(ĐSPL) - Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Trung Dũng cùng các nghệ sĩ khác sẽ hát những ca khúc nổi tiếng thập niên 70 trong chương trình Tình Khúc Vượt Thời Gian.
Cho đến nay rất nhiều nghệ sĩ trẻ đã chọn thu âm những ca khúc bất hủ hay hợp tác với các bậc tiền bối để củng cố sự nghiệp âm nhạc của mình. Những điều đó cũng đủ nói lên ma lực mãnh liệt của âm nhạc thời kì 70. Với chủ đề “Nhạc Việt thập niên 70”, Tình Khúc Vượt Thời Gian sẽ giới thiệu một số ca khúc tiêu biểu trong giai đoạn vàng son của nhạc Việt với tiếng hát Đàm Vĩnh Hưng, Đức Huy, NSƯT Ái Xuân, Đông Đào, Xuân Phú, Hiền Thục, Thanh Ngọc, Hồ Trung Dũng, Tiêu Châu Như Quỳnh, nhóm Artista.
Đàm Vĩnh Hưng tham gia Tình Khúc Vượt Thời Gian tháng 8. |
Khi đến với Tình Khúc Vượt Thời Gian tháng này, những người yêu nhạc của thập niên 70 sẽ một lần nữa được sống lại những kỷ niệm một thời mà họ đón nhận âm nhạc bằng tai qua radio, những chiếc đĩa than và cảm nhận âm nhạc bằng tâm hồn. Nhạc sĩ Đức Huy sẽ trình diễn Cơn mưa phùn - sáng tác đầu tay của anh và Lệ đá (Trần Trịnh).
Với giọng hát trầm ấm, thu hút, ca sĩ Xuân Phú sẽ làm hài lòng những khán giả khó tính với ca khúc Chuyện tình buồn (Phạm Duy) và Bâng khuâng chiều nội trú (Nguyễn Trung Cang). Khán giả sẽ được nghe lại ca khúc Trên đỉnh mùa đông (Trần Thiện Thanh) với tiếng hát Hiền Thục hay những ca khúc Huyền thoại người con gái,Yêu em (Lê Hựu Hà), Biết đến thuở nào (Tùng Giang), Mai,Bên nhau ngày vui (Quốc Dũng)…
Chương trình Tình Khúc Vượt Thời Gian tháng 8 còn để lại ấn tượng với sự trở lại của NSƯT Ái Xuân, một giọng ca vang bóng một thời mà rất nhiều người thế hệ 5X, 6X từng ngưỡng mộ sau thời gian dài định cư tại Pháp và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ hát những ca khúc được yêu thích của Lê Uyên Phương, Trường Sa… bằng tất cả sự trau chuốt và nhiệt tình mà khán giả quen thuộc vẫn luôn yêu mến.
Với những tiết mục kết hợp đặc biệt giữa các ca sĩ, các bài hát được hòa âm công phu, hiệu ứng sân khấu, âm thanh, ánh sáng và dàn dựng, chương trình “Nhạc Việt thập niên 70” lúc 20h ngày 23/8 tại Nhà hát Hòa Bình sẽ là một đêm nhạc sang trọng, đáng thưởng thức.
Chương trình do Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP. HCM VTV9 và Jet studio phối hợp thực, được truyền hình trực tiếp trên VTV9, tiếp sóng trên VTV Huế - Đài truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng, Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng.
Trước thập niên 70 của thế kỷ trước, nhạc Việt Nam chủ yếu là các ca khúc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoàng Trọng, Cung Tiến, Dương Thiệu Tước, Hoàng Thi Thơ, Y Vân… Cuối những năm 60 và đầu 70, nhạc rock Anh – Mỹ len lỏi dần vào nhịp sống của một bộ phận không nhỏ thanh niên miền Nam với sức ảnh hưởng to lớn. Các ban nhạc lúc ấy chủ yếu là hát nhạc ngoại quốc bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Sau đó, nhiều nhạc sĩ bắt đầu soan lời Việt cho các ca khúc quốc tế nổi tiếng. Trong phong trào “Việt hóa” âm nhạc, đáng chú ý là nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang (ban nhạc Phượng Hoàng) tiến một bước xa hơn là sáng tác những ca khúc nhạc trẻ thuần Việt đầu tiên, đặt nền móng cho nhạc trẻ Việt Nam. Trước giai đoạn này, trong nước ta chỉ có 3 hãng sản xuất đĩa hát nhưng sang thập niên 70, số hãng đĩa tăng lên, có thêm Ngọc Chánh (băng Shotguns), Duy Khánh (băng Trường Sơn), Nhã Ca, Họa Mi, Sơn Ca, Sóng Nhạc… với những chương trình nhạc mới hàng tháng, thị trường băng nhạc phát triển rất sôi động. Trong bối cảnh đó, âm nhạc Việt Nam phát triển đa dạng, phong phú, từ những nhạc sĩ đi trước, đã xuất hiện thêm các nhạc sĩ mới như Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Đức Huy, Quốc Dũng, Đức Huy… Cũng trong giai đoạn này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nổi bật lên như một hiện tượng, một số ca khúc của ông và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được chuyển ngữ và được yêu thích tại Nhật Bản. Không như những ca sĩ hay nhóm nhạc ngày nay, các nghệ sĩ thập niên 70 vừa là ca sĩ, nhạc công vừa là tác giả của những ca khúc của mình. Do đó, để có được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ, các nhóm nhạc của thời kì đó bắt buộc phải sáng tác và chơi nhạc thật hay. Và phần thưởng họ nhận được thật xứng đáng, âm nhạc của thập niên 70 vẫn sống mãi trong lòng người hâm mộ mặc cho sự đào thải nghiệt ngã của thời gian và để lại những tác phẩm bất hủ. |