Hơn 34 ha đất cấp phép cho chủ mỏ vàng nằm trên đất lúa hai vụ của người dân nghèo…
Tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Công ty khoáng sản Thăng Long khai thác mỏ vàng Thần Sa |
Ngày 20/4/2009, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 799/GP-UBND cho Công ty khoáng sản Thăng Long với diện tích là 42,09 ha, trong đó có 8ha xây dựng văn phòng; diện tích khu vực khai thác 34,09 ha là đất trồng lúa 2 vụ tại cánh đồng Khắc Kiệm (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai.
Được biết, cánh đồng Khắc Kiệm là nơi canh tác, nuôi sống hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa. Nhưng từ ngày giao đất cho chủ mỏ vàng, cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn, đất canh tác, nơi mưu sinh của người dân đã không còn.
Trong đơn kiến nghị khẩn cấp được gửi đi mới đây, người dân ở xóm Xuyên Sơn cho biết, khu vực khai cấp phép khai thác vàng cho doanh nghiệp là nơi canh tác hàng đời nay của người dân bản địa. Người dân bức xúc đặt câu hỏi, việc lấy đất ruộng rồi giao cho Công ty Thăng Long khai thác vàng thì tới đây người dân sẽ lấy gì để sản xuất, và khi mất đất thì họ sẽ định cư ở đâu?
Xóm Xuyên Sơn hiện nay có khoảng 100 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu. Những người dân có đất bị thu hồi đều không đồng ý với việc đền bù giải phóng mặc bằng, giao đất cho chủ bưởng vàng vì mất đất sản xuất, ảnh hướng đến sinh kế và đời sống của họ.
Mới đây nhất, mặc dù bị người dân phản đối, nhưng Công ty Thăng Long vẫn cho rất đông người và phương tiện vào khu vực này để mở đường, lấy đất ruộng khai thác vàng. Người già, người trẻ thấy đứng trước cảnh mất đất nhưng cũng phải ngao ngán, bất lực.
Công ty khoáng sản Thăng Long huy động rất đông người và phương thiện vào để "cưỡng chế" đất lúa ở cánh đồng Khắc Kiệm |
Và để có “giấy thông hành” khai thác rốn vàng ở cánh đồng Khắc Kiệm, Công ty Khoáng sản Thăng Long đã có những “bảo bối” trong tay mình. Được biết, đến ngày 02/10/2015, Giấy phép khai thác khoáng sản mà tỉnh Thái Nguyên cấp cho công ty Khoáng Sản Thăng Long khai thác 34 ha đất lúa của dân cũng hết hạn, đây cũng là thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03 “không cấp phép mới thăm dò, khai hác vàng sa khoáng”. Tuy nhiên, tỉnh Thái Nguyên sau đó đã “lách luật” bằng việc ban hành Quyết định số 2646, điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản số 799/GP-UBND ngày 20/4/2009, cho giảm trữ lượng khai thác xuống còn 241.502 m3 cát quặng; giảm công suất khai thác xuống còn 17.000 m3 cát quặng/năm; tăng thời gian hoạt động lên 17 năm (tính từ ngày 28/01/2015 đến hết ngày 28/01/2032). Thực chất, quyết định điều chỉnh này là hình thức kéo dài “tuổi thọ” của dự án khi hiệu lực pháp lý của Giấy phép 799 đã hết.
Đặc biệt, không chỉ cấp phép mỏ vàng “đè” lên đất lúa hai vụ, mỏ vàng của Công ty khoáng sản Thăng Long cũng “ăn” vào rừng đặc dụng.
Được biết, năm 2018, sau khi UBND tỉnh Thái Nguyên có tờ trình thì HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua việc phê duyệt tách Dự án mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm với diện tích khai thác là 34,09 ha đất trồng lúa 2 vụ thành công trình, dự án đã được phê duyệt bổ sung, chuyển tiếp trong năm 2018 với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm và công trình phụ trợ (đợt 1) với diện tích 10 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 8 ha (đất trồng lúa 2 vụ - PV) và công trình, dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất; có sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa, dưới 20 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm và công trình phụ trợ (đợt 2) với diện tích 8 ha trong đó diện tích đất trồng lúa là 8 ha đất trồng lúa 2 vụ.
Như vậy tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khai thác khoáng sản của Dự án Mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm theo Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 của HĐND tỉnh Thái Nguyên là 16 ha.
Theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai thì điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư cụ thể như sau: Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây; phảo có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên;
Như vậy, đối với Dự án đầu tư khai thác mỏ vàng sa khoáng khu vực Khắc Kiệm của Công ty khoáng sản Thăng Long có tổng diện tích khu vực khai thác là 34,09 ha đất lúa 2 vụ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất khai thác khoáng sản khi có Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính Phủ.
THU TRANG