(ĐSPL) - Vừa qua, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng mở “lò luyện” đào tạo tài năng nhí. Đây là cơ hội để các tài năng nhí có điều kiện cọ xát, học tập từ sớm các khả năng về thanh nhạc, kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo... Rõ ràng, việc quan tâm đến các thế hệ trẻ ngay từ đầu là một việc làm rất tốt, nhưng liệu cơ hội có dành cho tất cả?
Đua nhau đưa con vào “lò” tìm kiếm cơ hội
Chưa bao giờ, việc đào tạo tài năng nhí về âm nhạc lại sôi động và đông đảo như hiện nay. Hàng loạt các chương trình ca nhạc trên truyền hình đã khiến cho nhiều phụ huynh không khỏi ấp ủ giấc mơ cho con trở thành ca sỹ, người nổi tiếng. Nắm bắt được nhu cầu của khán giả, ngày 11/8/2014, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã mở một trung tâm đào tạo nghệ thuật mang tên Tiếng hát Việt tại nhà Thiếu nhi quận 10 (TP.HCM). Có thể nói, sau hàng loạt các chuỗi đầu tư vào kinh doanh ăn uống, hay mở các quán hải sản thì việc “ông hoàng nhạc Việt” đầu tư và phát triển mạnh vào việc rèn luyện các tài năng nhí cho thấy, nhu cầu của phụ huynh cho con trẻ muốn trở thành người nổi tiếng rất lớn.
Theo ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, từ lâu anh đã có dự định mở “lò luyện” đào tạo tài năng nhí. Đặc biệt, từ khi độc quyền nhóm nhảy ABC Kids, hay việc trở thành huấn luyện viên cho các chương trình The Voice (Giọng hát Việt), The X Factor Vietnam (Nhân tố bí ẩn)... đã truyền cảm hứng cho anh khi thực hiện dự án này. Có thể nói, đây là một quyết định đầu tư khá khôn ngoan của “ông hoàng nhạc Việt”. Bởi lẽ, trong xu hướng được trở thành ca sỹ và có đào tạo bài bản ngay từ đầu là mong ước của nhiều người.
Lò đào tạo tài năng trẻ của Đàm Vĩnh Hưng. |
Có lẽ, lò đào tạo tài năng nhí không phải là điều quá mới mẻ. Ngay từ đầu, nhiều nghệ sỹ, nhạc sỹ trong showbiz đã lấn sân qua chuyện dạy dỗ, rèn luyện cho các tài năng nhí. Thanh Thảo từng rất thành công trong việc đào tạo và tìm chỗ đứng cho hàng loạt học trò, để bây giờ, họ đều là những người có tên tuổi như Trương Quỳnh Anh, Ngô Kiến Huy... Hay việc, Siu Black từng mở một lớp đào tạo thanh nhạc do chính chị trực tiếp đứng lớp đã khiến cho nhiều người tiếp cận với âm nhạc có môi trường để học tập. Ngoài ra, trong các lớp đào tạo làm ca sỹ không thể không kể đến Nam Khánh, người đã rất tâm huyết với các hoạt động nghệ thuật. Nam Khánh đã huấn luyện và đào tạo nhiều ca sỹ thành danh. Với những “lò” đào tạo kiểu này đã góp phần giúp giấc mơ trở thành ca sỹ của nhiều người được chắp cánh.
Tuy nhiên, trong thời điểm như hiện nay, việc “ông hoàng nhạc Việt” tổ chức "luyện gà" cho lứa tuổi thiếu nhi, kèm theo đặt việc học hành của trẻ tại nhà thiếu nhi cũng là một quyết định khôn ngoan để lôi kéo các học viên đến trung tâm của mình. Theo quan sát của PV, ngay khi con còn nhỏ, nhiều bậc phụ huynh đã có nhu cầu cho con em của mình được học tập các khóa thanh nhạc, kỹ thuật biểu diễn từ sớm. Theo ý kiến của nhiều người, việc học sớm sẽ giúp cho trẻ hấp thụ âm nhạc một cách dễ dàng, đồng thời đó cũng là cách để trẻ năng động, hoạt bát hơn. Thế nên, nhiều người không tiếc tiền đầu tư cho con cái của mình đến các trung tâm để học tập. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, với hàng loạt các chương trình giải trí trên truyền hình thu hút trẻ như The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí), Đồ rê mí, Bước nhảy hoàn vũ nhí... càng có thêm động lực khiến các bậc cha mẹ đưa con vào ước mơ đi học - đi thi - nổi tiếng. Tuy nhiên, cơ hội trở thành người nổi tiếng có chia đều cho mọi người?
