Nhiều năm nay, trục đường liên xã Khánh Hà, đặc biệt là đoạn từ thôn Đan Nhiễm tới chân cầu Đen bị xuống cấp nghiêm trọng. Sau mỗi trận mưa, hàng trăm ổ voi, ổ gà trở thành những “ao nước” án ngữ trên mặt đường. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân địa phương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông khiến dư luận bức xúc...
Đường biến thành sông
Theo phản ánh của nhiều người dân sinh sống dọc trục đường, đây vốn là tuyến giao thông chính kết nối xã Khánh Hà với với nhiều địa phương như: Đại Áng, Liên Ninh (huyện Thanh Trì), Dư Dụ, Thanh Thùy (huyện Thanh Oai)… Cung đường càng được coi như một lối tắt khi cách đó không xa, Cầu Chiếc thuộc địa phận xã Hiền Giang, nối liền huyện Thường Tín và Thanh Oai xuống cấp nghiêm trọng.
Toàn cảnh con đường liên xã Khánh Hà bị cày nát, xuống cấp trầm trọng. |
Hơn một năm nay, các phương tiện giao thông trên tuyến đường càng tăng vọt khi dự án kè sông Nhuệ được triển khai trên địa bàn xã. Theo người dân nơi này, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe trọng tải lớn rầm rập chạy qua, trung bình cứ 10 phút/chuyến. Đường xuống cấp, không ít các vụ va quệt, ngã xe đã xảy ra song không hề được tu sửa.
“Đường này hỏng lâu rồi, cách đây chừng 4 năm. Đường hỏng khiến dân gặp tai nạn nhiều. Vừa rồi anh tôi cũng bị tai nạn, gãy bả vai vì sa hố. Số lượng người ngã nhiều nhưng chưa khi nào thấy đường được tu sửa” – anh Đỗ Xuân Hòa (SN 1977) bức xúc.
Theo ghi nhận thực tế, đường hư hỏng nặng và gây ảnh hưởng nhiều nhất là đoạn qua 3 thôn Đan Nhiễm, Liễu Nội, Liễu Ngoại. Đặc biệt, ở 300m đường chạy qua thôn Liễu Ngoại, khắp bề mặt con đường bị băm nát với hàng loạt những ổ trâu, ổ voi... Nhiều vị trí nước đọng lởm chởm đá sỏi đã tạo thành những cái bẫy nguy hiểm đối với người đi đường.
Xe tải lưu thông bất chấp biển cấm. |
Những ổ trâu, ổ voi liên tiếp như mạng nhện giăng bẫy trên đường. Nhiều chỗ không có rãnh, cống thoát thì nước ngập ngụa, bùn trên đường bị ứ đọng, tạo thành những cái “ao nhỏ” có đường kính khoảng 1-2m, có chỗ 3-5m, độ sâu 10-30cm khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn, vất vả. Vì những cái “ao nước” sâu và rộng như vậy nên nhiều người đã phải quay đầu để tìm con đường khác đi, một số khác thì đánh liều lao qua trong sự sợ hãi.
“Nắng thì bụi mù mịt khiến nhà 2 bên đường thường xuyên phải đóng cửa nhưng mỗi khi mưa xuống, con đường lại trở nên sình lầy và nguy hiểm hơn. Mấy hôm nay nước cạn việc đi lại còn dễ dàng. Trẻ con đi học qua ngã rất nhiều. Hôm nọ tôi phải tự đổ 2 xe đá trước cửa nhà nhưng giờ cũng sâu như cái ao rồi” – Bà Nguyễn Thị Nhung (52 tuổi) than thở.
Theo ông Nguyễn Văn Khải – Trưởng thôn Liễu Ngoại, hiện thôn có trên 1000 dân, việc đường liên xã xuống cấp đã gây ảnh hưởng nhiều đến người dân địa phương. Sắp tới đường sẽ được sửa chữa tạm thời nhờ ngân sách của huyện.
“Mong sao ở trên quan tâm, sớm tu sửa để dân đi đỡ khổ. Người ta đo đạc, đóng tim đường nhiều lần rồi nhưng chưa lần nào thấy sửa chữa. Các phương tiện di chuyển qua đây đều phải luồn lách trên những sống trâu, bên dưới là vũng nước. Để người đỡ lao xuống hố, hôm vừa rồi mưa to chúng tôi phải thay nhau túc trực để cảnh báo"– bà Nguyễn Thị Minh (60 tuổi) chia sẻ.
Cần sớm khắc phục
Xác nhận phản ánh của người dân, ông Nguyễn Đại Tình - Chủ tịch HĐND xã Khánh Hà cho biết: “Đúng là có tình trạng đường giao thông trên địa bàn xã đang bị xuống cấp. Đường ấy gây bức xúc thật, đi khắp Hà Nội chẳng nơi nào hỏng như vậy. Gần đây đang thi công kè sông Nhuệ nên lượng xe tải chạy qua lớn, đường càng hỏng nặng hơn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, xin một con đường trải nhựa nhưng dự án đó phải chờ ngân sách thành phố”.
Theo ông Nguyễn Đại Tình, về phía địa phương, hàng năm đều tiến hành duy tu cung đường song do khó khăn về vấn đề vốn đầu tư nên công tác sửa chữa cũng gặp nhiều hạn chế. “Trước mắt Ủy ban Nhân dân huyện đang có dự án sửa chữa đường xấu, đặc biệt là đoạn hỏng nặng ở thôn Liễu Ngoại. Hôm qua xã đã phổ biến xuống thôn về công tác làm đường” – ông Tình cho biết thêm.
Theo cán bộ địa phương, ngoài việc khiến giao thông đi lại khó khăn đường hỏng còn khiến xã Khánh Hà hứng chịu nhiều hệ lụy. Đơn cử là việc bị “trừ điểm” trong hạng mục xếp hạng nông thôn mới năm 2015. Việc vận chuyển các sản phẩm cơ khí ở địa phương ra bên ngoài cũng gặp không ít khó khăn, gián tiếp kéo giảm thu nhập của doanh nghiệp và lao động địa phương.
Người đi đường chật vật tránh ổ voi, ổ gà. |
Nhắc chuyện dự án sửa đường thời gian tới sẽ được khởi động cho những người dân địa phương, không ít ý kiến hân hoan song họ không giấu nổi âu lo bởi việc sửa chữa chỉ mang tính giải pháp ngắn hạn. Theo tìm hiểu, do ngân sách đầu tư từ huyện có hạn nên ở trục đường liên xã này sẽ chỉ tập trung sửa chữa đoạn hỏng nặng nhất là hơn 300m khu vực thôn Liễu Ngoại. Các hạng mục sửa chữa bao gồm đào rãnh thoát nước và san lấp bề mặt, trải đá cấp phối.
“Việc sửa chữa chỉ mang tính chắp vá, xác định chỉ được 1, 2 năm đường sẽ lại chịu cảnh hỏng hóc. Mong các cấp có thẩm quyền xem xét trích 1 phần kinh phí để sớm duy tu, sửa chữa lại con đường cho dân bớt khổ, đỡ vất vả khi đi lại. Nếu cứ để như hiện tại, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao” – ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng thôn Liễu Ngoại kiến nghị .
Thiết nghĩ, việc sớm triển khai dự án nâng cấp không chỉ giải quyết những hậu quả do đường xuống cấp gây ra bấy lâu nay mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà cho kinh tế địa phương “cất cánh”. Và hơn hết, nguyện vọng của người dân xã Khánh Hà về việc sớm được tu sửa, cải tạo các tuyến giao thông đang bị xuống cấp là hoàn toàn chính đáng. Trong khi chờ nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, các cấp chính quyền cùng cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Thường Tín cần có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm phương tiện quá tải lưu thông gây hư hỏng đường giao thông.
NSV