Trong không khí khẩn trương chuẩn bị cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục, PV Trung tâm truyền thông đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Đinh Văn Tiến - Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá chất lượng giáo dục Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về tình hình triển khai việc thực hiện tự đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
GS.TS. Đinh Văn Tiến |
Thưa GS.TS. Đinh Văn Tiến, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong hơn 100 trường đại học đăng ký tham gia việc kiểm định chất lượng giáo dục. Công việc đó đang được nhà trường thực hiện như thế nào? Và điều này có ý nghĩa ra sao trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường?
Việc đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải những năm gần đây chúng tôi mới thực hiện mà ngay từ khi mới thành lập trường, Ban Giám hiệu đã lập ra một bộ phận gọi là Phòng kiểm định chất lượng giáo dục. Trước đây, phòng do GS.TSKH. Phan Văn Tiệm - Hiệu phó kiêm Trưởng phòng cùng 02 Giáo sư rất nổi tiếng phụ trách và quản lý. Hàng năm, Phòng kiểm định chất lượng giáo dục của trường đã thực hiện việc tự đánh giá chất lượng đều đặn.
Từ năm 2016 đến nay, để nâng cao hiệu quả trong hoạt động này, trường đã thành lập Hội đồng Tự đánh giá chất lượng đào tạo do GS. Hiệu trưởng phụ trách. Tham gia vào Hội đồng có lãnh đạo Phòng Khoa học, Phòng Kiểm định đánh giá chất lượng, Phòng Giáo vụ, Phòng Tổ chức cán bộ, Văn phòng trường, Trung tâm truyền thông. Để chuẩn bị cho việc này, trường đã đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực chuyên môn giỏi để thực hiện với mục đích đạt hiệu quả cao trong kiểm định chất lượng. Ban đầu, nhà trường dự định sẽ kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn cũ (10 tiêu chuẩn và 60 tiêu chí) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, nhưng đến tháng 4/2016, GS.
Hiệu trưởng nhận thấy rằng, tương lai việc kiểm định chất lượng sẽ cao hơn, thực hiện theo hướng dẫn mới và sẽ có các chuyên gia đến trường để đánh giá chất lượng. Do đó, GS. Hiệu trưởng đã chỉ đạo tiến hành hoạt động kiểm định chất lượng theo 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí mà theo tôi được biết, hiện nay, tất cả các trường trong cả nước thì chỉ có trường ta là đang thực hiện theo Bộ tiêu chuẩn mới này của Bộ. Điều này đòi hỏi tất cả các cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên trong toàn trường phải tập trung trong việc này.
Việc đăng ký tham gia việc kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tác động vô cùng quan trọng không phải đối với bên ngoài mà bên trong trường. Mỗi Khoa, phòng ban, đơn vị chức năng, thậm chí là cá nhân mỗi người cũng phải tham gia, cũng phải tự nhìn nhận xem kết quả công việc, chất lượng giáo dục từ khâu quản lý, tổ chức đào tạo, thi cử cho đến tự đánh giá chất lượng đã thực sự tốt chưa, hiệu quả chưa. Có thể nói rằng, việc tự đánh giá chất lượng đang tác động toàn diện đến toàn bộ hoạt động đào tạo của nhà trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định 25 tiêu chuẩn mới với 111 tiêu chí trong việc kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục, một số trường gặp khó khăn trong việc thu thập minh chứng và viết báo cáo. Trường ta có gặp trở ngại nào khi thực hiện theo bộ tiêu chuẩn mới này không, thưa Giáo sư?
Thực hiện theo bộ tiêu chuẩn mới thì nhà trường cũng gặp những khó khăn nhất định. Thứ nhất, bản thân những tiêu chí, từ ngữ nội dung trong 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí có một số nội dung trùng lặp, gây khó khăn cho người đọc. Chúng tôi đã phải thảo luận từng từ, từng chữ. Và trường cũng đang trông chờ sự giúp đỡ, hướng dẫn là của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này.
Thứ hai, nhà trường đang thiếu tính lưu giữ, chuẩn hóa về minh chứng để phục vụ cho hoạt động tự đánh giá này. Tôi nói ví dụ, nhà trường cứ 2 năm sẽ rà soát lại chương trình đào tạo nhưng tất cả các biên bản họp về việc này phải tìm lại ở những văn bản cũ mặc dù đây là một trong những hoạt động thường niên của trường. Hay như hoạt động kết nối cựu sinh viên cũng vậy, trường cũng thường tổ chức họp cựu sinh viên nhưng lại không nghĩ rằng những buổi gặp gỡ này phải ghi biên bản để phục vụ cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục sau này... Vì vậy, các thành viên của Hội đồng đang phải tích cực thu thập thêm minh chứng và hoàn thiện các báo cáo ở tất cả các tiêu chí.
Trước đây, đã có một số tờ báo đưa tin rằng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong 2 trường không hợp tác trong việc đón tiếp Đoàn kiểm định chất lượng giáo dục đến làm việc. Giáo sư có thể nói rõ hơn về điều này?
Đầu năm 2017, đúng là đã có một số tờ báo nói rằng, trường không hợp tác với Đoàn kiểm định chất lượng giáo dục từ bên ngoài. Tôi khẳng định, đây là một thông tin nhầm lẫn. Sau này, nhiều cơ quan báo chí đã tự thanh minh và cải chính cho nhà trường về việc này, trong đó có cả báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh... Đặc biệt, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng biết chúng ta có tinh thần hợp tác rất cao trong việc này từ rất lâu rồi.
Giáo sư có thể cho biết Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có những điểm nổi trội nào so với các trường đại học ngoài công lập khác trong khu vực Hà Nội không?
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (nhân kỷ niệm 10 thành lập); Huân chương Lao động hạng Nhì (nhân kỷ niệm 15 thành lập) và Huân chương Lao động hạng Nhất (nhân kỷ niệm 20 năm thành lập). Trường là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển trường bền vững, vì mục đích đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, không vì mục đích lợi nhuận. Là cơ sở đào tạo đa ngành (trên 25 ngành); đa cấp (Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ), đa hình thức (Chính quy, Liên thông, Vừa học - vừa làm, Trực tuyến).
Trường xác định sứ mệnh của mình là đào tạocác nhà kinh tế thực hành, các nhà kỹ thuật - công nghệ thực hành; bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡnggiỏi y thuật và giàu y đức tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là sự ghi nhận về chất lượng, quy mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội mà nhà trường đã nỗ lực phấn đấu trong suốt những năm qua.
Một điểm nổi bật nữa của nhà trường, đó là chương trình đào tạo. Trường đào tạo theo hướng thực hành và xã hội cần ngành gì, cần đến đâu thì trường sẽ đào tạo đủ đến đó để đáp ứng. Trường không đào tạo viển vông, xa vời thực tế. Trường luôn tập trung nâng cao chất lượng giáo dục về tin học và ngoại ngữ. Đó là hai điểm tạo nên uy tín và chất lượng của trường ta.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường kiểm định theo tiêu chí quốc tế, ví dụ như theo tiêu chuẩn của tổ chức ACBSP, AUN-QA, HCERES... Quan điểm của Giáo sư trong vấn đề này là gì?
Tôi cũng hoan nghênh việc đó nhưng chúng ta dùng từ kiểm định theo chất lượng quốc tế nghe có vẻ xa xôi quá. Riêng cá nhân tôi cho rằng, sau khi chúng ta thực hiện theo 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định như vậy thì đó đã là một trường đại học rất tốt rồi. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sẽ phấn đấu làm theo các tiêu chí này. Và trường cũng đang thực hiện công việc ở giai đoạn thứ ba, đó là mời các chuyên gia đến thẩm định, xem xét việc tự đánh giá của nhà trường trước khi Đoàn kiểm định chất lượng đào tạo bên ngoài đến chấm điểm và đánh giá.
Nếu được công nhận là trường đại học đạt chuẩn trong đào tạo thì Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sẽ có chiến lược phát triển như thế nào để thu hút được nhiều sinh viên đến học tập hơn nữa?
Nhà trường vẫn sẽ tiếp tục giữ chất lượng đào tạo cao nhất, phấn đấu đáp ứng nhu cầu xã hội trên cả 04 khối đào tạo: Kinh tế - Kinh doanh, Kỹ thuật - Công nghệ, Ngoại ngữ và Bảo vệ sức khỏe.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Đinh Văn Tiến!
Thu Hương thực hiện
(Nguồn: Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội)