+Aa-
    Zalo

    Đại học Đông Đô cấp bằng giả: Hé lộ danh sách 15 cơ sở liên kết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo kết luận điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” vừa được cơ quan An ninh điều tra ban hành, trường đại học Đông Đô đã gửi thông báo tuyển sinh cho 15 cơ sở.

    Theo kết luận điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” vừa được cơ quan An ninh điều tra ban hành, trường đại học Đông Đô đã gửi thông báo tuyển sinh cho 15 cơ sở.

    Đại học Đông Đô.

    55 trường hợp sử dụng bằng giả cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh

    Theo kết luận điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” vừa được cơ quan An ninh điều tra (bộ Công an) ban hành, trường đại học Đông Đô đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2). Đại học Đông Đô đã gửi thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh cho các cơ sở, cá nhân đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo và cá nhân. Sau đó, có 12 cơ sở, cá nhân đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho trường Đông Đô tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng.

    Các cơ sở đào tạo gồm: Công ty CP đầu tư quốc tế Mũi Tên Vàng (địa chỉ tại phố Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội); Công ty CP giáo dục và đào tạo FMT (địa điểm đặt lớp tại phường Mai Dịch, Hà Nội); Viện Kỹ thuật xây dựng và quản trị doanh nghiệp (địa điểm đặt lớp tại quận 1, TP.HCM); trường trung cấp Thái Nguyên (do ông Nguyễn Công Sáng, Phó hiệu trưởng làm đại diện ký hợp đồng); Viện Khoa học phát triển nhân lực và tài năng (địa chỉ đặt lớp tại quận Tân Phú, TP.HCM); trường cao đẳng Công Thương Việt Nam (địa chỉ ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội); trung tâm Ngoại ngữ - tin học ECO (địa chỉ tại phường Trường An, TP.Huế); Ông Nguyễn Hoài Vũ - Giám đốc trung tâm Action English (địa chỉ tại Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM); phòng tuyển sinh đại học Đông Đô; Khoa Thú y đại học Đông Đô...

    Tuy nhiên, qua hồ sơ tài liệu, chứng từ do đại học Đông Đô cung cấp không đầy đủ nên cơ quan chức năng chỉ xác định được 2.523 người đã nộp hơn 18,2 tỷ đồng.

    Theo kết quả điều tra, các cá nhân, cơ sở đào tạo đã ký hợp đồng với đại học Đông Đô không biết trường này chưa được cấp phép đào tạo hệ văn bằng 2 chính quy mà chỉ căn cứ vào các thông báo tuyển sinh để thực hiện tuyển sinh nên CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, CQĐT đã có văn bản yêu cầu đại học Đông Đô và các cơ sở, cá nhân nêu trên có trách nhiệm giải quyết đảm bảo quyền lợi cho các học viên đã nộp tiền để học hệ văn bằng 2 tiếng Anh của trường.

    Kết luận điều tra nêu, trong 12 cá nhân, cơ sở đã tuyển sinh, thu tiền của học viên mới chỉ có trường cao đẳng Công Thương Việt Nam đã trả lại số tiền đã thu của 24 học viên là 431 triệu đồng. Đáng chú ý, mặc dù quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra đã ra thông báo đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh nếu phát hiện các trường hợp sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy, văn bằng 2 do đại học Đông Đô cấp thì thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan An ninh điều tra.

    Đồng thời, cơ quan An ninh điều tra cũng yêu cầu các cá nhân tham gia học hệ văn bằng 2 tiếng Anh tại các cơ sở của trường đại học Đông Đô trình báo, cung cấp tài liệu, song đến nay mới có 119 người trình báo trong số 3.527 người nộp hồ sơ và tiền cho trường này.

    Điều đáng nói, theo kết luận của cơ quan điều tra, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh (văn bằng 2) của trường đại học Đông Đô làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ, trong số này có cả công chức, thanh tra.

    Vẫn theo kết luận điều tra, quá trình điều tra vụ án tại đại học Đông Đô, cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng như điện thoại, máy tính và tiền... của các bị can. Trong đó có 2 thẻ ngân hàng, gần 500 triệu đồng và 55 nghìn USD của đối tượng chủ mưu, hiện đang bỏ trốn là Trần Khắc Hùng (SN 1972), Chủ tịch HĐQT trường này. Ngoài ra, một số bị can trong vụ án đã nộp lại toàn bộ hoặc một phần số tiền chiếm hưởng bất chính vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.

    Xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân nếu có sai phạm liên quan đến đại học Đông Đô

    Liên quan đến vụ trường Đông Đô cấp bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2), cơ quan An ninh điều tra, bộ Công an đã đề nghị truy tố các bị can: Dương Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Đông Đô; Trần Kim Oanh, nguyên Phó hiệu trưởng; Lê Ngọc Hà, Phó hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang, Phó trưởng phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy, cán bộ nhà trường, cùng 5 người khác.

    Theo kết luận điều tra, trường đại học Đông Đô chưa được bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên từ năm 2015, thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và đề án tuyển sinh của đại học Đông Đô lại được đăng trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. Cơ quan An ninh điều tra xác định các cá nhân thuộc vụ Kế hoạch tài chính và vụ Giáo dục đại học (bộ Giáo dục và Đào tạo) thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của đại học Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 trong khi trường chưa được cho phép đào tạo, là vi phạm quyết định của Bộ trưởng về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai.

    Ngày 26/11, bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ chưa nhận được văn bản kết luận chính thức của cơ quan điều tra bộ Công an về vụ án này. Các đơn vị chức năng của bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang chủ động phối hợp, hợp tác chặt chẽ với bộ Công an để làm rõ thông tin và bản chất của vụ việc. Bộ đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau đại học rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học để có căn cứ xử lý.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh thông tin, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền những trường hợp đã sử dụng bằng giả của trường Đại học Đông Đô. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai sót, vi phạm.

    Sáng 27/11, trao đổi với PV ĐS&PL, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng, cần rà soát lại các sai phạm và xử lý nghiêm từng đối tượng, đơn vị có liên quan. Việc nhiều người sử dụng văn bằng 2 được đào tạo chui để hợp lý hóa hồ sơ bảo vệ luận án tiến sĩ là một thực tế cần phải xem xét để điều chỉnh các quy định, làm sao để đánh giá thực chất năng lực của cán bộ và cần thiết phải công khai danh sách những trường hợp mua bán bằng cấp để trả lời dư luận.

    Nhóm PV

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (192)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-hoc-dong-do-cap-bang-gia-he-lo-danh-sach-15-co-so-lien-ket-a347950.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan