Nhà Văn Kim Dung vừa viết tiểu thuyết vừa làm truyền thông. Các tác phẩm của ông thiên về kiếm hiệp và tình yêu, cuộc đời ông giống như “giang hồ đại náo một phen rồi lặng lẽ ra đi".
Nhà văn Kim Dung. Ảnh: News.ifeng.com. |
Kim Dung là nhà văn Trung Quốc nổi tiếng của thế giới, bậc thầy về “võ hiệp” này đã qua đời ở Hồng Kông vào ngày 30/10/2018, hưởng thọ 94 tuổi. Thông tin ông qua đời đã trở thành tin tức nóng trên mặt báo của quốc tế, nhất là báo chí thế giới người Trung Quốc, kể cả ở trong nước hay nước ngoài.
Người người đọc Kim Dung
Từ năm 1955 trở đi, Kim Dung đã viết những tác phẩm về võ hiệp và bắt đầu nổi tiếng. Khi đó, có tác phẩm của ông đã chế nhạo “hai bờ” (Trung Quốc đại lục và Đài Loan), cho nên tiểu thuyết của ông đã trở thành sách cấm.
Từ năm 1986 trở đi, Công ty xuất bản Viễn Lưu ở Đài Bắc xuất bản “Tuyển tập tác phẩm Kim Dung”, tuyển tập này viết: “Từ Đài Bắc đến New York, từ Hồng Kông đến London, từ Tokyo đến Thượng Hải, những nơi mà người Hoa có mặt, họ có thể nói các phương ngôn (tiếng địa phương) khác nhau, có thể ăn các món ăn khác nhau, có thể giữ lập trường chính trị khác nhau, nhưng họ đều đọc tác phẩm Kim Dung”.
Ngay cả cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình cũng yêu thích các tiểu thuyết của Kim Dung. Một cựu lãnh đạo của Tân Hoa xã có văn phòng tại Hồng Kông là Hứa Gia Đồn nhớ lại, ông từng mang đến cho ông Đặng Tiểu Bình một bộ “Kim Dung toàn tập”.
Các tiểu thuyết của Kim Dung cũng đã được xây dựng thành các tác phẩm điện ảnh, truyền hình nổi tiếng, chiếm được lượng lớn khán giả và gây ảnh hưởng lớn về văn hóa.
Vào năm 2009, các cơ quan Trung Quốc như Viện nghiên cứu khoa học xuất bản Trung Quốc đã bình chọn ra 600 cuốn sách có ảnh hưởng nhất trong 60 năm qua, trong đó có “Kim Dung toàn tập”. Ngoài ra, Hồi 41 của tác phẩm “Thiên Long Bát Bộ” còn được đưa vào sách giáo khoa của học sinh trung học Trung Quốc đại lục.
Cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, người từng gặp nhà văn Kim Dung vào năm 1981. Ảnh: News.ifeng.com. |
Vừa là nhà tiểu thuyết vừa là người làm truyền thông
Kim Dung không chỉ là nhà tiểu thuyết, mà còn là người làm truyền thông. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1947, ông đã được nhận vào làm cho tờ Đại công báo (Takungpao) ở Thượng Hải, sau đó ông đến Hồng Kông để phát triển sự nghiệp.
Vào năm 1959 ông sáng lập ra tờ Minh báo. Hơn 20 năm qua, ông đã viết rất nhiều bài xã luận về thời sự chính trị cho tờ báo này. Lúc tuổi già, ông càng trở thành nhà chính luận, nhà hoạt động chính trị, và là phần tử trí thức rất có tính đại diện của Hồng Kông.
“Đại náo một phen rồi lặng lẽ ra đi”
Kim Dung là người “tay trái viết xã luận, tay phải viết tiểu thuyết”. Đặc biệt, ông đã viết được rất nhiều tiểu thuyết, làm cho Kim Dung trở thành “tác giả bán chạy nhất của cộng đồng người Hoa”. Tác phẩm của Kim Dung thậm chí trở thành đối tượng nghiên cứu của “Kim học” (nghiên cứu về Kim Dung). Vào những năm cuối đời, Kim Dung còn đến Anh để lấy bằng Tiến sĩ của Đại học Cambridge.
Nhân vật Triệu Mẫn và Trương Vô Kỵ trong phim "Ỷ Thiên Đồ Long ký", phỏng theo nguyên tác của Kim Dung. Ảnh: People. |
Kim Dung từng nói: “Đời người chính là đại náo một phen, rồi lặng lẽ ra đi”. Ông có một cuộc đời phong phú, dựa vào ngòi bút “giang hồ” để cười đùa mắng giận, thể hiện thái độ, tình cảm chân thành của mình đối với quốc gia. Địa vị của ông trong giới văn học và giới tri thức, đó chính là “nhà hiền triết mặc dù đã đi xa, nhưng tấm gương của ông làm cho người ở lại kiên định hơn”.
ĐÔNG PHONG(Theo UDN)