UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý cho giữ lại công trình thủy điện do một hộ dân đã tự xây dựng trên suối và giao cho Sở Công Thương hướng dẫn các thủ tục để đưa công trình này vào quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh.
Chiều ngày 29/1, ông Trương Công Hồng – Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh đã đồng ý cho giữ lại công trình thủy điện do hộ ông Lê Văn Thành (ngụ xã Đắk Phơi, huyện Lắk) tự xây dựng trên suối Đắk Hiêu và giao cho Sở Công Thương hướng dẫn các thủ tục để đưa công trình này vào quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Đắk Lắk.
Cũng theo ông Hồng, khu vực nơi ông Thành đã tự làm công trình thủy điện là vùng sâu vùng xa và chưa được kéo điện.
Công trình thủy điện của hộ dân tự làm trên suối Đắk Hiêu. Ảnh: Dân trí |
“Ông Thành đã tự bỏ ra 200 triệu đồng làm thủy điện để vừa cho gia đình ông và những hộ dân sống xung quanh sử dụng. Các Sở, ban, ngành khi vào kiểm tra thực tế đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh cho công trình được hoạt động để phục vụ cho người dân có điện để sinh hoạt, bơm tưới nhằm nâng cao trình độ dân trí, tăng năng suất cây trồng”, ông Hồng cho hay.
Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm, trong thời gian hoàn tất thủ tục để đưa công trình thủy điện vào dự án, ông Thành phải dừng mọi hoạt động của công trình này, không được tự ý xây dựng thêm các hạng mục khác và chỉ được phép hoạt động trở lại khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 12/2016, ông Thành đã chặn suối Đắk Hiêu xây dựng thủy điện tại khoảnh 7, tiểu khu 1391, thuộc đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk (huyện Lắk, Đắk Lắk) quản lý.
Tháng 8/2017, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, gồm thân đập bêtông rộng 0,4m, dài 20m, cao 1 - 1,5m có hệ thống van xả bằng thép; mương dẫn nước bằng đá hộc rộng 80cm, dài 8m; mô-tơ phát điện 120kW cùng hệ thống dây dẫn điện đến các hộ dân và rẫy cà phê lân cận…
Tổng kinh phí xây dựng công trình khoảng 200 triệu đồng do ông Thành tự đầu tư. Đây là công trình thủy điện chưa có trong quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh.
Mục đích đầu tư để phục vụ cho gia đình và khoảng 20 hộ dân có nguồn điện sinh hoạt và bơm tưới cho cây cà phê, tiêu… Tổng số hộ dân sống xung quanh công trình khoảng 57 hộ, chủ yếu đồng bào Mông, Tày, Êđê chưa có điện sinh hoạt và sản xuất.
Nhân Văn (T/h)