Trong mấy chục năm lăn lộn thương trường để gây dựng sự nghiệp, ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn - Nguyễn Trường Sơn đã thực hiện một số dự án, thương vụ lớn, tạo sự chú ý đặc biệt trong giới doanh nhân và dư luận.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn) tiền thân là Công ty Dịch vụ đầu tư và Du lịch Nghi Tàm, được thành lập theo giấy chứng nhận kinh doanh lần đầu số 040342 cấp ngày 09/01/1992.
Tập đoàn này có hơn chục công ty thành viên hoạt động chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực như: Dịch vụ, du lịch trong nước và quốc tế, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng, xuất nhập khẩu, tư vấn, thẩm mỹ, đầu tư kinh doanh bất động sản, xây dựng các khu đô thị mới…
Người đứng đầu Tập đoàn là doanh nhân Nguyễn Trường Sơn (sinh năm 1945, quê Nghệ An). Sau mấy chục năm lăn lộn trên thương trường, vị doanh nhân này đã gây dựng cho mình một sự nghiệp vững chắc với khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, một số dự án do Tập đoàn của ông tiến hành từng gây sự quan tâm đặc biệt trong dư luận.
Khách sạn Bảo Sơn
Khách sạn Bảo Sơn tọa lạc ngay mặt đường Nguyễn Chí Thanh |
Khởi đầu kinh doanh từ năm 1991, đến năm 1993, Tập đoàn Bảo Sơn khởi công xây dựng Khách sạn Quốc tế 4 sao Bảo Sơn tại đường Nguyễn Chí Thanh - đại lộ đẹp nhất của Thủ đô Hà Nội thời điểm đó.
Năm 1995, khách sạn được khánh thành và ngay lập tức đã trở thành điểm đến của các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Cùng với sự hỗ trợ của Công ty Du lịch quốc tế Bảo Sơn, Khách sạn Bảo Sơn đã liên tiếp đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Với vị trí thuận lợi dễ dàng đến các địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí trong thành phố cùng với không gian tiện nghi nên khách sạn thường được đối tượng khách nghỉ dưỡng và công tác ưa chuộng.
Công viên Thiên đường Bảo Sơn
Công viên Thiên đường Bảo Sơn. Ảnh: baosonparadise |
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và đón đầu cơ hội phát triển, năm 2008, Tập đoàn Bảo Sơn khai trương Công viên Thiên đường Bảo Sơn lớn nhất miền Bắc Việt Nam với diện tích hơn 20 ha tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.
Ngay sau khi mở cửa, Công viên Thiên đường Bảo Sơn được thị trường du lịch văn hóa chào đón với những hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức thường niên trong một không gian Việt sống động, chân thực.
Bên cạnh đó, sự kiện nhà hát Nghệ thuật Bảo Sơn được khai trương và đưa vào hoạt động năm 2009 đã biến Công viên Thiên Đường Bảo Sơn thực sự trở thành thiên đường của những người yêu thích tìm hiểu thiên nhiên, văn hóa; đặc biệt là văn hóa dân gian Việt Nam.
Với mục tiêu trở thành cửa ngõ du lịch của Hà Nội, điểm đến của du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội muốn tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu về văn hóa, truyền thống Việt Nam, Công viên Thiên đường Bảo Sơn được xây dựng là một địa điểm vui chơi giải trí đa năng, tiếp cận công nghệ hiện đại và trở thành lĩnh vực kinh doanh nòng cốt, là thương hiệu tiêu biểu của Tập đoàn.
Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn
Dự án Khu đô thị Thiên đường Bảo sơn. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Khu đô thị Thiên đường Bảo sơn là một phần trong tổng thể dự án xây dựng, phát triển khu đô thị mới tại An Khánh, Hà Nội.
Nằm ở vị trí đắc địa trên mặt đường Lê Trọng Tấn ngay cạnh Công viên Thiên đường Bảo sơn, khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn từng là “cơn sốt” với nhiều nhà đầu tư bất động sản và những người có nhu cầu nhà ở cao cấp nhiều năm về trước.
Dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2008, tuy nhiên, nhiều năm nay, khu đô thị này khá thưa vắng, chỉ có vài chục hộ dân chuyển về sinh sống.
Thương vụ Bảo Sơn – Bảo Long
Sau nhiều tranh chấp kéo dài, Bảo Long đã chính thức về tay Tập đoàn Bảo Sơn. Ảnh: Thanh niên |
Vụ "tranh cãi" giữa Tập đoàn Bảo Sơn và Tập đoàn Bảo Long từng gây hao tốn rất nhiều giấy mực của báo giới và đến nay vẫn còn nhiều thông tin trái chiều.
Con trai của ông Nguyễn Hữu Khai từng chia sẻ, với hoài bão sẽ xây dựng được mạng lưới khép kín gồm công ty y dược, bệnh viện và trường học, trong thời kỳ Bảo Long phát triển mạnh, cha anh đã vay vốn của các cá nhân và ngân hàng để đầu tư các cơ sở ngoài Bắc. Nhưng đến năm 2008, khi kinh tế suy thoái, việc đầu tư dàn trải khiến ông và Tập đoàn Bảo Long phải trả giá đắt.
Những dự án dài hơi như bệnh viện, trường học chưa kịp có nguồn thu ổn định thì vấp phải những khoản nợ đến hạn mà không có khả năng chi trả. Lúc này, bản thân bố tôi chịu nhiều áp lực khi phải thanh toán nợ, thậm chí còn phải vay mượn chỗ này trả chỗ kia. Đến năm 2011, như nhiều doanh nghiệp khác, Bảo Long như đứng trên bờ vực.
Nhận thấy không còn khả năng cầm cự lâu, ông Khai quyết định sẽ bán các tài sản để trang trải nợ nần. Với diện tích đất hơn 53.000 m2 trên Sơn Tây (Hà Nội), nhiều đơn vị đã đề nghị mua lại nhưng bố ông không đồng ý vì ngoài đất, ở đây còn có nhà xưởng, trường học và các nhân viên, học sinh đang làm việc và học tập.
Sau nhiều lần từ chối, trong năm này, ông gặp ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn, người đưa ra đề nghị mua lại cổ phần, tài sản cùng bản quyền thương hiệu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long, bệnh viện đa khoa và trường võ thuật để giúp Bảo Long cơ cấu nợ, đồng thời sẽ cùng nhau phát triển bệnh viện và xưởng thuốc.
Bản hợp đồng chuyển nhượng được phía Bảo Sơn soạn ra và được ông Nguyễn Hữu Khai ký vào ngày 3/3/2011. Theo đó, Tập đoàn Bảo Long phải chuyển nhượng cho Tập đoàn Bảo Sơn 100% vốn cổ phần của các cổ đông và phần vốn góp bổ sung với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm, tổng giá trị chuyển nhượng là 227,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Khai sau đó cho rằng, Bảo Sơn đã không thực hiện đúng hợp đồng. Ông Khai "tố" Tập đoàn Bảo Sơn đã vi phạm nghiêm trọng những điều ký kết trong hợp đồng và còn nợ của Tập đoàn Bảo Long tới 125 tỷ đồng. Về phần Tập đoàn Bảo Sơn, ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, đây là một vụ mua bán đàng hoàng, đúng pháp luật.
Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội sau đó đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Khai để điều tra về hành vi "Sử dụng trái phép tài sản".
Theo đó, ông Nguyễn Hữu Khai đã nhiều lần chiếm giữ, sử dụng trái phép các tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây.
Và sau nhiều tranh chấp kéo dài, Bảo Long đã chính thức về tay Tập đoàn Bảo Sơn.
Vũ Đậu