(ĐSPL) - Họ đều là những đại gia Việt nổi đình nổi đám về khối tài sản khủng. Họ cũng là những đại gia không tiếc tiền chi hàng triệu USD mời người nổi tiếng đến Việt Nam để truyền cảm hứng cho nền bóng đá, giới trẻ.
Nữ đại gia Tư Hường- nữ ca sĩ Lady Gaga
Nữ đại gia Trần Thị Hường (Tư Hường), người đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ về Việt Nam lần đầu tiên, được giới doanh nhân Việt Nam nhìn nhận là một trong những gương mặt nữ doanh nhân kỳ cựu nhất hiện nay.
Sự kiện khiến tên tuổi bà Tư Hường được nhiều người biết đến nhất là trở thành nhà đồng tài trợ cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được tổ chức tại Việt Nam năm 2008. Khi đó, công ty Hoàn Cầu của bà Tư Hường đã cùng với 2 đơn vị khác là Ciat và Việt CEO thành lập nên công ty Hoàn Vũ - đơn vị tổ chức và kêu gọi tài trợ với số vốn cần huy động là khoảng 15 triệu USD.
Khi đó, một điều kiện khó khăn đặt ra cho nước chủ nhà tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ là phải có một sân khấu mang tiêu chuẩn quốc tế và đủ sức chứa cho hàng chục ngàn khán giả đến theo dõi cuộc thi. Trong 5 tháng ngắn ngủi vừa thiết kế, vừa thi công - khoảng thời gian được cho là "tốc độ kỷ lục thế giới" - Hoàn Cầu đã hoàn thành Crown Convention Center với hơn 7.500 chỗ ngồi và mức chi phí bỏ ra được đồn đoán lên tới hơn hàng trăm triệu USD.
Ngoài sân khấu khổng lồ, hàng chục hạng mục xây dựng khác tại Diamond Bay như hồ bơi, spa, sân golf... Vào thời điểm đó, NTB chính là đơn vị xây dựng công trình này.
Không chỉ dừng lại ở đó, cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008 do bà góp tên tổ chức còn mời được nữ ca sĩ Lady Gaga đến biểu diễn đêm chung kết. Tuy tên tuổi Lady Gaga khi đó không thể sánh với ngày nay, nhưng sự xuất hiện của cô ca sĩ này cũng là lần hiếm hoi có một nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn khi đang lên đỉnh, chứ không phải lúc đã "xế chiều".
Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai) - Câu lạc bộ Arsenal
Khi mời Arsenal, câu lạc bộ bóng đá hàng đầu nước Anh, đến Việt Nam năm 2013, người ta hỏi bầu Đức nhiều câu liên quan đến tiền bạc. Tuy nhiên, ông khẳng định không thể kiếm tiền nhờ tổ chức trận đấu giữa Arsenal và Việt Nam.
“Tôi muốn làm một cái gì đó cho Việt Nam, muốn phong trào thể thao của nước ta nóng lên, chứ không bao giờ nghĩ tới chuyện kiếm tiền từ việc này”, ông chia sẻ. Bầu Đức cũng khẳng định: “Muốn kiếm tiền phải kinh doanh, sản xuất cho tốt, chứ không phải thu lời từ bóng đá”.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế phân tích điều ngược lại. Có thể bầu Đức không kiếm được tiền khi tổ chức trận đấu này nhưng chính trận đấu có thể mang lại cho ông rất nhiều tiền.
Về lời khẳng định mời Arsenal sang Việt Nam không phải vì tiền của bầu Đức, ông Võ Văn Quang - chuyên gia độc lập về thương hiệu và marketing đồng tình khi cho rằng, chiến dịch này chắc chắn không giúp bầu Đức kiếm tiền. Tuy nhiên, ông Quang bổ sung, đây là hoạt động làm thương hiệu, và đích đến cuối cùng vẫn là tiền.
Lê Phước Vũ (Chủ tịch Tôn Hoa Sen) - Diễn giả Nick Vujicic
Mời thành công diễn giả Nick Vujicic đến Việt Nam là một dấu ấn trong năm 2013 của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group. Tên ông phủ sóng khắp các mặt báo, thương hiệu Tôn Hoa Sen trở nên đình đám khắp nơi với việc chi hơn 1,5 triệu USD mời chàng trai kỳ diệu nhất hành tinh Nick Vujicic đến Việt Nam diễn thuyết.
Trùng với thời điểm mời chàng trai không tay không chân đến Việt Nam, giá chứng khoán của Tập đoàn Hoa Sen tăng mạnh, giúp trị giá tài sản bằng cổ phiếu của ông Vũ tăng tới 170 tỷ đồng. Ông chủ của Tôn Hoa Sen cũng lần đầu lọt vào danh sách 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt.
Trả lời phỏng vấn về việc giá cổ phiếu tăng cũng như lọt Top 10 sàn chứng khoán, ông Vũ chia sẻ: “Thì cũng vui vui, vậy thôi. Thực ra, tôi quan tâm đến những việc khác hơn. Đó là sự cạnh tranh, khả năng phát triển, đối phó với những thách thức, thay đổi, sự thích nghi với những cạnh tranh khốc liệt của doanh nghiệp hơn là những thống kê như vậy”.
Chủ doanh nghiệp sùng đạo Phật này nói thêm: “Hoa Sen mời Nick đến Việt Nam để mang lại những giá trị tốt cho cộng đồng. Chúng tôi tin rằng anh đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, đặc biệt là người khuyết tật vượt qua nghịch cảnh để vươn lên. Đó mới là những mục tiêu của Hoa Sen khi mời Nick về Việt Nam, chứ không phải chúng tôi muốn tạo thương hiệu thông qua người nổi tiếng”.
Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch SHB) - Câu lạc bộ Manchester City
Trong chuyến công tác vừa diễn ra tại châu Âu, bầu Hiển dành thời gian tới thăm CLB Manchester City. Mục đích ban đầu của ông là tiếp tục bàn thảo quá trình hợp tác xung quanh việc Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sử dụng hình ảnh của Manchester City trong các hoạt động thương mại.
Nhưng tại buổi gặp vị phó chủ tịch đội bóng này diễn ra chiều 3/6, bầu Hiển nghe ông Damian Willoughby chia sẻ chuyện Man City không muốn đến Indonesia thi đấu, xuất phát từ những bất ổn của bóng đá đất nước vạn đảo. Ngay lập tức, ông chủ Tập đoàn T&T nắm lấy cơ hội bằng lời đề nghị “nửa xanh” thành Manchester tới Việt Nam.
Yêu cầu đầu tiên được đặt lên bàn đàm phán là tiền bạc được bầu Hiển giải quyết chóng vánh. Chi phí cho chuyến du đấu của nhà cựu vô địch Premier League không được bầu Hiển tiết lộ. Nhưng nếu đối chiếu với khoản tiền 2 triệu USD mà bầu Đức và Eximbank phối hợp mời Arsenal sang Việt Nam năm 2013, bầu Hiển chắc chắn phải bỏ ra khoản tiền khủng để đổi lấy cái gật đầu từ Man City.
Theo thông tin từ người đại diện CLB này tại Việt Nam, chi phí mời thầy trò HLV Manuel Pellegrini tới dải đất hình chữ S khoảng 1 triệu bảng Anh (gần 35 tỷ đồng). Bầu Hiển dự định mời một số nhà tài trợ cùng tham gia, đồng thời thu hút thêm quảng cáo bên cạnh tiền bán vé.
Ngọc Anh(Tổng hợp)
[mecloud]sop8LNZuUP[/mecloud]