(ĐSPL) - Gần chục năm nay, hoạt động của 2 mỏ đá Hoàng Hà và Trường Hồng trên địa bàn xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân. Cuộc sống bị đảo lộn bởi ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, nhiều ngôi nhà bị nứt nẻ và nghiêm trọng hơn là đến sức khỏe của người dân.
[mecloud]KYRhKf66cs[/mecloud]
Theo phản ánh của người dân, gần chục năm qua, 2 mỏ đá Hoàng Hà và Trường Hồng ở xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tiến hành hoạt động khai thác đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây. Dù đã nhiều lần phản ánh, khiếu nại đến chính quyền địa phương cũng như các cơ quan có thẩm quyền nhưng người dân không hề nhận được kết quả.
Cứ thế, thực trạng này kéo dài từ năm này qua năm khác, bà con phải chịu đựng cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và mùi thuốc độc của các chất cháy nổ trong bất lực.
Khu vực khai thác đá của công ty cổ phần Hoàng Hà. |
Theo đó, 2 mỏ đá Hoàng Hà và Trường Hồng hoạt động xung quanh khu dân cư có hơn 20 hộ dân sinh sống đã phải chịu ảnh hưởng trực tiếp đến bữa cơm, giấc ngủ...
Chị Nguyễn Thị T. bức xúc: “Những người dân sống xung quanh vùng mỏ đá đều phải hít thở khói bụi độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe. Thêm vào đó là tiếng mìn nổ và tiếng máy xay đá hoạt động liên tục khiến chúng tôi không thể nào chịu nổi. Cứ mỗi bữa ăn, gia đình nào xung quanh đây cũng phải đóng cửa, tránh bụi bay vào nhà, vào thức ăn”.
“Tội nhất là các cháu nhỏ, đang ngủ mà nghe tiếng nổ mìn là giật mình, bật dậy và khóc ré lên; đi học về muốn ra sân chơi thoải mái như bao đứa trẻ khác cũng không được vì quá nguy hiểm. Những lúc 2 mỏ này cho nổ mìn để khai thác, đá bay tung tóe, văng ra đường, có khi còn làm vỡ ngói của một số hộ dân. Trường hợp đáng nói đến là lúc đang chơi giữa nhà, sau khi mỏ đá cho nổ mìn xong, tấm khung sắt trên cửa sổ nhà chị Th. (hàng xóm – PV) rơi xuống. May mắn chị này bế được con kịp thời nên không có sự việc đáng tiếc xảy ra”.
Cửa chớp kính bị rơi vỡ dần sau những lần nổ mìn. |
Được biết, cứ vào “thời khắc” mìn nổ trong ngày, người lớn lại bồng bế trẻ con chạy ra chạy vào, tránh xa những ô cửa kính hay mỗi lúc đi làm, ai nấy đều quen với cảnh đưa con gửi ông bà nội ngoại chứ không dám để con ở nhà một mình.
Cùng chung sự bức xúc, anh Nguyễn Thành L., người dân địa phương trao đổi: “Trong những năm gần đây, có nhiều ngôi nhà được xây mới nhưng đều bị nứt nẻ chạy dài trên các vách tường, mấy tấm kính cửa chớp đều bị rơi rớt. Hiện, nhiều gia đình xây mới nhưng họ có kinh nghiệm hơn là lắp đặt các cửa gỗ nhằm đảm bảo an toàn”.
|
Cũng theo anh L. cho biết, thời gian này, 2 công ty gần hết thời gian hoạt động kinh doanh (thời hạn là 31/21) nên đã tiến hành xay ngày, xay đêm để kịp khai thác hết trữ lượng cũng như tích trữ khoan đá trong mấy ngày sau đó rồi mới cho nổ một lần.
Quá trình thực hiện hoạt động nổ mìn khai thác đá. |
Được biết, mỗi lần nổ là khối lượng thuốc nổ lại tăng lên nên tỉ lệ rung chấn trong lòng đất cùng tăng đã khiến độ nứt nẻ trong các ngôi nhà và ảnh hưởng tiếng ồn, bụi bặm thải ra càng thêm trầm trọng.
“Không chỉ vậy, hoạt động khai thác này còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh. Tại địa bàn, những người dân xung quanh khu mỏ đá, có gần chục người bị ung thư phổi, dạ dày. Hiện tại, có nhiều cháu bé bị còi cọc, viêm phế quản, viêm phổi. Chứ những vùng xa khu mỏ, số người mắc bệnh không nhiều như thế này. Hơn nữa, nguồn nước ở đây cũng bị ô nhiễm, cá được bắt ngoài khe, suối về nấu ăn đều nghe mùi dầu, rất khó chịu, không ăn được”, ông N.V.H chia sẻ.
Theo phản ánh, được biết, kho chứa mìn vài chục tấn của khu mỏ Hoàng Hà đặt sát tuyến đường giao thông của thôn và rất gần với khu dân cư. Mức độ ảnh hưởng tới người dân là rất lớn nếu xảy ra rủi ro trong quá trình bảo quản mìn. Dù đã kiến nghị rất nhiều nhưng đến nay, kho chứa mìn vẫn không được dịch chuyển ra xa khu dân cư.
Bên cạnh đó, theo như phản ánh của người dân, năm 2004, xã đã thu hồi một số lượng đất màu của người dân để giao cho 2 mỏ đá thực hiện hoạt động khai thác ở khu vực gần đó. Thời điểm đó, lạc non đang được trồng nhiều cũng đã phải tiến hành bàn giao. Về phía chính quyền địa phương, xã “hứa” sẽ đền bù cho dân.Nhưng đến thời điểm hiện tại thì người dân giao đất vẫn chưa nhận được khoản tiền đền bù nào.
Vì quá bức xúc, ngày 29/10 vừa qua, nhiều hộ dân đã tiến hành biểu tình và chặn đường các tuyến xe chuyên chở đá từ 2 khu mỏ để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng của người dân.
Đơn khiếu nại của người dân. |
Trước những bức xúc cũng như phản ứng mạnh mẽ của các hộ dân, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ông này cho biết: “Hai mỏ khai thác đó được sự cấp phép của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về khai thác đá. Sự việc người dân phản ánh mức độ ảnh hưởng của 2 mỏ này trên địa bàn là có cơ sở. Việc khai thác đã thải ra lượng khói bụi nguy hiểm, độc hại; tiếng ồn lớn từ các chất cháy nổ… Trước tình hình đó, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra mỗi 2 lần, nhưng chỉ căn cứ trên các thủ tục giấy tờ chứ địa phương không có đủ thẩm quyền cũng như trang thiết bị máy móc để đo độ rung chấn, mức độ ảnh hưởng của bụi bặm, khí thải ra môi trường...”
Theo đó, trước việc người dân phản ánh, tháng 4/2014, tại địa phương đã có đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và mới đây nhất (ngày 29/10), các cơ quan liên quan của tỉnh cũng đã tiến hành thêm một cuộc kiểm tra về hoạt động khai thác của 2 mỏ đá này. Nhưng sau những đợt kiểm tra, kết luận vẫn là mỏ thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của các hộ dân xung quanh. Và cứ thế, 2 mỏ đá hoạt động như vậy gần chục năm nay mà vẫn được cơ quan có thẩm quyền gia hạn khai thác tới lần thứ 6.
Người dân lập bảng phản đối nổ mìn khai thác đá. |
Cũng theo ông Sỹ: “Đối với vấn đề bồi thường đất cho người dân thì không có đủ cơ sở để chúng tôi bồi thường và đền bù theo yêu cầu. Vì thực tế, số lượng đất giao cho 2 mỏ thực hiện hoạt động khai thác đá là đất do dân đã bỏ hoang nhiều năm. Năm 2004, tại thời điểm thu hồi, người dân không có bất kỳ ý kiến nào. Nhưng tới năm 2013, chính quyền bồi thường cho một số hộ dân có đất hoa màu bị xã thu hồi trong quy hoạch nên những hộ dân có đất giao cho 2 khu mỏ mới khiếu kiện. Tuy nhiên, để yên lòng dân, xã sẽ tiến hành hộ trợ cho mỗi nhận khẩu là 500.000 đồng nơi có đất giao cho mỏ”(?!)
Một người dân cho biết thêm: “Ngày 26/10 vừa qua, 9 người dân đại diện thôn 2 mới, xã Xuân Lĩnh đã mang đơn kiếu nại đến Sở TN&MT, Sở Công Thương và UBND tỉnh Hà Tĩnh. Vị Thanh tra Sở TN&MT tỉnh này đã đặt câu hỏi: Vì sao mức độ ảnh hưởng của 2 mỏ đá tới cuộc sống của người dân là lớn như vậy nhưng Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh lại ký văn bản cho công ty Hoàng Hà để gia hạn tiếp thời gian khai thác đá trên địa bàn và đã gửi đến Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh?”
Thế nhưng khi hỏi về vấn đề này, ông Sỹ cho hay: “Việc ký quyết định để mỏ Hoàng Hà tiến hành gia hạn thêm thời gian khai thác thì tôi không biết và cũng không biết cụ thể nội dung đơn xin gia hạn đó”.
HƯƠNG LY
[mecloud]qU2qTDuUql[/mecloud]