Việc đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam bất ngờ công bố lỗ 1.123 tỷ đồng trong quý II/2016 và lũy kế 6 tháng lỗ 1.073 tỷ đồng đã giáng một đòn choáng váng vào các cổ đông của doanh nghiệp này...
Tin tức trên Zing.vn, ngày 8/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ra thông báo về việc đưa cổ phiếu TTF của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 09/8/2016.
Lý do là Báo cáo tài chính Quý II/2016 của Gỗ Trường Thành đã ghi nhận khoản lỗ lớn và có nội dung điều chỉnh hồi tố ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của Công ty.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định tại Quy chế Niêm yết chứng khoán thì cổ phiếu TTF chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Việc đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam bất ngờ công bố lỗ 1.123 tỷ đồng trong quý II/2016 và lũy kế 6 tháng lỗ 1.073 tỷ đồng đã gây sốc cho giới đầu tư tài chính. Theo giải thích của đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, sở dĩ có khoản lỗ trên là do đơn vị đã phát hiện có tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán. Việc trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi và hàng tồn kho bị thiếu khiến công ty rơi vào thua lỗ nặng.
Từng đứng bên bờ vực phá sản vì nợ nần nhưng trong 2 năm trở lại đây Gỗ Trường Thành đã từng bước hoạt động ổn định trở lại. Đặc biệt là cuối năm 2015, Vingroup đã chi 1.800 tỷ đồng để sở hữu 49,9\% vốn cổ phần tại Gỗ Trường Thành.
Tuy nhiên, ngày 19/7 vừa qua Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup) đã công bố việc tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.201 tỷ đồng với 69,7 triệu cổ phiếu TTF (để nâng sở hữu lên khoảng 75\%) vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa một bên là số liệu mà đại gia này công bố cho nhà đầu tư và tình hình thực tế mà Tân Liên Phát nắm được.
Ngay sau khi Tân Liên Phát công bố thông tin trên, cổ phiếu TTF đã giảm sàn 15 phiên liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể cổ phiếu TTF đã giảm từ mức giá 43.600 đồng/cổ phiếu xuống 15.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại, tương ứng mức giảm gần 3 lần.
Thông tin trên VnExpress, thêm nữa, khoản vay trái phiếu chuyển đổi 1.202 tỷ đồng của Gỗ Trường Thành đã được Tân Liên Phát quyết định ngừng chuyển đổi thành cổ phần. Như vậy, Gỗ Trường Thành sẽ càng khó khăn hơn cũng như việc Tân Liên Phát khó thu hồi khoản đầu tư này.
Ngoài bức xúc vì sự việc công bố lỗ bất ngờ, cổ phiếu rơi tự do, nhóm nhà đầu tư còn đặt ra nghi vấn về sự minh bạch của đơn vị kiểm toán. Từ 2011 đến 2015, tình hình tài chính của Gỗ Trường Thành được Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam giám sát. Sự việc được phát giác khi đầu tháng 6, Gỗ Trường Thành đã thay đổi đơn vị kiểm toán mới và lựa chọn Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT Võ Trường Thành tiếp tục gặp nhiều khó khăn. |
Khi Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu nổi danh trên lĩnh vực gỗ và bất động sản, có một doanh nhân gốc Bình Định khác cũng âm thầm từng bước chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong ngành đồ gỗ xuất khẩu - ông Võ Trường Thành. Hiện ông Thành giữ chức Chủ tịch HĐQT của tập đoàn.
Gỗ Trường Thành được thành lập vào năm 1993, tiền thân là Xí nghiệp tư doanh chế biến gỗ Xuất khẩu Trường Thành tại Đắk Lắk. Công ty đã trải qua nhiều thăng trầm, có thời điểm khoản nợ ngắn lên tới nghìn tỷ đồng, công ty đứng bên bờ phá sản. Tuy nhiên, doanh nhân Võ Trường Thành đã từng bước tái cơ cấu, đưa doanh nghiệp ổn định trở lại. Đầu năm 2016, ông cho biết Gỗ Trường Thành đã bước qua "khe cửa hẹp", cổ phiếu đạt kỷ lục từ khi niêm yết.
Sau khi Tân Liên Phát trở thành cổ đông, Gỗ Trường Thành có nhiều biến động nhân sự, ông Võ Trường Thành từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc. Hai thành viên HĐQT là ông Phương Xuân Thuỵ - Trần Việt Anh bị miễn nhiệm. Nhiều lãnh đạo chủ chốt trong HĐQT, Ban kiểm soát, Ban tổng giám đốc tại Gỗ Trưởng Thành đã lần lượt bị miễn nhiệm và thay thế là các nhóm cổ đông mới.
Với những bê bối vừa xảy ra, có lẽ ông chủ của Gỗ Trường Thành sẽ phải đối mặt với nhiều gian truân phía trước.
KSB không còn liên quan với ông Võ Trường Thành
Thông tin trên báo Người đồng hành, theo KSB, quyết định bầu ông Võ Trường Thành giữ chức vụ chủ tịch HĐQT KSB hồi tháng 4/2016 khởi nguồn từ sự tình cờ và quen biết cá nhân của ông Thành với lãnh đạo KSB. Hơn thế, KSB cũng nhận thấy ông Thành là một doanh nhân có uy tín trên thương trường, có mối quan hệ lâu năm với địa phương và có thể giúp hoạt động của KSB tốt hơn sau khi cổ đông lớn SCIC thoái vốn.
Về phía ông Thành (Chủ tịch TTF), cũng đã từng bộc bạch tại ĐHCĐ thường niên của TTF được tổ chức vào giữa tháng 04 năm 2016 rằng việc mình giữ vị trí chủ tịch KSB là một sự tình cờ. “Giữa tôi và KSB có quen biết từ lâu trên cơ sở bạn bè. Tôi chỉ mới đầu tư khoảng 600.000 cổ phần với tư cách cá nhân nhưng KSB vẫn muốn tôi tham gia vào thành viên HĐQT. Hai công ty không có mâu thuẫn lợi ích nhau và tôi vẫn toàn tâm toàn ý cho công ty TTF.”, ông Thành nói.
KSB cũng cho biết, thực tế trong suốt quá trình giữ chức chủ tịch HĐQT của KSB, ông Võ Trường Thành chỉ nắm giữ 600.000 cổ phiếu rồi sau đó đã bán hoàn toàn số cổ phiếu này, đồng thời cũng không tham gia vào bất kỳ hoạt động quản lý điều hành nào của KSB kể từ khi được bầu vào HĐQT cho tới thời điểm từ nhiệm.
Vào ngày 20/07/2016, ông Võ Trường Thành đã có đơn từ nhiệm, không giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT KSB và đã được HĐQT chấp thuận. KSB hiện tại không có giao dịch liên quan nào với ông Võ Trường Thành cũng như tất cả các cá nhân hay tổ chức có liên quan đến ông Võ Trường Thành.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện KSB nhấn mạnh, việc rút tên khỏi HĐQT của ông Võ Trường Thành không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến hoạt động kinh doanh của KSB.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin