(ĐSPL) - Nhiều đại gia ngân hàng vừa hồ hởi công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, hầu hết các ngân hàng đã công bố đều có lãi.
Lớn nhỏ đều có lãi
Theo tin tức trên báo Tiền phong, Vietcombank lãi ròng 6 tháng đầu năm tăng 39\%, đạt hơn 3,400 tỷ đồng. Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý 2/2016, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam thực hiện lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm 3,421 tỷ đồng, tăng 39\% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng trong quý 2/2016, thu nhập lãi thuần đạt 4,618 tỷ đồng, tăng trưởng 29\%. Ngoài hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ nhẹ và hoạt động dịch vụ đạt giảm, các hoạt động khác đều ghi nhận lãi gia tăng. Trong đó, lãi hoạt động ngoại hối tăng 16\% lên 474 tỷ đồng, nguồn thu từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 277\% lên 142 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác tăng 28\% lên 532 tỷ đồng.
Một nhà băng khác có kết quả khả quan nữa là TPBank với tổng tài sản đạt trên 83.200 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2016. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 của ngân hàng khá khả quan, các chỉ tiêu chính đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, huy động vốn, dư nợ cho vay tăng trưởng tốt trong khi vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp chỉ 0,56\%, tổng tài sản đạt hơn 83,2 nghìn tỷ đồng, tăng 61\% so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận lũy kế 6 tháng của ngân hàng đạt 205 tỷ đồng sau khi đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro. Nhờ chú trọng công tác quản trị rủi ro nên chất lượng tín dụng của TPBank khá lành mạnh với nợ xấu ở mức 0,56\%, còn thấp hơn so với năm trước.
Còn tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank cho biết lợi nhuận trong nửa đầu năm ước đạt 4,273 tỷ đồng. Cụ thể, kết thúc quý 2/2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt 850,000 tỷ đồng, tổng nguồn vốn 780,000 tỷ đồng tăng lần lượt 9\% và 9.6\% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng của VietinBank đạt 729,000 tỷ đồng, tăng trưởng 7.7\%.
Kết thúc quý II/2016, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đạt 70.148 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 103,6 tỷ đồng (tương đương 48\% kế hoạch năm). Tính đến hết 30/06/2016, ABBANK tiếp tục duy trì hoạt động và tăng trưởng ổn định, bền vững với kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch 6 tháng: Dư nợ đạt 47.257 tỷ đồng. Huy động đạt 63.294 tỷ đồng, đạt 116\% kế hoạch 6 tháng.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, kết quả kinh doanh khả quan của một số ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có tác động từ tốc độ tăng trưởng tín dụng cao. (Ảnh minh họa). |
Thông tin trên báo Một thế giới, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) ngày 20/7 đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu 2016 chưa kiểm toán. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 303 tỉ đồng, tăng 7\% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 45\% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2016.
Dư nợ cho vay đạt 51.319 tỉ đồng, tăng trưởng 7,4\%, cao hơn so với trung bình ngành ngân hàng. Số dư tiền gửi tăng 7,4\%, đạt 57.248 tỉ. Thu nhập từ phí và dịch vụ tăng 41\% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản VIB đạt 86.755 tỉ đồng, tăng 3\% so với cuối năm 2015.
Tỉ lệ nợ xấu tại ngày VIB tính đến ngày 30/6 là 1,84\% giảm so với 2,05\% cuối quý 1 và 2,07\% cuối năm ngoái. Hệ số an toàn vốn của VIB tiếp tục ở nhóm dẫn đầu thị trường, ở mức trên 16\%.
Với mức lợi nhuận được duy trì, vừa qua ngân hàng này cũng đã thực hiện chi trả cổ tức 8,5\% bằng tiền mặt và dự kiến chi trả thêm 16,5\% cổ phiếu thưởng trong năm 2016 theo phê duyệt của đại hội đồng cổ đông VIB, đưa mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng hàng năm lên mức 24-25\% trong 2 năm liền.
Không những vậy, VIB là ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định ở mảng ngân hàng công nghệ số với mức tăng trưởng 140\% số lượng sản phẩm được bán qua kênh trực tuyến, nếu so với cùng kỳ năm ngoái mức tăng trưởng này là 700\%. Số lượng sử dụng ứng dụng mobile banking (ngân hàng di động) và online banking (ngân hàng trực tuyến) cũng tăng đáng kể, đối với online banking tăng 20\% và với mobile banking tăng 89\% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, kết quả kinh doanh khả quan của một số ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có tác động từ tốc độ tăng trưởng tín dụng cao. So với mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống nửa đầu năm nay, cả BIDV, Vietcombank, TPBank, VIB đều có tốc độ cao hơn hẳn. VIB tăng trưởng 7,4\%, cao hơn 0,6\% so với trung bình ngành; BIDV có thể đạt 9\%, Vietcombank đạt 10,76\% (cao nhất trong 4 năm qua) và TPBank tăng tới 18\%.
Phân hóa mạnh
Thông tin trên báo Tầm nhìn, theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 6/2016, tín dụng nền kinh tế đã tăng hơn 6,8\% so với cuối năm 2015 và tăng cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, tín dụng bằng VNĐ tăng hơn 8,1\% so với cuối năm 2015 và tăng tới gần 23\% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 91\% tổng tín dụng nền kinh tế. Trong khi đó, tín dụng bằng ngoại tệ giảm hơn 4,6\% so với cuối năm 2015.
Nhìn chung những tháng đầu, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất so với cùng kỳ vài năm gần đây. Điều này cộng với đặc thù tăng trưởng tín dụng của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các quý cuối năm nên việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 17-18\% là khả thi, thậm chí phân tích của các công ty chứng khoán đưa ra dự báo mức tăng trưởng còn cao hơn. Theo các chuyên gia ngành ngân hàng thì khả năng tăng trưởng tín dụng 2 quý cuối năm sẽ tăng trưởng hơn so với nửa đầu năm. Vì nhu cầu vốn của doanh nghiệp luôn tăng cao trong những tháng cuối năm khi thời điểm kinh doanh vào mùa.
Bản thân các nhà băng đang rất kỳ vọng với kết quả kinh doanh trong năm 2016. Cụ thể, theo báo cáo của Vietnam Report thực hiện trong tháng 6/2016, theo số liệu thu thập được từ survey các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, 100\% số ngân hàng phản hồi tỏ ra lạc quan với triển vọng tài chính của ngân hàng mình trong năm 2016, với 41,7\% số ngân hàng đánh giá triển vọng rất khả quan và 58,3\% đánh giá tương đối khả quan. Cụ thể, 91,7\% số ngân hàng phản hồi nhận định, ngành ngân hàng năm 2016 sẽ tăng trưởng trên 10\%, và chỉ 8,3\% cho rằng ngành sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn hơn, dưới 10\% trong năm nay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì lợi nhuận ngân hàng sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh. Nhiều ngân hàng đang đối mặt với áp lực phải trích lập dự phòng rủi ro tăng cao thì sẽ khó có đột biến. Chiều ngược lại, những ngân hàng đã tích cực tái cấu trúc, chất lượng tài sản được quản trị chặt chẽ và khả năng sinh lời trên đà cải thiện sẽ có triển vọng lợi nhuận rất khả quan. Hiệp ước vốn Basel II được áp dụng thí điểm trên 10 ngân hàng sẽ giúp hệ thống an toàn hơn nhưng cần thêm thời gian.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin