+Aa-
    Zalo

    Đại gia thế chấp dự án cho ngân hàng: Không phải chuyện lạ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo các chuyên gia và các luật sư, việc chủ đầu tư đem dự án đi thế chấp ngân hàng không phải là chuyện lạ...

    (ĐSPL) - Theo các chuyên gia và các luật sư, việc chủ đầu tư đem dự án đi thế chấp ngân hàng không phải là chuyện lạ...

    Bất cập chuyện công bố 77 dự án thế chấp ngân hàng

    Theo tin tức trên Vietnamnet, danh sách các dự án thế chấp ngân hàng tại TP.HCM, được Sở Tài nguyên - Môi trường công bố, đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều trên thị trường. Trong đó, có những ý kiến ghi nhận sự tích cực, cũng có ý kiến phản ứng trái chiều.

    Động thái công bố này được thực hiện theo yêu cầu tại Công văn số 2043/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 30/5/2016 và Công văn số 6018/VP-ĐTMT ngày 27/6/2016 của Văn phòng UBND TP.HCM, về việc rà soát tình hình thực hiện các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn.

    Liên quan đến việc rà soát các dự án thế chấp, trước đó, The Harmona là điểm nóng được dư luận nhắc đến vì ngân hàng bỗng dưng ra thông báo đòi căn hộ mà người dân đã vào ở khoảng 3 năm nay. Chuyện chủ đầu tư đã bán căn hộ lại còn mang đi thế chấp trái phép, đã được giải quyết sau đó. Tuy nhiên, hệ lụy của nó đối với niềm tin trên thị trường vẫn còn dư âm.

    Đây là lần đầu tiên 1 địa phương công bố danh sách các dự án đang thế chấp ngân hàng. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng công bố chủ động thông tin để người dân nắm bắt, không để vào thế bị động.

    Chung cư Dolphin Plaza (Hà Nội) cũng bị đem đi thế chấp tại ngân hàng PVCombank.

    Trong danh sách công bố ngày 14/7, có 77 dự án tại TP.HCM, được chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng. Rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước như: Công ty CP Đầu tư Nam Long, Công ty CP Tập đoàn SSG, Công ty Liên doanh TNHH Capitaland - Vista… đều nằm trong danh sách này.

    Cá biệt, một số dự án đã bị thế chấp từ năm 2010 như chung cư Phú Thạnh (53 Nguyễn Sơn, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú), dự án Ruby Garden (12/6 Lũy Bán Bích, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú)... Đây đều là những chung cư đã bàn giao căn hộ cho dân vào ở.

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, thông tin về việc thế chấp dự án được công khai là điều tốt, nhưng cần phải rõ ràng, để tránh chuyện hiểu nhầm không đáng có. Đơn cử như Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát thế chấp một số căn hộ và sàn thương mại được ghi rất chi tiết.

    Mặt khác ông Châu cũng cho rằng, việc công bố tên các cá nhân thế chấp căn hộ tại các ngân hàng là không cần thiết. Điều này có thể ảnh hưởng đến bí mật riêng tư của cá nhân khách hàng.

    Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản chuyên phân phối các dự án tại TP.HCM, cho biết, khi thông tin doanh nghiệp thế chấp dự án được công bố, rất nhiều khách hàng đã gọi điện, kể cả to tiếng đòi nhân viên môi giới giải thích. Sau sự cố The Harmona, nhiều người nghĩ chuyện thế chấp dự án là rất tiêu cực, nhưng thực sự đa phần các chủ đầu tư, kể cả những doanh nghiệp uy tín, có vốn ngoại họ cũng thế chấp để vay vốn, miễn sao họ làm đúng quy định, giải chấp căn hộ đó trước khi bán cho khách hàng. Do vậy, thà không công bố thông tin thì thôi, đã công bố thì phải cụ thể để không bị xáo trộn thị trường.

    Được biết, 77 dự án có tên trong danh sách lần này là những dự án đã có thông báo của Sở Xây dựng đủ điều kiện kinh doanh, bán hoặc cho thuê nhà hoặc những dự án đang có hồ sơ yêu cầu Sở Xây dựng xem xét điều kiện huy động vốn. Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật danh sách trong thời gian tới.

    Khách hàng có cần lo sợ?

    Thông tin trên VTC News, theo các chuyên gia và các luật sư, việc dự án được mang đi thế chấp ngân hàng không phải là chuyện lạ.

    Theo quy định tại khoản 1 điều 147 Luật Nhà ở 2014 thì "Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó; trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.

    Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở".

    Chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ trước khi bán cho khách. (Ảnh minh họa).

    Do vậy, chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận; Người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp ngân hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn.

    Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc doanh nghiệp thế chấp, giải chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường.

    Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng vậy, việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường.

    Do đặc điểm hoạt động của thị trường bất động sản nước ta, các chủ đầu tư dự án phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động của khách hàng. Đối với nguồn vốn tín dụng, các chủ đầu tư thường vay vốn để phát triển dự án, xây dựng công trình, nhà ở, thực hiện quy định về bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai... và thường lấy dự án, công trình đó để thế chấp ngân hàng.

    Đa số chủ đầu tư sử dụng vốn huy động đúng mục đích; nhưng cá biệt, cũng có chủ đầu tư sử dụng vốn huy động sai mục đích, đầu tư dàn trải, thậm chí tiêu dùng cá nhân dẫn đến không hoàn thành dự án, không bàn giao được nhà cho người mua, mất thanh khoản, gây ra nợ xấu gây thiệt hại cho khách hàng và làm cho người tiêu dùng mất lòng tin.

    Đối với ngân hàng nhận thế chấp, đa số đều thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, nhưng cũng có chi nhánh ngân hàng buông lỏng quản lý, thậm chí dễ dãi, dẫn đến chủ đầu tư sử dụng vốn vay sai mục đích.

    Do vậy, các ngân hàng thương mại cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm và có biện pháp giám sát việc chủ đầu tư sử dụng vốn vay tín dụng đúng mục đích, giám sát chặt chẽ tài sản thế chấp hình thành trong tương lai để bảo đảm thu hồi vốn vay.

    Chính vì vậy, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng... để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà.

    Hiệp hội đề nghị ngân hàng nhận thế chấp có cơ chế giám sát bên thế chấp (chủ đầu tư) sử dụng nguồn vốn vay tín dụng và vốn huy động của khách hàng đúng mục đích nhằm hoàn thành dự án, nhà ở để bàn giao cho khách hàng, thực hiện giải chấp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng đúng quy định.

    GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, việc các dự án thế chấp ngân hàng không phải chuyện mới, nhưng nếu cơ quan nhà nước muốn hỗ trợ người dân thì nên công khai minh bạch thông tin về dự án, không nên coi đó là thông tin bí mật, khiến người dân không tiếp cận được.

    "Thực tế, người mua có quyền được biết, căn hộ mình mua đã được giải chấp hay chưa và đủ điều kiện để bán nhà hay chưa. Chỉ có minh bạch thông tin, người mua mới không bị thiệt thòi", ông Võ nhấn mạnh.

    Tuyết Mai (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-the-chap-du-an-cho-ngan-hang-khong-phai-chuyen-la-a141220.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan