(ĐSPL) - Nỗi đau lớn nhất của những người mẹ có lẽ đó chính là nỗi đau đớn khi mất đi người con mà họ yêu thương. Những người mẹ ấy khép mình nơi góc tòa, mắt đỏ hoe chỉ vì con của họ, người chết còn kẻ đi tù.
Nông nổi tuổi trẻ gây họa lớn
Những người mẹ của bị cáo tuổi đời còn khá trẻ nhưng hầu như phải mang bên mình trọng trách khá lớn. Người thì chồng bệnh tật, con còn quá nhỏ dại, người thì chồng chết phải “thân cò” lặn lội một mình gồng gánh nuôi con. Nên khi “mất đi” những đứa con họ yêu thương, họ lại rơi vào một nỗi đau lớn, một bi kịch khó nguôi ngoai.
Nhưng có lẽ, người đau đớn nhất vẫn là mẹ của nạn nhân. Đôi tay gầy gò đen sạm vì nắng gió của thời gian, đôi mắt đỏ hoe, sưng húp vì nhiều đêm mất ngủ. Chị ôm chặt lấy di ảnh con trai, mắt luôn hướng về cả 4 bị cáo với ánh nhìn căm giận.
Con của chị - nạn nhân của thói hung hăng, hống hách, chỉ vì không đáp ứng theo yêu cầu mà 4 tên “sát nhân” đưa ra nên con chị đã bị tước đi tính mạng khi chỉ còn cách nhà vài trăm mét.
Chuyện là vào ngày 11/1/2014, Lưu Văn Long (21 tuổi), Phạm Hữu Phước (19 tuổi), Châu Khải (21 tuổi) và Nguyễn Nhật Thiện (24 tuổi, cùng ngụ tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) mang theo con dao đến ấp Suối Soong, xã Phú Vinh, huyện Định Quán tìm T.N để đánh trả thù nhưng không gặp.
Khi Phước và đồng bọn quay ra thì gặp hai anh em Lê Văn N. (18 tuổi) và Lê Văn L. (16 tuổi) trên đường đi làm về.
Phước và Khải chặn đầu xe của N., L. hỏi và yêu cầu họ dẫn đường đi tìm T.N nhưng L. không đồng ý.
Khải và Thiện dùng tay đấm vào mặt L.. Thấy em bị đánh, N. liền chạy vào nhà dân gần đó lấy 1 cái xẻng đánh Long và Phước.
Long giật xẻng đè N. xuống đất và cùng Thiện, Khải dùng tay đánh đấm nạn nhân. Cùng lúc, Phước dùng dao đâm vào đùi trái của N.. Do mất máu nhiều nên N.đã tử vong ngay sau đó.
Mức án tòa tuyên đối với bốn bị cáo được nhiều người cho là thích đáng |
Mẹ của N. nhớ lại: “Khi đó tôi đang ở nhà, nghe người ta gọi điện báo con tôi bị đánh, bị chém, kêu tôi ra đưa nó đi cấp cứu, lúc tôi chạy ra thì,… con tôi đã chết”, giọng chị đứt quãng dần rồi im hẳn.
Mẹ N. cho biết nhà rất khó khăn, chồng bệnh nặng không lao động được, chị cũng đau ốm liên miên nên xưa nay trụ cột gia đình chính là N..
N. siêng năng cần cù, chỉ biết làm thuê làm mướn rồi đem tiền về phụ giúp cha mẹ để nuôi các em. Khi N. đang đi làm về, đem theo số tiền hơn 1 triệu đồng là thành quả lao động về để đem cho mẹ thì gặp nạn, rồi số tiền đó cũng không cánh mà bay.
Con dại cái mang
Chị D. (mẹ Phước) đến tòa từ rất sớm cùng cháu ngoại, trên tay ôm khư khư bọc quần áo để gửi cho Phước vì từ ngày Phước bị bắt cho đến nay chị không một lần đi thăm con vì lý do gia đình không còn tiền, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai chị.
