(ĐSPL) - Đã từ nhiều năm nay, người dân trên địa bàn xã Cư Eabua (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phải sống chung với mùi hôi thối từ chất thải được tuồn ra từ các trang trại chăn nuôi ở gần đó.
Tình trạng trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân nhưng chính quyền sở tại chưa có biện pháp xử lý...
Sống chung với ô nhiễm
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Trọng Kiên (xã Cư Ebua, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bức xúc nói: “Chỉ tính trên địa bàn thôn 2 và thôn 3 đã có gần chục trang trại chăn nuôi tự phát với quy mô lớn từ vài chục con heo đến vài ngàn con gà. Hàng ngày, chất thải từ những trang trại này được đổ trực tiếp ra bên ngoài khiến mùi hôi thối bao trùm cả khu dân cư. Nhà tôi luôn phải đóng cửa chặt vì không chịu nổi mùi hôi thối này”.
Theo ông Kiên, trước đây hầu hết các trang trại chỉ chăn nuôi với hình thức nhỏ lẻ, mức độ ô nhiễm nhẹ nên ít người có ý kiến. Tuy nhiên những năm gần đây, các hộ chăn nuôi đã phát triển trang trại thành quy mô lớn. Chính vì các hộ chăn nuôi xem nhẹ vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường khiến khu vực này trở thành nơi tàng trữ các mầm bệnh, nơi thu hút các loại ruồi, muỗi và vô số côn trùng gây bệnh. Điều này ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến môi trường sống và sinh hoạt của hàng trăm hộ dân xung quanh.
Trang trại trong khu vực dân cư gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường. |
Trao đổi với PV, anh Trần Văn Nhật (thôn 3, xã Cư Ebua) bức xúc nói: “Các trang trại chăn nuôi thải trực tiếp chất thải ra môi trường mà không qua xử lý. Ngoài mùi hôi thối mà người dân hằng ngày phải gánh chịu, nước thải còn là nơi phát sinh ruồi muỗi và các vi khuẩn gây bệnh. Gia đình tôi có con nhỏ nhưng phải gửi cháu ở nhà người quen vì ở nhà nguy cơ phát sinh bệnh quá cao”.
Để kiểm chứng cho những gì mình nói, anh Nhật dẫn chúng tôi đến rãnh nước gần nhà. Chỉ tay vào dòng nước đen ngòm, bốc mùi nồng nặc, anh Nhật bức xúc chia sẻ: “Đa số các trang trại ở đây đều không làm hệ thống xử lý nước thải. Chất thải được đổ trực tiếp ra môi trường qua các mương, rãnh rồi chảy xuống suối. Chỉ tính xung quanh khu vực nhà tôi đã có đến 7 trang trại nuôi heo, gà, mùi hôi thối bốc ra từ các chất thải của các trang trại này đã “tra tấn” gia đình tôi nhiều năm qua”.
Không chỉ gây ô nhiễm không khí, các trang trại trên còn làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Vì cư dân ở đây chủ yếu vẫn xài nước giếng, nên về lâu dài khó thoát khỏi dịch bệnh. Theo người dân địa phương, các chất thải khi ra ngoài môi trường lâu ngày sẽ đóng váng có cặn màu đen, mùi hôi nồng nặc, ngấm dần xuống đất. Khi trời mưa, thứ chất thải này lan nhanh ra các rãnh nước sạch gần đó, chảy ra suối qua thôn 8 của xã rồi theo dòng nước ra đập 312, trước khi đổ ra sông Srêpốk.
Để ngăn chặn mùi hôi, người dân phải dùng bạt che kín khu vực trước sân hoặc đóng kín cửa, tuy nhiên mọi biện pháp dường như đều vô tác dụng. Quá khó chịu vì mùi hôi thối bốc ra từ các trại chăn nuôi, người dân trong khu vực đã trao đổi và đề nghị các chủ trang trại có biện pháp xử lý gấp tình trạng trên. Tuy nhiên tình hình không những không được cải thiện mà số lượng chất thải ra ngoài môi trường ngày một tăng lên.
Cực chẳng đã, các hộ dân đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Khó xử lý triệt để?
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xa Cư Ebua xác nhận: “Hiện nay trên địa bàn xã có hàng chục trang trại heo, ga hoạt động trong khu vực đông dân cư nhưng chưa trang bị các hệ thống xử ly chất thải. Chính quyền xã cũng đa nhiều lần kiểm tra, vận động chủ trang trại di dời trang trại đến khu vực xa dân cư. Sau khi vận động, một số chủ trang trại đã tự giác di dời còn lại nhiều hô cho rằng việc di dời ra khu vực đất rẫy xa khu dân cư sẽ gây khó khăn cho ho khi chăm sóc, bảo vệ vật nuôi. Các hô cũng đã làm cam kết sẽ di dời dần ra khỏi khu dân cư từ cuối năm nay đến cuối năm 2018”.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác vận động di dời các trang trại chăn nuôi xa khu dân cư đê không gây ảnh hưởng đến người dân như hiện nay. Bên cạnh đó, hộ nào chăn nuôi không đảm bảo môi trường làm ảnh hưởng đến người dân sẽ bị xư phạt vi phạm hành chính theo quy định”, ông Hà khẳng định.
KIM TUYẾN
Xem thêm video:
[mecloud]A2MsZzfMXe[/mecloud]