(ĐSPL) - Về vụ chìm phà Sewol ở Hàn Quốc, báo chí Pháp dùng cụm từ “thảm kịch quốc gia” và mô tả nỗi đau khôn cùng của gia đình các nạn nhân.
Báo chí Pháp viết về các gia đình tuyệt vọng không rời bến cảng Jindo, trông mong người thân sống sót, nhưng lại thấy cảnh thợ lặn lần lượt vớt thi thể của những người mắc kẹt trong chiếc phà chìm.
|
Càng ngày càng có nhiều xác chết được vớt lên từ phà Sewol bị đắm. |
Nhật báo Le Monde còn mô tả cảnh những bà mẹ hỗn loạn, vì có những danh sách nêu sai, nêu tên con mình còn sống nhưng cuối cùng thì nhìn thấy trên màn hình lớn xác con mình mà thợ lặn đưa ra khỏi phà.
Nhiều thành viên thủy thủ đoàn phà Sewol bị cáo buộc tội danh “tương đương với giết người” vì không những đã rời bỏ phà, bỏ rơi hành khách mà cuộc điều tra còn cho thấy người lái tàu chưa từng đi qua ngã tắt nguy hiểm mà chiếc phà đã sử dụng vì khởi hành muộn. Hơn nữa thủy thủ đoàn cũng không được huấn luyện trong việc cứu hộ.
Báo Le Figaro cũng nhắc lại yếu tố này và gắn liền với việc suốt hơn nửa tiếng đồng hồ sau khi báo hiệu cấp cứu, hành khách được lệnh ngồi yên, trong lúc mà phà nghiêng một bên và bắt đầu chìm.
Theo tờ báo đây là thảm kịch nghiêm trọng nhất xảy ra ở vùng biển ngoài khơi Hàn Quốc từ 20 năm qua và người dân oán hận không chỉ thủy thủ đoàn mà cả chính quyền, đã hành xử tồi tệ khiến nhiều người chết.
Vì không tập trung thông tin, cho nên giới chức Hàn Quốc đưa ra thông báo lộn xộn, người dân có cảm giác đi trong sương mù, bị bỏ rơi. Nhiều người tuyên bố thẳng thừng không còn tin tưởng vào chính phủ nữa.
|
Quá đau khổ, nhiều người tuyên bố thẳng thừng không còn tin tưởng vào chính phủ nữa. |
Cảm nhận được sự tức giận nguy hiểm này, Tổng thống Hàn Quốc đã lên tiếng quy tội thuyền trưởng và thủy thủ đoàn.
Le Figaro nhận thấy thảm kịch phà Sewol là một cú sốc rất lớn đối với một đất nước Hàn Quốc rất nhạy cảm. Nằm trong tổ chức các quốc gia phát triển OCDE (Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế), Hàn Quốc đã cố khẳng định chỗ đứng của mình trên trường quốc tế, nhưng tai nạn Sewol đã phơi bày những thiếu sót về an toàn, về phối họp hoạt động, về thông tin yếu kém.
Cho đến giờ, người ta cũng chưa chắc liệu phà Sewol bị chìm là do đụng phải đá ngầm hay không.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dam-pha-han-quoc-tham-kich-quoc-gia-a30352.html