(ĐSPL)- Câu chuyện về tổ chức tiệc cưới, việc tang làm sao tiết kiệm, lịch sự, văn hoá đã được nhắc đến nhiều lần. Tuy nhiên, đến 7/8 vừa qua, Đắk Lắk đã trở thành địa phương đưa ra chế tài xử lý cụ thể với cán bộ, đảng viên. Theo đó, chế tài mạnh nhất với trường hợp vi phạm là khai trừ Đảng. Với các biện pháp được xem là quyết liệt, cụ thể, liệu Đắk Lắk có hết cảnh đám cưới rình rang và liệu biện pháp mạnh này có nên áp dụng ở các địa phương khác?
Một biện pháp mạnh
Tỉnh uỷ Đắk Lắk vừa ban hành quy định số 09 – QĐ/TU về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc với cán bộ, đảng viên.
Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến quy định không tổ chức, mời khách dự tiệc cưới nhiều lần, nhiều nơi; khi tổ chức đám cưới cho con, cho bản thân hay người thân, số lượng người tham dự không quá 350 người; nếu nhà trai và nhà gái tổ chức chung thì số lượng người dự không quá 600 người. Về xử lý vi phạm, quy định này nêu rõ các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ Đảng theo mức vi phạm tăng dần lượng người dự đám cưới vượt quy định; trong đó khai trừ đối với trường hợp vượt quy định trên 220 người (trường hợp nhà trai, nhà gái tổ chức tiệc riêng); trên 350 người (trường hợp hai nhà làm tiệc chung)...
Cũng theo quy định này, nếu cán bộ vi phạm tuỳ mức độ vi phạm sẽ bị xử lý ở các mức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ Đảng. Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ không tổ chức tiệc cưới trong khuôn viên cơ quan, công sở, trong sân trường học...
Tiệc cưới tổ chức ngay trong trụ sở làm việc xảy ra tại một số địa phương. Ảnh: Internet. |
Hẳn dư luận còn nhớ, vấn đề giới hạn số lượng khách mời tham dự đám cưới cũng đã được Hà Nội cụ thể hoá bằng Chỉ thị của Thành uỷ Hà Nội vào tháng 10/2012 về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố. Theo đó, số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người). Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, dư luận chưa từng được nghe bất cứ một thông tin nào về việc kiểm tra, thực hiện, giám sát quy định trên của Hà Nội.
Có làm nảy sinh bộ phận cán bộ chuyên “đi đếm người”?
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia cho rằng: “Những quy định điều chỉnh hoạt động của công chức, Đảng viên hay bất kỳ loại văn bản nào về luật được đưa ra thì cũng phải căn cứ theo môi trường chung của pháp luật chứ không thể mỗi địa phương lại đưa ra một quy định riêng. Thực tế, bài học quy định về đám cưới không quá 300 khách mời của Hà Nội đã là một minh chứng. Việc quy định này đồng thời cũng sẽ yêu cầu nảy sinh một bộ phận cán bộ chuyên “Đi đếm người”, không đúng với chức năng, nhiệm vụ mà đơn vị tuyển dụng họ, vô tình sẽ làm cho bộ máy trở nên cồng kềnh, kém hiệu quả hơn”.
Bên cạnh lo ngại việc dùng người không đúng việc, dư luận cũng lo ngại về tính khả thi, hiệu quả của quy định. “Đơn vị ban hành văn bản phải tính đến việc nếu quy định đưa ra không khả thi sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới văn hóa quản lý. Nếu như đám cưới tổ chức trong hai ngày, nhưng người ta bảo hôm trước chỉ là gặp mặt gia đình thì sao? Người Việt mình có khả năng lách luật rất siêu nên cần tránh những trò lách luật”, ông Khiển cho biết.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Những quy định như vậy là rất cần thiết
Tôi hoan nghênh quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, lễ tang và lễ hội mà Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành mới đây, trong đó có điều khoản sẽ khai trừ Đảng với trường hợp tổ chức đám cưới quá lớn. Những quy định như vậy là rất cần thiết bởi vì Đảng và Chính phủ đã có nhiều văn bản quy định nhắc nhở cán bộ, đảng viên đối với nếp sống văn minh trong việc tổ chức tiệc cưới, lễ tang. Nhưng ở nơi này, nơi khác còn chưa được chấp hành một cách thật nghiêm túc. Lần này, Tỉnh ủy Đắk Lắk nhắc lại lần nữa, nêu chi tiết, cụ thể để dễ thực hiện, dễ giám sát và có chế tài cụ thể xử lý vi phạm là rất đáng hoan nghênh.
Đám cưới 1.000 khách dự
Nhiều người dân Hà Giang vẫn còn nhớ câu chuyện về đám cưới 1.000 khách của con giám đốc Điện lực Hà Giang được tổ chức linh đình ngay trong chính trụ sở điện lực TP.Hà Giang vào năm 2014. Đám cưới được coi là “to nhất tỉnh” này diễn ra vào ngày làm việc, trong sân cầu lông nhưng những người làm việc ở đây dù vào phòng hay ra về đều phải đi qua các bàn tiệc cưới, thực khách cũng có thể nhìn thẳng vào bàn làm việc bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, khi báo chí lên tiếng, vị giám đốc sở thản nhiên cho rằng việc mượn trụ sở để tổ chức đám cưới là việc “rất bình thường” bởi đã có vài đám cưới được tổ chức trước đó?!
Trụ sở cơ quan biến thành hội trường tổ chức đám cưới
Một vụ việc khác cũng khiến người dân không khỏi xôn xao vào cuối tháng 10/2014, tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Thạnh- Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện đã tổ chức tiệc cưới cho con gái ngay tại trụ sở cơ quan nơi mình công tác. Đám cưới cũng được tổ chức ngay trong ngày làm việc bình thường chứ không phải ngày nghỉ lễ. Nhà bà Thạnh cũng chỉ cách Viện Kiểm sát Nhân dân huyện không đến 100m nhưng vẫn đóng cửa tại nhà để chuyển đến ăn uống tại cơ quan. Điều này khiến người dân địa phương hết sức bất bình.
Tại khoản 7.4 của Quy định số 09 - QĐ/TU do Tỉnh uỷ Đắk Lắk ban hành ngày 5/8/2015 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; không uống rượu bia trước, trong giờ làm việc đối với cán bộ, đảng viên có nội dung: “Vi phạm một trong các trường hợp sau thì xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
- Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo khoản 7.3 điều này mà tái phạm.
- Tổ chức tiệc cưới cho con, bản thân hoặc người thân mà có số lượng khách mời dự tiệc vượt quá quy định tại khoản 2.4 Điều 2 của quy định này trên 220 người (trường hợp nhà trai, nhà gái tổ chức riêng); trên 350 người (trường hợp nhà trai, nhà gái tổ chức chung).
- Bản thân cán bộ, Đảng viên không ý thức được các hành vi sai phạm, coi thường kỷ luật Đảng…”.
TS.Phạm Tất Thắng, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long:
Hết đất sống cho chiêu trò lũng đoạn, tham nhũng
Theo ông Thắng, việc quy định về khách mời, quy mô tổ chức các đám hiếu, hỉ đối với cán bộ viên chức, đảng viên trên địa bàn hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Tỉnh ủy Đắk Lắk. Bởi lẽ, tổ chức nào cũng có quyền đưa ra những quy định riêng buộc thành viên trong đó phải tuân theo. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương hiện nay của Đảng và Nhà nước nhằm chống lãng phí, xa hoa.
“Nếu chỉ nhìn vào trường hợp của Hà Nội để vội kết luận là quy định này không có tính khả thi thì không có cơ sở nhưng cũng khó khiến người ta tin được. Từ lúc Hà Nội ban hành quy định đến nay cũng đã được một thời gian dài nhưng chưa thấy có báo cáo nào nhắc tới việc kiểm tra, thực hiện, xử lý bất kỳ trường hợp nào. Tôi hy vọng và chờ đợi vào kết quả khả quan ở Đắk Lắk bởi lẽ đây là một quy định tốt. Cũng không nhất thiết phải có một bộ phận chuyên đi “đếm người”, bởi lẽ người ta hoàn toàn có thể đem hợp đồng với đơn vị tổ chức ra để đối chiếu. Nếu Đắk Lắk thực hiện được điều này thì rất nên khuyến khích các địa phương khác cùng thực hiện”, ĐBQH Phạm Tất Thắng cho biết.
Cũng theo ông Thắng, mặc dù còn có ý kiến phân vân về “đất lề quê thói”, nhưng nếu xét trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung thì đưa ra con số 350 người, chắc chắn người ta cũng đã có sự suy tính rõ. Hơn nữa, đã là Đảng viên thì phải gương mẫu, thực hiện trước, làm trước và tích cực làm thay đổi những phong tục tập quán không còn phù hợp, gây lãng phí, mất thời gian, thậm chí còn là chiêu trò để lũng đoạn, tham nhũng...
HUÊ - THƠM
Xem thêm video:
[mecloud]zhF7F74dNo[/mecloud]