Báo Dân Trí dẫn thông tin từ lãnh đạo Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết khoảng 16h40 ngày 13/9, 2 học sinh bất ngờ bị mộtcon chó xông đến tấn công, gây thương tích.
Sự việc xảy ra ngay gần cổng trường. Một số phụ huynh nhìn thấy liền giải cứu 2 học sinh. Ban giám hiệu nhà trường đã cùng phụ huynh đưa học sinh đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại và theo dõi sức khỏe.
Báo Đắk Nông thông tin, sau khi vụ việc xảy ra, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai đã báo cáo UBND phường, đồng thời đề nghị Công an phường phối hợp bảo vệ nhà trường truy tìm con chó lạ tấn công học sinh.
Tuy nhiên, người dân địa phương cho hay, con chó đã tấn công hai học sinh không phải là vật nuôi của các hộ dân sinh sống gần khu vực cổng trường.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: 1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. 2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm 3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo 4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: - Rửa kĩ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. - Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. - Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. - Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. - Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. |
Phương Uyên(T/h)