Nghe tin người nhà bị nhóm giang hồ đánh, Sáng “chỉ huy” đàn em vào tận bệnh viện truy sát đối thủ. Toàn bộ diễn biến của vụ việc được camera bệnh viện ghi hình lại. Tuy nhiên, khi bị bắt và cả ngày ra tòa, Sáng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
“Hùm xám cây Da Sà” hầu tòa
Một ngày giữa tháng ba, TAND quận Bình Tân (TP.HCM) đưa vụ án Cố ý gây thương tích ra xét xử sơ thẩm đối với Sỳ Vĩnh Sáng (56 tuổi, còn gọi là “hùm xám cây Da Sà” - một trong những đàn em của trùm giang hồ Năm Cam) cùng 11 bị cáo gây ra vụ hỗn chiến tại bệnh viện Quốc Ánh (quận Bình Tân, TP.HCM) vào tháng 6/2016.
11 bị cáo cùng bị đưa ra xét xử với Sáng gồm: Nguyễn Hoài Phong (16 tuổi), Nguyễn Thanh Long, Võ Trung Hậu, Huỳnh Phú Sang (cùng 17 tuổi), Nguyễn Cao Kỳ, Huỳnh Quốc Toàn, Ngô Trọng Nhân (cùng 18 tuổi), Lữ A Dũng (21 tuổi), Cổ Vũ Linh, Cổ Chí Linh (cùng 25 tuổi), Trần Minh Đương (29 tuổi), Sín Hỷ Phí (38 tuổi), Sín Nhộc Giễng (41 tuổi). Theo hồ sơ vụ án, Sáng từng có tiếng trong giới giang hồ Sài Gòn xưa với biệt danh “hùm xám cây Da Sà”. Với thế lực của mình, Sáng quy tụ được nhiều đàn em dưới trướng. “Thành tích” phạm tội dày đặc, Sáng nhiều lần lĩnh án và buộc đi cải tạo từ năm 1976 đến 1999.
Năm 1999, ngày Sáng được tự do cũng là lúc băng nhóm tội phạm do Năm Cam cầm đầu bước vào những năm tháng “làm ăn” cực thịnh. Với chút tiếng tăm, lại vừa mang mác đi tù về, Sáng được Năm Cam chiêu mộ về làm việc. Khi Năm Cam và đàn em bị triệt hạ, Sáng phải đi cải tạo 2 năm. Từ đó đến nay “hùm xám cây Da Sà” về địa phương sinh sống, thỉnh thoảng cũng quy tụ nhiều đàn em giang hồ. Sáng thuê một căn nhà tại đường số 55, phường Tân Tạo, quận Bình Tân làm chành xe. Ở cùng căn nhà này với Sáng có Sín Hỷ Phí (em vợ của Sáng) và một số “đàn em” khác của Sáng.
Sáng từng là đàn em Năm Cam, có nhiều tiền án, tiền sự - Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Khoảng 13h30 ngày 5/6/2016, nhóm thanh niên gồm Chí Linh, Vũ Linh, Đương đến tại căn nhà Sáng thuê gây rối, la hét và lấy vỏ chai bia trước cửa ném vào trong nhà. Người nhà của Sáng thấy nhóm người vô cớ đến gây sự nên cầm hung khí ra chống trả, đánh nhau với nhóm Chí Linh. Sau cuộc hỗn chiến, Chí Linh bị gãy ngón tay, Đương bị thương và Sín Hỷ Phí (em vợ của Sáng) cũng bị chém vào tay, lưng nên được người nhà đưa đến bệnh viện Quốc Ánh cấp cứu. Khoảng 15 phút sau, Đương và Chí Linh cũng được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện này.
Nghe tin Phí bị đánh trọng thương tại nhà Sáng, anh ruột của Phí là Sín Nhộc Giễng chạy đến nhà Sáng, rồi cùng với Sáng và nhóm đàn em cùng kéo đến bệnh viện Quốc Ánh. Đến nơi, nhóm Sáng phát hiện Chí Linh và Đương cũng đang cấp cứu tại đây. Lúc này, Sáng và đồng bọn dùng hung khí đánh Chí Linh và Đương gây náo loạn tại phòng cấp cứu của bệnh viện. Sau khi gây ra vụ hỗn chiến, Sáng cùng đồng bọn đưa Phí đến bệnh viện Triều An (quận Bình Tân) cấp cứu rồi bỏ trốn.
Toàn bộ diễn biến của vụ việc đều được camera an ninh của bệnh viện Quốc Ánh ghi hình lại. Kết quả giám định thương tật xác định: Cổ Chí Linh bị thương tích 31%; Trần Minh Đương thương tích 20% và Sín Hỷ Phí bị thương tích 19%. Căn cứ vào kết quả giám định này, Công an quận Bình Tân bắt Sáng và 15 người (thuộc 2 băng nhóm) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Kêu oan nhưng vẫn không thoát án
Ra tòa với vai trò là người cầm đầu nhóm giang hồ gây ra vụ hỗn chiến tại bệnh viện, nhưng Sáng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Để phần xét hỏi được khách quan, HĐXX đã tiến hành cách ly Sáng khi thẩm vấn các bị cáo còn lại. Những đàn em của Sáng khai nhận khi nghe bạn bị chém thì chạy đến bệnh viện để bênh vực bạn. Để bảo vệ cho “đại ca” của mình, nhiều đàn em của Sáng cho rằng việc đánh nhau không có ý định từ trước, không phải do Sáng tổ chức.
Trả lời tại tòa, Sáng không đồng ý nhiều cáo buộc của VKS. Bị cáo Sáng cho rằng: “Bị cáo không tham gia gây thương tích cho Linh và Đương. Bị cáo cũng không hô hào, chỉ đạo đàn em gây ra vụ đánh nhau tại bệnh viện. Việc đánh nhau tại bệnh viện là các bị cáo khác bênh nhau và đó là ý chí của các bị cáo khác, không liên quan đến bị cáo”.
Cũng theo Sáng, khi nghe tin Phí bị nhóm thanh niên đánh bị thương phải đi cấp cứu, Sáng đã rất tức giận nên đã cùng với anh trai của Phí là Giễng và một số người khác định lên bệnh viện xem sao. Sáng biện minh: “Khi chuẩn bị đi, đàn em đòi mang theo hung khí nhưng bị cáo không cho mang theo. Nhưng sau đó, bị cáo thấy đàn em vẫn cầm theo “hàng nóng” thì chỉ nghĩ để phòng thân chứ không phải đánh người nên bị cáo không quan tâm nữa. Bản thân bị cáo chạy xe một mình đến bệnh viện thăm Phí chứ hoàn toàn không mang theo hung khí gì cả”.
Hai “đàn em thân tín” của Sáng là Phí và Giễng cũng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên lời khai của các đối tượng đều bị HĐXX bác bỏ.
Sau giờ nghị án, HĐXX quyết định tuyên phạt Sỳ Vĩnh Sáng lĩnh 8 năm 6 tháng tù, Sín Nhộc Giễng lĩnh 7 năm tù, Sín Hỷ Phí lĩnh 6 năm tù... Các đồng phạm khác trong vụ án lĩnh mức án từ 2 năm 9 tháng tù đến 5 năm 6 tháng tù cùng về tội Cố ý gây thương tích.
Điều 104. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; E) Có tổ chức; G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |