Chiều ngày 26/5 vừa qua, sau khi dạo nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, chiếc xe mang BKS 89C-06820 căng băng rôn đòi nợ tiến vào khuôn viên toà nhà Tổng công ty bất động sản Đông Á (Cty Đông Á), nằm trên đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hoá.
Thông tin trên Dân Trí, qua tìm hiểu được biết phía bị đòi nợ là ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Cty Đông Á. Trên tấm băng rôn có in những dòng chữ với chủ đề đòi nợ và ảnh của ông Cao Tiến Đoan. Những người đi đòi nợ tự xưng là người của ông Cao Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty chứng khoán Kenanga Việt Nam (Cty KVS). Sự việc đã thu hút sự chú ý của người dân, ngay sau đó, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để đảm bảo an ninh trật tự.
Liên quan đến sự việc trên, mới đây, ông Cao Tiến Đoan đã có đơn tố giác tội phạm gửi các cơ quan chức năng. Theo nội dung đơn trình bày của ông Đoan, hiện nay, ông Cao Văn Sơn đã khởi kiện ra tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa về việc tranh chấp hợp đồng tạm ứng vốn giữa hai Cty Đông Á và Cty KVS.
“Vấn đề nợ nần hiện nay tòa án đang thụ lý giải quyết mình không bàn cãi nữa, anh Sơn là một người trí thức, có học vị cao tại sao lại như thế? Về kinh tế hai bên như thế nào thì tòa án người ta sẽ phân xử trắng đen và lúc đó sẽ có con số chính xác. Việc đưa ảnh tôi lên băng rôn khổ lớn rồi rải tờ rơi như thế là không đúng. Dù mức độ như thế nào chăng nữa thì không ai làm thế. Ngoài ra anh Sơn còn gửi thư đến những mối quan hệ của tôi. Khi tôi không thương thảo được với các nhà đối tác thì đã làm tôi thất thiệt rất nhiều về kinh tế và đẩy Đông Á đến vực thẳm”, ông Đoan trình bày.
Xe ô tô treo băng rôn đòi nợ trong trụ sở Cty Đông Á. |
Sau khi sự việc xảy ra, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi cơ quan chức năng trên cơ sở đơn tố giác tội phạm của ông Cao Tiến Đoan. Theo xác minh ban đầu của Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa thì sự việc xảy ra đúng như nội dung báo cáo của doanh nghiệp.
Theo nội dung công văn Cty Đông Á là một doanh nghiệp có uy tín, đang tham gia đầu tư vào các dự án lớn của tỉnh Thanh Hóa. Bản thân ông Cao Tiến Đoan là chủ doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển Hiệp hội, tham gia tích cực công tác xã hội, từ thiện.
Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa nhận thấy đây là một hành vi vi phạm pháp luật, làm mất uy tín cho doanh nghiệp, bôi nhọ, làm nhục bản thân ông Cao Tiến Đoan. Cũng theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp, trong hoạt động kinh doanh các bên có mối quan hệ kinh tế, liên doanh, liên kết làm ăn được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đây là quan hệ dân sự, nên khi xảy ra những tranh chấp, bất đồng hai bên phải đàm phán, hòa giải theo đúng trình tự quy định của pháp luật, nếu không giải quyết được thì gửi đơn đến tòa án giải quyết.
Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết theo trình tự của pháp luật mang lại sự bình yên cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo đại tá Nguyễn Chí Phương - Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa: “Hiện cơ quan Công an đang điều tra, làm rõ, vi phạm đến đâu thì xử lý theo quy định của pháp luật đến đấy. Hình ảnh, băng rôn đi khắp thành phố Thanh Hóa, mục đích là đánh sập uy tín”.
Theo đại tá Phương, Công an thành phố Thanh Hóa cũng đã lập biên bản, ghi hình, tạm giữ toàn bộ pa nô - áp phích liên quan đến sự việc trên. “Chúng tôi đang thu thập chứng cứ, nếu như nó ảnh hưởng đến uy tín nghiêm trọng thậm chí có thể truy tố. Còn nợ nần thì có việc đòi, không ai cấm anh (bên đi đòi nợ) đòi cả, nhưng nếu anh đòi không được thì khởi kiện ra tòa, tòa buộc ông Cao Tiến Đoan phải trả trong phạm vi đó chứ, theo luật chứ. Nhưng tại sao anh lại dùng pa nô - áp phích đi dong dong ngoài đường như thế làm gì? mục đích để làm gì? hay anh định lợi dụng nợ nần trong hợp đồng đó để anh đánh sập công ty đó?”.
Cũng theo đại tá Phương đánh giá, hành vi treo băng rôn đi đòi nợ nêu trên có dấu hiệu của tội làm nhục. Hiện cơ quan công an thành phố Thanh Hóa đã xác định được 6 người tham gia trong sự việc hai xe ô tô treo băng rôn đi đòi nợ tại Thanh Hóa. Đồng thời, đơn vị này cũng đã thu thập hồ sơ về những người này.
Về vấn đề liên quan đến những thành phần tham gia trong đoàn đi đòi nợ nêu trên, đại tá Phương cho biết: “Chúng tôi cũng đang xác minh theo quy trình của pháp luật. Ví dụ như người của cơ quan đó thì phải có hợp đồng lao động từ khi nào? được ai, cơ quan quản lý lao động nào chấp nhận, rồi tham gia bảo hiểm xã hội lúc nào. Nếu như cả 6 người đó được đóng bảo hiểm xã hội thì phải qua cơ quan bảo hiểm mới xác định được. Việc nợ nần đã có đơn khởi kiện gửi tòa rồi, thế nhưng trong thời gian tòa đang làm tại sao lại như thế?”.
Cũng liên quan đến vấn đề nợ nần giữa hai đơn vị, đại tá Phương cho biết, trong quá trình điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân có nợ hay không nợ, nợ bao nhiêu? Chuyện này chỉ là nguyên nhân dẫn đến hành vi trên. Hiện Công an thành phố Thanh Hóa đang xác minh, triệu tập những người có liên quan. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Ông Cao Tiến Đoan đã có đơn tố giác tội phạm gửi các cơ quan chức năng. |
Ông chủ bạch dinh nổi tiếng xứ Thanh
Đại gia Cao Tiến Đoan sinh năm 1960, ở huyện Quảng Xương – Thanh Hóa trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 21 tuổi, ông Đoan quyết định thoát cảnh con trâu cái cày, từ chàng nông dân lên anh công nhân bằng con đường thợ xây và khởi nghiệp thầu xây dựng.
Tính khí mạnh mẽ, thích hứng trách nhiệm và không muốn làm chân sai vặt cho cánh thợ “ma cũ” nên chàng trai Cao Tiến Đoan khi ấy tập hợp một đội mấy chục thanh niên và được trai làng phong làm “ông cai thầu”. Nhưng do sốc nổi và thiếu hiểu biết về xây dựng như bổ trụ, xây viên gạch ngang, gạch dọc ra sao, bê tông trộn mấy cát, mấy sỏi… nên nên năm 1981 bắt đầu khởi nghiệp thì năm 1983 ông “cai thầu” Cao Tiến Đoan đã lâm vào vỡ nợ.
Năm 1984, ông Đoan khởi nghiệp lại bằng nghề sửa chữa ô tô, định đổi đời bằng “công nghiệp hoá”. Đội thợ kéo quân đi đại tu sửa chữa xe tới tận nhà cho khách. Xe sửa xong, chưa vận hành được bao lâu lại hỏng, thu được đồng nào đổ vào bảo hành đồng ấy. Cuối 1985, “ông chủ” Cao Tiến Đoan chính thức vỡ nợ lần thứ 2. Đã thiếu càng thiếu hơn, đã nợ lại nợ nhiều hơn. Ông Đoan cho biết, ngày đó sau khi dự án sửa chữa xe phá sản, ôm một đống nợ, ông lại theo bạn bè quay lại với nghề xây dựng và lại lên làm chủ lần thứ 3.
Doanh nhân Cao Tiến Đoan nổi tiếng không chỉ vì những thành công trên thương trường, mà còn bởi những gì ông “hưởng thụ” từ khối tài sản của mình. |
Năm 1988, ông Đoan bắt tay thi công công trình nền đường từ ngã 3 Lễ Môn đến TP Thanh Hoá. Không biết do số phận hay do trời thử thách nhưng khởi công 1988 thì 1989, đợt trượt giá vật liệu khiến ông Đoan trở tay không kịp. Ông Đoan cho biết, để thi công đoạn đường đó, ông đã phải vay vốn bằng vàng của rất nhiều người trong khi đó vàng đang từ 170.000 đồng/ 1 chỉ vọt lên 540.000 đồng/chỉ. Tình thế trên cộng với bên A chậm thanh toán đã đẩy Cao Tiến Đoan xuống vực phá sản lần thứ 3.
Cố công gắng sức để thoát nghèo, gần 10 năm, 3 lần tay trắng, nghèo chưa thoát mà còn nghèo hơn. Ngôi nhà, nơi cả gia đình sinh sống bị chủ nợ san phẳng trong 2 ngày, một bãi đất phẳng không còn dấu tích. Đó chỉ là 3 trong 7 lần Doanh nhân Cao Tiến Đoan rơi xuống vực thẳm của tiền bạc nhưng điều đáng nói là ước mơ làm giàu vẫn không hề nhụt.
Sau những lần thất bại này ông chợt nhận ra mình không đủ sức quản lý công việc và tự tìm các loại sách kinh tế, sách về quản lý, đào tạo nhân lực và đọc rất nhiều. Năm 1996, ông chính thức thành lập Cty Bất động sản – Tư vấn Xây dựng Đông Á (Đông Á) - doanh nghiệp với bộ máy và hoạt động bài bản, có định hướng chiến lược rõ ràng. Tới nay, từ số vốn vài trăm triệu, tài sản của DN đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Khởi đầu sự nghiệp, Công ty Đông Á thắng thầu cột tiếp sóng của Đài Truyền hình Thanh Hoá trên đồi Quyết Thắng trị giá 70 triệu đồng. Và sau đó nhờ vào làm ăn có uy tín, Công ty liên tiếp thắng thầu các công trình xây dựng điện, thuỷ lợi, giao thông... Tiếng tăm của Đông Á ngày càng được khẳng định, có bước phát triển mạnh mẽ với 6 xí nghiệp thành viên, đội ngũ người lao động tay nghề cao và rất chuyên nghiệp. Cũng từ những công việc đặc thù đó, dần dần Đông Á bước vào lĩnh vực bất động sản và thành công cho đến ngày hôm nay.
Doanh nhân Cao Tiến Đoan nổi tiếng không chỉ vì những thành công trên thương trường, mà còn bởi những gì ông “hưởng thụ” từ khối tài sản của mình.
Ông nổi tiếng với lâu đài "Bạch Dinh" sang trọng tọa lạc trên khuôn viên 50.000m2 với thiết kế sang trọng, tinh tế bằng gam màu trắng.
Trước đó, đại gia đình ông sống trong một khu biệt thự xây dựng vài tỷ đồng. Để xây dựng khuôn viên mới, Cao Tiến Đoan đã bỏ tiền mua thêm đất của nhà dân xung quanh đồng thời đập bỏ không thương tiếc ngôi nhà cũ mới qua hơn một năm sử dụng.
Doanh nhân này cũng đang ấp ủ đầu tư một dàn máy bay trực thăng để làm "taxi hàng không" phục vụ nhu cầu đi lại cho doanh nhân, khách du lịch...
Năm 2011, đại gia xứ Thanh gây sốc cho dư luận khi đặt mua về Việt Nam 4 chiếc máy bay trực thăng dưới danh nghĩa công ty Hành tinh Xanh – nơi ông là thành viên HĐQT. Trong 4 máy bay, 2 chiếc dạng cánh bằng do CH Czech sản xuất và 2 chiếc trực thăng còn lại do Mỹ sản xuất.
Ông Đoan cũng nổi tiếng với thú chơi xe cổ. Bộ sưu tầm xe của ông Đoan gồm 13 chiếc phần lớn là Mercedes. Từ chiếc xe là chiếc Mercedes cổ 190 từ những năm 50 cho đến chiếc sang trọng nhất S55 AMG.
Ngọc Anh(Tổng hợp)
[mecloud]gFiemnsqbe[/mecloud]