+Aa-
    Zalo

    Đại sứ Mỹ và công việc tại Nga giữa lúc căng thẳng leo thang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chiến dịch quân sự tại Ukraine đã khiến những công việc vốn đã khó khăn của Đại sứ John Sullivan tại Nga trở nên vất vả hơn nhiều.

    Trong thời điểm căng thẳng tiếp tục leo thang kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan hiện đang phải vật lộn với "thanh kiếm hạt nhân" của Điện Kremlin và những lời đe dọa cắt đứt quan hệ trong khi vẫn duy trì hoạt động của đại sứ quán chỉ với 1/10 số nhân viên so với bình thường.

    Chia sẻ với Reuters, ông Sullivan cho biết: "Mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn so với thời điểm cách đây 2 năm rưỡi. Và tình hình vẫn đang tồi tệ hơn".

    Từ khi Nga yêu cầu cắt giảm số lượng nhân viên làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow, có nhiều tin đồn ở Washington nói rằng Đại sứ John Sullivan đã phải tự mình dọn dẹp nhà vệ sinh và lau sàn. Tuy nhiên, trên thực tế, ông vẫn chưa phải tự mình làm những việc này dù ông khẳng định ông có thể làm cả 2.

    Chia sẻ về cuộc sống của một người Mỹ tại Nga sau 5 tuần chiến sự ở Ukraine, ông Sullivan cho biết đến thời điểm hiện tại, các cuộc gặp của ông với những người đồng cấp Nga "không hề mang tính xúc phạm hay thù địch cá nhân", cũng như không có phản ứng dữ dội nào đối với đại sứ quán.

    Đại sứ Mỹ nói: "Tình hình an ninh không quá khác so với cách đây 1 tháng. Nhưng điều đó có thể thay đổi chỉ trong một vài phút theo từng quyết định của chính phủ Nga". 

    Trong khi đó, ông John Herbst, cựu đặc phái viên của Mỹ thuộc Hội đồng Đại Tây Dương tại Ukraine, nhận định Đại sứ Sullivan đang đối mặt với những tình huống mà chưa đại sứ Mỹ tại Nga nào phải đối mặt trước đây. Ông chia sẻ: "Chúng ta thực sự đang ở trong một thời kỳ quan hệ rất tệ với Moscow".

    Mối quan hệ Mỹ-Nga vốn đã ở mức "lạnh nhạt" nhất kể từ thời hậu Chiến tranh Lạnh sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ định ông Sullivan đảm nhận một trong những công việc khó khăn nhất trong ngành ngoại giao Mỹ, một công việc trước đây thường do những người nổi tiếng như cựu Tổng thống John Quincy Adams và nhà ngoại giao kỳ cựu George Kennan nắm giữ.

    screen shot 2022 04 01 at 205721
    Đại sứ Mỹ John Sullivan vẫn tiếp tục công việc tại Nga trong thời điểm căng thẳng leo thang. Ảnh: Reuters 

    Trong những năm gần đây, Mỹ và Nga đã có những quyết định gây ảnh hưởng tới quan hệ 2 bên khi liên tục cắt giảm số lượng nhà ngoại giao lẫn nhau tại nước mình trong "cuộc chiến thị thực". Năm 2018, Moscow ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St.Petersburg. Sau đó, khi ông John Sullivan đến Moscow, các cơ quan ngoại giao khác của Mỹ ở Vladivostok và Yekaterinburg cũng tiếp tục phải đóng cửa. Điều này đã khiến Đại sứ quán tại Moscow là cơ quan duy nhất của Mỹ còn hoạt động ở Nga. 

    Tuy nhiên, nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow cũng đã giảm từ khoảng 1.200 người (hồi năm 2017) xuống chỉ còn khoảng 130 người. Một nửa trong số những người còn ở lại Đại sứ quán Mỹ tại Moscow là lực lượng Thủy quân lục chiến và các nhân viên an ninh khác.

    Khi quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục xấu đi, người kế nhiệm ông Donald Trump, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã quyết định để giữ ông John Sullivan lại vị trí Đại sứ Mỹ ở Nga. Tháng 4/2021, 3 tháng sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, Đại sứ Sullivan đã được triệu hồi về Mỹ để tham vấn sau khi Nga có hành động tương tự với Đại sứ Anatoly Antonov ở Washington. 

    Thực hiện sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, vào tháng 5/2021, Moscow đã yêu cầu đại sứ quán sa thải nhiều nhân viên Nga thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.

    Hy vọng "hạ nhiệt" căng thẳng xuất hiện vào tháng 6 cùng năm khi Đại sứ Sullivan và Đại sứ Antonov trở lại làm nhiệm vụ như trước đây. Cũng trong tháng này, Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đã tổ chức cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại Geneva (Thuỵ Sĩ).

    screen shot 2022 04 01 at 205905
    Đại sứ quán Mỹ tại Moscow. Ảnh: Reuters 

    Nhưng các mối quan hệ lại tiếp tục xấu đi khi Nga tăng cường binh lính ở biên giới Ukraine, và đưa ra những yêu cầu đảm bảo an ninh sâu rộng. Tuy nhiên, những yêu cầu này đã bị Washington và các đồng minh NATO từ chối, dẫn tới một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. 

    Theo đó, nói về quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Nga, Đại sứ Sullivan đã ví với rãnh Mariana, vực thẳm đại dương sâu nhất thế giới. Ông nói: "Tiến triển các mối quan hệ ngoại giao của chúng tôi đang ở trong rãnh Mariana".

    Kể từ khi xung đột xảy ra ở Ukraine, những thách thức mà đại sứ Mỹ phải đối mặt cũng tăng lên. 

    Vài ngày sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu, Tổng thống Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân Nga vào tình trạng cảnh giác cao độ, viện dẫn nguyên nhân bởi các tuyên bố gây hấn của các nhà lãnh đạo NATO và các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Moscow.

    Đại sứ Sullivan cho biết ông coi trọng lời đe dọa "đến từ nhân vật cấp cao nhất của chính phủ Nga" nhằm cắt đứt quan hệ ngoại giao, đồng thời khẳng định rằng "Nga vốn không phải những người khoa trương". Ông chia sẻ: "Mỹ không muốn đóng cửa đại sứ quán ở đây. Tổng thống Biden không muốn thu hồi tư cách đại sứ của tôi. Nhưng đó không phải là điều mà chúng tôi nhất thiết phải kiểm soát". 

    Vào tháng 2 vừa qua, Nga đã trục xuất cấp phó của Đại sứ Sullivan và yêu cầu 37 nhân viên khác ở đại sứ quán phải rời đi vào tháng 7. Đại sứ quán Mỹ tại Moscow đã không còn kỹ thuật viên thang máy, có nghĩa là các nhà ngoại giao có thể sẽ phải leo thang bộ trong thời gian tới và việc duy trì hoạt động hệ thống phun nước trở thành vấn đề an toàn nghiêm trọng nếu hai thợ điện cuối cùng phải rời đi. 

    Việc gia tăng các cuộc gọi qua đêm với Washington khi căng thẳng gia tăng về tình hình quân đội Nga cũng đã khiến ông Sullivan phải chuyển ra khỏi Spaso House, dinh thự sang trọng của các đại sứ, vào tháng 2. Theo đó, ông đã chuyển đến dinh thự Townhouse One nhỏ hơn, nơi cấp phó của ông sống trước khi bị trục xuất. 

    Nếu quan hệ ngoại giao bị cắt đứt, buộc đại sứ quán phải đóng cửa, ông Sullivan cho biết điều ông lo ngại là không thể theo đuổi một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của mình: Vận động cho những người Mỹ bị giam giữ.

    Ông chia sẻ: "Tôi đã nói với các đồng nghiệp của mình ở nhà, họ sẽ phải dùng xà beng để lôi tôi ra khỏi đây bởi vì tôi sẽ không rời đi, bạn biết đấy, cho đến khi họ đuổi tôi ra ngoài hoặc tổng thống yêu cầu tôi về".

    Đại sứ Sullivan tâm sự, ông muốn tiếp tục "ở lại Nga và ít nhất là để vận động cho những người Mỹ có thể sẽ bị bỏ lại phía sau song sắt".

    Minh Hạnh (Theo Reuters)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-su-my-noi-ve-cong-viec-tai-nga-giua-luc-cang-thang-leo-thang-a532937.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan