Trong thí nghiệm xã hội cách đây 71 năm, vào những năm 1950, 22 trẻ em ở Greenland đã bị bắt phải tách khỏi gia đình, đến Đan Mạch sinh sống và hoà nhập với xã hội Đan Mạch. Những trẻ em này, khi ấy trong độ tuổi từ 4-9 tuổi, đã được đưa đến Đan Mạch để giáo dục trở thành "những đứa trẻ Đan Mạch".
Khi ấy, những người làm thí nghiệm kỳ vọng những đứa trẻ này sau đó sẽ quay về Greenland và trở thành một phần của tầng lớp ưu tú nói tiếng Đan Mạch mới, giúp hiện đại hóa dân số trên hòn đảo Bắc Cực này.
Thử nghiệm là một phần trong nỗ lực của Đan Mạch những năm 1950 nhằm thuyết phục Liên Hợp Quốc rằng Greenland, thuộc địa của Đan Mạch cho đến năm 1953, là một phần hợp nhất của đất nước này. Trước đó, Đan Mạch và các cường quốc thuộc địa khác đã cam kết làm việc theo hướng phi thực dân hóa khi gia nhập khối thế giới vào năm 1945.
Tuy nhiên, những trẻ em này không bao giờ được trở về với gia đình mà họ được các gia đình Đan Mạch nhận nuôi hoặc được gửi vào trại trẻ mồ côi ở Greenland, nơi họ buộc phải nói tiếng Đan Mạch và gần như không được tiếp xúc với người thân của mình.
Ngày 9/3 (giờ địa phương), Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã gửi lời xin lỗi trực tiếp tới 6 nạn nhân còn sống sau thí nghiệm cách đây 71 năm. Bà nói: "Những câu chuyện của các bạn đã khiến chúng tôi vô cùng cảm động và đây là lý do tại sao ngày nay Đan Mạch chỉ có đúng một từ duy nhẩt để nói, đó là xin lỗi!. Các bạn đã vạch trần sự sai trái. Đó là thí nghiệm vô nhân đạo, phi lý và nhẫn tâm".
Bà Eva Illum, một người từng bị đưa vào thí nghiệm, chia sẻ: "Cha mẹ chúng tôi đồng ý để chúng tôi đi khi ấy nhưng hầu như không biết họ đã đồng ý những gì".
Thí nghiệm nghiệt ngã trên đã gây ra một "điểm nhức nhối" trong quan hệ giữa Greenland và Đan Mạch. Thủ tướng Mute Egede của Greenland nhận xét: "Đây là một phần lịch sử chung của chúng ta. Sự thật đã xuất hiện và đó là một sự thật khiến chúng ta đau lòng khi nhìn lại".
Phần lớn trong số 57.000 người của Greenland là người Inuit, sống rải rác trên hòn đảo Bắc Đại Tây Dương rộng lớn, cằn cỗi, rộng bằng một phần tư diện tích của Mỹ. Greenland vẫn là một phần chính thức của Vương quốc Đan Mạch nhưng kể từ đó đã giành được quyền tự trị rộng rãi và có quyền tuyên bố độc lập.
Trước đó, Thủ tướng Frederiksen đã gửi lời xin lỗi bằng văn bản vào tháng 12/2020 nhưng ngày 9/3 là lần đầu tiên nữ thủ tướng gửi lời xin lỗi trực tiếp tới 6 người còn sống sau thí nghiệm.
Minh Hạnh (Theo Reuters)