Cha mẹ cần suy nghĩ kỹ trong việc đưa trẻ đi học làm người nổi tiếng. |
Cẩn thận trước khi “đầu tư”
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh thường đặt tâm lý nặng nề cho con cái của mình khi đầu tư mong con trở thành người nổi tiếng. Bên cạnh đó, các ánh hào quang từ một số chương trình truyền hình về âm nhạc dành cho trẻ nhỏ khiến nhiều người đưa giấc mơ nổi tiếng vào từ điển của con cái. Dễ nhận thấy rằng, việc có trở thành ngôi sao hay quán quân trong bất kỳ chương trình nào không phải là đích đến cuối cùng cho tất cả mọi trẻ. Tuy nhiên, vì giấc mơ của mẹ, nhiều trẻ em buộc phải đi theo giấc mơ nổi tiếng.
Thế nhưng thực tế rằng, nhiều lò luyện đào tạo nghệ sỹ, song số lượng trẻ đăng quang và có thể trụ vững trong showbiz không phải nhiều. Có thể nói, sau chương trình truyền hình thực tế, chỉ có duy nhất Phương Mỹ Chi là thí sinh dễ dàng tìm đến môi trường âm nhạc và có thể làm nghề một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để được như cô bé này dễ có mấy người.
Đa số các nhà chuyên môn cho rằng, việc cho con sớm tiếp cận với môi trường nghệ thuật là tốt, song vẫn còn nhiều yếu tố khác. Nhạc sỹ Miêu Thanh chia sẻ: "Ngày nay, việc đưa trẻ đến các trung tâm học là việc làm tốt để trẻ có thể sớm tiếp cận với môi trường âm nhạc. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, có khá nhiều trung tâm, mỗi trung tâm đào tạo trẻ theo một cách riêng, nơi thì thiên về sư phạm và tâm lý giáo dục, nơi khác thì thiên về đào tạo thực hành. Mỗi trung tâm một kiểu và không có một giáo trình chung, thế nên, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ và áp dụng phù hợp cho con em mình".
Tuy nhiên, việc học là một chuyện nhưng tâm lý của các bậc phụ huynh cũng cần phải rõ ràng, nhạc sỹ Miêu Thanh phân tích: "Việc cho con cái học âm nhạc sớm không nên là giấc mơ để giành lấy giải thưởng hay chiếc vé quán quân trong bất kỳ một chương trình truyền hình thực tế nào. Bởi lẽ, chiếc vé ấy là có hạn và không phải rằng đứa trẻ nào cũng có thể lấy được chiếc vé ấy. Không phải vì chiến thắng mà ba mẹ cho con lao vào học. Việc học để hiểu, để áp dụng quan trọng hơn nhiều việc học để chiến thắng, hay trở thành ngôi sao".
Có thể nói, trong thời gian gần đây, nhiều chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng nhí như The Voice Kids, Đồ rê mí... cùng việc quan tâm của nhiều nghệ sỹ trong việc đào tạo tài năng trẻ là cơ hội cho các tài năng này sớm được học tập, rèn luyện và phát huy bản thân. Ca sỹ Yến Ngọc chia sẻ: "Việc đưa trẻ đi học tập tại các trung tâm, lò luyện sẽ giúp trẻ nâng cao khả năng, kiến thức của mình. Tuy nhiên, nếu các bậc cha mẹ sớm đưa những tài năng này tiếp cận với môi trường showbiz sẽ dễ dàng làm cho các tài năng nhí gặp khá nhiều áp lực khi còn quá sớm. Đây cũng là nguyên nhân làm cho trẻ bị ảnh hưởng tâm lý và phát triển khả năng của mình. Thế nên, cơ hội cho trẻ là có, song các bậc phụ huynh cũng nên sáng suốt để tìm cho con mình con đường thích hợp nhất".
Có thể nói, việc nhiều bậc cha mẹ đưa con vào các trung tâm, “lò luyện” sẽ phần nào giúp trẻ hòa nhập với môi trường rèn luyện ngay từ sớm. Tuy nhiên, từ việc học đến việc tỏa sáng là một con đường dài, ở đó đòi hỏi cần nhiều yếu tố khác. Thế nên, việc ào ạt đưa con vào các “lò luyện” theo một chu trình khép kín của sự nổi tiếng chỉ làm cho con em mình gặp nhiều thiệt thòi trên bước đường của showbiz. Ngoài ra, khi các trung tâm được mở lên để đào tạo nghệ sỹ trẻ, cũng cho thấy môi trường này đang trở nên sôi động. Vì thế, các bậc phụ huynh cần suy nghĩ cẩn thận trước khi đầu tư cho con em mình đi học.
Cần theo nhu cầu thực tế Phó giáo sư, tiến sỹ Phan An, viện Nghiên cứu xã hội vùng Nam Bộ cho biết: “Trước xu hướng các chương trình truyền hình dành cho trẻ em ngày càng nhiều, các bậc phụ huynh cần sáng suốt, đưa con đi học theo niềm yêu thích của trẻ, không nên vì việc thấy gia đình khác cho con học, hay đưa con đi thi các chương trình truyền hình mà đưa con vào lò luyện để tìm kiếm cơ hội. Cần phải chú trọng đến nhu cầu và niềm say mê của con để có thể tạo ra những điều tốt nhất cho trẻ". |