(ĐSPL) - Chỉ khi nào đi sâu vào tìm hiểu từng trận đánh, từng chiến dịch, hiểu được ý chí, trí tuệ của những con người "rũ bùn đứng dậy", ta mới có thể lý giải được sự thật hào hùng kể trên. Trong bài báo này, chúng tôi xin trích đăng một góc nhỏ về tài trí của những con người Việt Nam trong việc chống gián điệp biệt kích.
Kỳ 1: Vị Đại tá tình báo và mạng lưới phản gián kỹ thuật độc đáo
Cách đây hơn 50 năm, quân Mỹ-Ngụy đã đầu tư một lượng tiền của, nhân lực, trang thiết bị khổng lồ mang tên "Cuộc chiến bí mật, hành động bí mật" với những gián điệp biệt kích sành sỏi được huấn luyện bài bản ra miền Bắc Việt Nam. Chúng tham vọng sẽ "cài cắm" lực lượng này để xây dựng, mở rộng tổ chức nhằm chống phá miền Bắc. Thế nhưng, trong suốt thời gian từ năm 1961 đến năm 1973 (của thế kỷ XX), ta đã bắt từng tên gián điệp, vậy mà địch không mảy may hay biết. Để rồi sau này, chính chỉ huy của chiến dịch này cũng phải thừa nhận, chúng đã thua và bái phục trước cách thức chống gián điệp của ta.
Cuộc chiến trên mặt trận thông tin
Nhớ lại những ngày tháng gian khổ nhưng hào hùng, đôi mắt người chiến sỹ Cụ Hồ, Đại tá Hồ Thanh Can (trước khi nghỉ hưu từng công tác tại cục Viễn thông tin học, bộ Công an) ánh lên niềm tự hào khó tả. Năm nay đã 85 tuổi, nhưng đại tá vẫn khỏe và trí nhớ vẫn vô cùng minh mẫn. Có lẽ, chính những năm tháng chiến tranh gian khổ, di chuyển cấp tốc trong rừng mấy chục km liền và rèn luyện trí nhớ trong việc làm phản gián kỹ thuật cục trinh sát đã giúp ông có được sức khỏe như vậy.
Từ khi tham gia kháng chiến, ông đã làm công tác liên lạc và đặc biệt, năm 1957, ông được chuyên gia Liên Xô (cũ) huấn luyện về công tác thông tin, liên lạc. Từ đó, đại tá đã bố trí, biên soạn mạng đài quy ước là tuyệt đối đảm bảo thông suốt, bí mật cho chiến dịch phản gián. ông là người phụ trách chính công tác phản gián kỹ thuật, là người có đóng góp quan trọng vào sự thành công của hàng loạt chiến dịch phản gián.
Tháng 5/1961, Đại tá Hồ Thanh Can được cấp trên điều về phụ trách đơn vị thông tin đấu tranh chống gián điệp biệt kích. Nói về công tác chống gián điệp biệt kích, ông Can cho hay: "Chúng ta đã sớm đoán được ý định của giặc nên đã chủ động đón chờ những "vị khách" này. Ngay từ tháng 2/1961 Ngụy quyền Sài Gòn đã thả một tên điệp viên đơn tuyến tên là Phạm Chuyên đi bằng đường biển vào Quảng Ninh. Ngay lập tức, lãnh đạo bộ Công an đã chỉ huy phải lắp ráp thiết bị vô tuyến điện để theo dõi tình hình thông tin của địch".
Đại tá Can cùng một số đồng chí khác được giao nhiệm vụ làm phản gián kỹ thuật. Một mặt, ông thiết lập mạng đài, thiết lập và bố trí làn sóng điện để liên lạc với miền Nam mà không bị địch phát hiện cũng như lấy được thông tin của địch. Đặc biệt, ông cùng các đồng chí khác tìm mọi cách để bắt được sóng điện đài của địch, biết được thông tin chúng trao đổi với nhau. Từ đó, ông báo cáo lên cấp trên những thông tin vô cùng hệ trọng để lãnh đạo chỉ đạo. Cũng nhờ những thông tin mà ta biết được địch sắp đánh tới điểm nào để nhanh chóng di dời người và trang thiết bị đã tránh tổn hao sinh lực và chuẩn bị lực lượng chiến đấu.
Nhờ những thông tin mà ông cùng các đồng chí có được qua sóng điện đài địch liên lạc với nhau, mà ta luôn chủ động. Ta biết được tọa độ chúng nhảy dù, biết những ký hiệu của chúng để có phương pháp đối phó. Chọn người làm công tác phản gián kỹ thuật, không chỉ có sức khỏe mà còn cần một người tuyệt đối trung thành với cách mạng. Nếu họ là Việt gian thì vô cùng nguy hiểm. Một dòng tin báo sai là có thể làm thiệt mạng hàng trăm, nghìn người.
"Đội quân bí mật" và cái giá phải trả
Khi hệ thống vừa lắp đặt xong, thì 22h5 ngày 27/5/1961, toán gián điệp biệt kích đầu tiên tên là Castor đã bí mật nhảy dù xuống điểm cao 828 thuộc bản Kỳ, xã Phiếng Ban, châu Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ (nay là Sơn La). Khi toán này vừa nhảy dù xuống, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã nói với đồng chí Nguyễn Tài để thông báo cho anh em biết, đây là toán gián điệp biệt kích chứ không phải gián điệp thông thường. Nhiệm vụ của chúng là gây cơ sở hoạt động lâu dài để phá hoại miền Bắc, chứ không phải là biệt kích thông thường. Vì thế, chúng ta phải bắt bằng được chúng để khai thác và bắt chúng phải hợp tác với ta để đánh lại chỉ huy của chúng ở Sài Gòn.
Toán Castor vừa nhảy dù xuống đã bị nhân dân phát hiện. Họ lập tức thổi kèn, đánh trống khua chiêng để loan báo. Trước đó, cán bộ của chúng ta đã làm công tác tuyên truyền cho bà con biết rằng, giặc sẽ "đổ quân" vào vùng này để bà con cảnh giác. Vì thế, khi giặc vừa đặt chân xuống, nhân dân báo ngay cho chính quyền. Chỉ sau ba ngày, nhóm gián điệp biệt kích này đã bị bắt. Và, sau chín ngày thì chúng ta khai thác được thông tin.
Công an Sơn La bắt gián điệp biệt kích ngay khi chúng vừa tiếp đất. |
Sau khi bắt được nhóm Castor, chúng ta áp dụng biện pháp bí mật bằng cách báo cho chỉ huy của chúng ở Sài Gòn rằng, Castor đã xuống mặt đất an toàn, chờ chỉ thị. Đồng thời không để chỉ huy của chúng biết toán biệt kích đã bị bắt. Ngay chiều hôm đó, Sài Gòn điện ra bức điện một chiều với nội dung, Castor chuẩn bị nhận quân và lương thực. Kèm theo đó là ngày, tháng và tọa độ nhận tiếp viện. Do bắt được sóng và hiểu được nội dung chỉ đạo của địch nên chúng ta đã chuẩn bị sẵn quân để "đón" những "đoàn khách không mời mà tới". Đến những lần tiếp theo, ta vẫn bắt được sóng điện đài liên lạc chỉ đạo của chúng. Thậm chí, ta còn bắt sóng và có được thông tin trước những tên trong nhóm Castor.
"Toán thứ hai, khi quân ta bắt được, trói chúng lại, chúng vẫn tưởng là cùng một đội, cáu lên và nói: "Đùa gì mà đùa dai dữ vậy!". Đến lúc hỏi cung, chúng mới biết là bị bắt. "Làm cái nghề này thú lắm", Đại tá Hồ Thanh Can vừa nói vừa cười lớn. "Riêng lần ở Chấn Yên, Yên Bái, hai lực lượng công an và bộ đội không ăn khớp với nhau. Bộ đội đưa pháo phòng không lên núi để bắn máy bay, nhưng bắn không trúng. Lần đó, máy bay không thả người. Lần sau, máy bay nghi ngờ nên lượn đến mấy vòng mà không thả quân. Chúng tôi đội mũ cối núp ở dưới mà bay cả mũ. Trong khi đó, tôi vẫn nghe trong ống nghe và thấy Sài Gòn báo điện là vẫn gửi quân ra nên kiên trì đợi. Máy bay lượn đến vòng thứ năm rồi bay lên cao và bất ngờ thả dù. Vì ở cao nên khi thả xuống, dù của gián điệp biệt kích bay tứ tung. Lần ấy, phải huy động tới 15 ngày thì mới tìm được hết dù", Đại tá Can chia sẻ.
Địch thả dù xong, bao giờ cũng điện hỏi có an toàn không? Ta dùng nhiều lý do để báo lại với chúng. Ví như, người thì mắc trên cây, chết đói; có người bị rơi xuống đất gẫy chân bị rắn cắn chết; người bị thương phải đi hái lá cây chữa bệnh. Ví dụ, quân ta đã bắt được 10 người nhưng lần nào cũng chỉ nói là bốn người còn sống, số còn lại đã chết. Thấy vậy, địch lại tiếp tục tìm cách tiếp viện, thả tiếp gián điệp biệt kích.
Trong những năm 1962-1964, chúng ta đã "câu nhử" được nhiều điện đài, vũ khí của địch để chi viện cho miền Nam. Máy điện đài của chúng rất hiện đại, không hỏng khi gặp nước, nhỏ, cầm ở trong tay được, trong khi máy của ta (do Liên Xô giúp đỡ) thì to, ba bốn người mới mang được và xuống nước là bị hỏng.
"Nhờ sự chiến đấu mưu trí, đồng lòng, đồng sức của quân và dân ta, chúng ta đã tóm gọn toàn bộ toán gián điệp biệt kích trong hơn chục năm liền. Điều phấn khởi là, ta thật sự an tâm, vì miền Bắc không còn một toán gián điệp nào nữa. Ta tập trung toàn bộ sức lực cho miền Nam giành thống nhất nước nhà. Đó là những ngày tháng vô cùng gian khổ nhưng vô cùng thú vị. Về sau này, Sedgwick Tourison, một sỹ quan CIA - Mỹ, cao cấp đã dành 10 năm để viết cuốn Đội quân bí mật, cũng phải công nhận rằng, đã thua cộng sản trên lĩnh vực này", Đại tá Can nói rất tự hào.
Cuộc đấu trí về những ám hiệu Địch có rất nhiều chiêu trò và máy bay của địch luôn cảnh giác. Khi chúng đi chi viện và tiếp tế quân, lương thực, máy bay của chúng không bao giờ bật đèn. Chúng bay mò. Nhóm địch ở dưới đất sẽ đốt lửa hiệu, thành một hình nào đó như hình chữ V, L... để máy bay địch biết ám hiệu, vị trí thả quân. Để tránh bị lộ, nhiều lần địch yêu cầu di chuyển tọa độ. Trong vòng một tháng, chúng yêu cầu di chuyển cả trăm km đường rừng, vất vả vô cùng. Thế nhưng, những người trong đội kỹ thuật như ông Hồ Thanh Can đã bắt được sóng điện đài cũng như khai thác thông tin từ những tên bị bắt nên biết trước được tọa độ, thời gian cũng như những ám hiệu của địch. Vì thế, đúng ngày, giờ, địa điểm, ta làm theo những ám hiệu mà chúng đã chỉ đạo. Địch không nghi ngờ, tiếp tục thả quân và trang thiết bị. |
(Còn nữa)