Với giới đầu tư, Tân Thành Đô có thể xem là tập đoàn gia đình của đại gia Sài thành Trần Ngọc Dân. Tại TP.HCM, Tân Thành Đô được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối ô tô, thông qua 15 công ty thành viên.
Tân Thành Đô được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối ô tô. Ảnh minh họa: Người Đưa Tin Pháp luật |
Mới đây, cục Hải quan TP.HCM vừa thống kê danh sách doanh nghiệp (DN) nợ thuế chây ì, thuộc diện cưỡng chế và đề nghị công khai danh tính trên hệ thống hải quan cả nước, tính đến hết tháng 4/2020.
Theo đó, có có 7.246 DN nợ thuế bị công khai với tổng số tiền thuế nợ trên 3.270 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong số đó với trường hợp nợ lớn nhất là công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Tân Thành Đô nợ thuế với con số gần 680 tỷ đồng.
Năm 2016, Tập đoàn Tân Thành Đô đã từng dính sai phạm nghiêm trọng về thuế, sau đó bị nhà sản xuất tước quyền giấy phép nhập khẩu 2 thương hiệu xe sang Land Rover và Jaguar tại Việt Nam.
Trong giới đầu tư, Tập đoàn Tân Thành Đô có thể xem là tập đoàn gia đình của đại gia Sài thành Trần Ngọc Dân. Hiện nay, doanh nhân kỳ cựu sinh năm 1953 đang dần rút khỏi một số vị trí, trong khi vai trò của hai người con trai Trần Lâm - Trần Long trở nên rõ ràng hơn.
Cụ thể, trực tiếp ông Trần Ngọc Dân đang làm Chủ tịch HĐQT Tân Thành Đô và City Auto (CTF), Thành viên HĐQT CTCP Ô tô Phú Mỹ, CTCP Xe khách Sài Gòn.
Trong khi đó, trưởng nam Trần Lâm đang là Thành viên HĐQT CTF, CTCP Xe khách Sài Gòn và Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Phú Mỹ, CTCP Ô tô Nha Trang.
Bên cạnh đó, người con thứ Trần Long đang làm Chủ tịch HĐQT CTCP Auto Trường Chinh và Thành viên HĐQT CTCP Ô tô Nha Trang.
Tập đoàn Tân Thành Đô được thành lập ngày 10/6/2005, có trụ sở tại số 232 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM, hiện là tập đoàn đa ngành nghề với 3 lĩnh vực chính: Kinh doanh phân phối các thương hiệu ô tô, đầu tư tài chính, đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Tính đến tháng 12/2018, vốn điều lệ Tân Thành Đô ở mức 920,2 tỷ đồng.
Tại TP.HCM, Tân Thành Đô được biết nhiều nhất trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối ô tô, thông qua 15 công ty thành viên, trong đó nổi bật một số cái tên như: Công ty City Ford (HOSE: CTF), City Ford – Nha Trang, City Ford – Bà Rịa, Ford Phú Mỹ, Công ty TNHH Ô tô Thế giới (World Auto), hay CTCP Xe khách Sài Gòn (UPCOM: BSG).
Ngoài ra, bất động sản cũng là một lĩnh vực quan trọng mà Tân Thành Đô hướng tới.
Sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn tại Cửa Lò, Nghệ An. Ảnh minh họa: Người Đưa Tin Pháp luật |
Tân Thành Đô từng gây xôn xao với đại dự án sân golf Cửa Lò khi mở cửa đón khách trong thời gian cách ly xã hội vừa qua. Tập đoàn cũng đang sở hữu những dự án đáng chú ý khác như: Khu căn hộ cao tầng tại 124/9D đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, diện tích diện tích 1.839 m2 (Theo Quyết định chấp thuận số 6597/QĐ-UBNd ngày 26/12/2017 của UBND TP.HCM); dự án khu du lịch biển Vogue Resort, quy mô 19,57 ha, nằm trên trục đường chính Nguyễn Tất Thành, cách thành phố Cam Ranh 20 km, cách trung tâm thành phố Nha Trang 20 km.
Một số doanh nghiệp khác ở TP. HCM cũng đang nợ thuế nhiều năm liền, như: Công ty CP NIVL nợ trên 152 tỉ đồng; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Phước Minh nợ thuế gần 57 tỉ đồng; Công ty TNHH Silver Star VN và Công ty CP may Gia Phúc nợ gần 48 tỉ đồng mỗi công ty; Công ty TNHH SX giày dép Kwang Nam nợ gần 36 tỉ đồng; Công ty TNHH may mặc da nhựa Hừng Sáng nợ gần 31 tỉ đồng; Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry nợ gần 22 tỉ đồng… Theo Cục Hải quan TP.HCM, một số trường hợp doanh nghiệp nợ thuế có khiếu nại và đã nhiều lần cơ quan hải quan đối thoại, giải quyết nhưng doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn. Một số đã đóng cửa hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh… Cục Hải quan TP. HCM đề nghị có biện pháp cưỡng chế, công khai trên hệ thống hải quan cả nước đối với các doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế nằm trong danh sách này. |
Thủy Tiên (T/h)