lưu thông trên tuyến đường lên Nội Bài.
Sáng 8/11, người dân xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội, gần Melinh Plaza) mang các vật dụng như gạch, đá, lốp xe, xe đạp, xe máy… ra chặn đường lên sân bay Nội Bài khiến xe cộ qua lại ách tắc hơn 1h.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là vì thời gian gần đây, tại hai điểm giao cắt từ ngõ ở hai bên đường rẽ ra cao tốc thường xuyên xảy ra TNGT, nhất là đối với trẻ em. Người dân đã đổ ra đường chặn xe yêu cầu chính quyền địa phương phải có phương án phòng ngừa TNGT tại đây, đồng thời kiểm soát tốc độ của các phương tiện khi lưu thông qua khu vực này.
Sự việc diễn ra khiến giao thông ở cả hai hướng từ sân bay Nội Bài vào trung tâm TP. Hà Nội và chiều ngược lại đều bị chặn đứng, ùn tắc nghiêm trọng. Hàng trăm phương tiện ô tô phải nối đuôi nhau nằm chờ thông đường, nhiều hành khách vì chờ lâu cũng xuống xe khiến tình trạng nhốn nháo trên tuyến ngày càng nghiêm trọng.
Người dân mang gạch đá, lốp xe, xe đạp, xe máy… ra giữa đường để chặn các phương tiện không cho lưu thông trên tuyến đường lên Nội Bài. |
Đến khoảng 9h10, nhận được tin báo, lực lượng công an địa phương, dân quân tự vệ đã xuất hiện và can thiệp đưa các chướng ngại vật vào ven đường, tuyên truyền bà con ngừng việc chặn đường để phương tiện giao thông di chuyển bình thường. Sau 10 phút, tuyến đường đã được thông trở lại ở cả 2 chiều.
Liên quan đến sự việc, Đại tá Lê Văn Duyển, Đội trưởng Đội CSGT số 15, Phòng CSGT TP Hà Nội cho hay, sau khoảng 30 phút, trật tự tại khu vực này đã được lập lại. Đội CSGT số 15 đã phối hợp với Đội CSGT số 6 tiến hành phân luồng, đảm bảo việc lưu thông trở lại bình thường.
Theo Đại tá Duyển, sở dĩ người dân chặn đường là do khu vực giao cắt này thường xuyên xảy ra tai nạn. Nguyện vọng của người dân là muốn có cầu vượt để đảm bảo an toàn. Đại diện của UBND huyện Đông Anh cũng đã có mặt, mời người dân về trụ sở xã Nam Hồng để đối thoại với người dân.
Hành vi Cản trở giao thông đường bộ bị xử lý như thế nào? Tội cản trở giao thông đường bộ được quy định, hướng dẫn tại Điều 261 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau: Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Tại các đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm; b) Làm chết 02 người; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Người đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm. Chú ý:Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
TƯỜNG VY
Xem thêm video: [mecloud]DjUhDWnq3p[/mecloud]