Nhưng bọc quần áo ấy, chị phải mang về vì theo quy định thì không thể gửi, chị nói trong nước mắt: “Nó là trụ cột trong nhà tôi, cha nó mất khi nó 10 tuổi nên từ hồi đó nó đã phải theo người ta đi làm mướn, có tiền lo cho gia đình. Mọi chuyện cũng chỉ là do rượu chứ bình thường nó có như vậy đâu. Tôi muốn đi thăm nó mà không có tiền để đi, giờ có mình tôi lo cho mấy miệng ăn, thì tiền đâu,…”.
Chị D. còn kể thêm chuyện nhà, có ba anh em nhưng chị gái lớn của Phước cũng có cuộc sống không hạnh phúc, sau đó mang hai cháu ngoại về cho chị nuôi rồi cả hai vợ chồng bỏ đi biền biệt cho đến nay.
Ngày Phước ở nhà, Phước còn kiếm tiền phụ chị nuôi hai cháu, giờ Phước đi chưa biết bao giờ về, mình chị lại phải gánh trên vai bao gánh nặng gia đình. Hàng ngày chị mong ngóng Phước lấy vợ sinh con cho ổn định cuộc sống để làm ăn, ai ngờ niềm vui chưa đến được thì Phước lại gây ra họa lớn.
Khi VKS đề nghị Phước mức án chung thân, chị D. ôm mặt khóc như mưa, đôi tay run run, mắt đỏ hoe vì thương con. Và rồi khi tòa tuyên Phước mức án chung thân, chị D. như ngã quỵ.
Khi Phước bị dẫn ra xe, chị D. chạy theo, rồi ngã quỵ trước sân tòa, nước mắt dàn dụa, khóc lóc, la lớn: “Con bị thế mẹ biết làm sao đây”.
Chị ngồi đó, mắt hướng theo chiếc xe bịt bùng khuất xa dần rồi lủi thủi ra về.
Mẹ của Châu Khải là chị H. cũng đến dự tòa từ sớm, chị H. cố gắng kiếm cái ghế trên cùng để có thể nhìn rõ mặt con trai mình. Châu Khải là con út của chị và cũng là cậu con trai mà chị rất thương yêu trong số 3 anh chị em.
Châu Khải thường ngày siêng năng cần cù lại hay làm, lương hàng tháng đều gửi về cho mẹ. Cuộc sống gia đình chị cứ thế trôi đi, Khải đi làm công nhân ở Sài Gòn rồi bén duyên với một cô gái Trà Vinh, sau đó cả hai nhanh chóng tiến tới hôn nhân.
Cả nhà ngập tràn niềm vui khi biết vợ Khải mang bầu một cháu gái. Chị H. mới bảo Khải đưa vợ về quê sống cho tốt, làm công nhân hóa chất ảnh hưởng đến thai nhi. Hai vợ chồng Khải nghe lời mẹ nên cũng từ bỏ công việc rồi về quê.
Nhưng ai ngờ, mới về được vài ba ngày, bạn rủ nhậu, Khải lao vào cuộc nhậu rồi cũng vì rượu mà gây nên họa lớn.
Chị H. nghẹn ngào: “Từ ngày vợ nó sinh đến giờ nó mới được thấy con gái nó. Vợ thằng Khải tội lắm, chồng bị bắt rồi nên nó đẻ xong phải gửi con cho tôi và chị hai của thằng Khải nuôi để nó đi hái cà phê kiếm tiền nuôi con. Bình thường nó cũng hiền lành, không biết sao lại ra nông nỗi vậy. Chỉ mong nó ráng cải tạo tốt sớm về với gia đình, cả nhà ai cũng thương nó.”
Còn chị hai của Khải cũng nói lớn: “Em ráng cải tạo cho tốt, về sớm còn lo làm trả nợ cho chị, chị hứa là nuôi con em trưởng thành”, vừa nói chị vừa khóc, có lẽ đó chính là lời chị động viên em trai mình nhưng có chút hờn trách.
Vì những lỗi lầm mà các bị cáo gây ra là quá nặng nên HĐXX đã tuyên phạt Phước tù chung thân, Long 20 năm tù, Khải 19 năm tù, Thiện 18 năm tù.
Mong là sau bản án nghiêm minh này, sau những ngày tháng cải tạo, các bị cáo sẽ biết suy nghĩ chín chắn hơn cho hành động của mình và bớt đi tính hung hăng.