Việt Nam ăn mì tôm nhiều thứ 4 thế giới
Trí thức trẻ dẫn nguồn tin cho biết, theo số liệu từ Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) cho thấy người Việt tiêu thụ khoảng 4,8 tỷ gói mỳ trong năm 2015, khảo sát của Euromonitor cũng cho thấy thị trường có quy mô khoảng 24.300 tỷ đồng (tương đương hơn một tỷ USD) một năm.
Trong ba năm qua, người Việt Nam đã ăn mì ít đi. Số lượng tiêu thụ mì ăn liền tại thị trường Việt Nam giảm 400 triệu gói. Mức giảm này được cho là theo xu hướng chung của thế giới.
Cụ thể, năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, 2014 giảm xuống còn 5 tỷ gói và 2015 còn 4,8 tỷ gói. Trước đó, giai đoạn 2010-2013, nhu cầu đối với mì ăn liền của Việt Nam cũng tăng chậm, từ 4,82 tỷ gói lên 5,2 tỷ gói.
Với sức giảm này, Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 4 về tiêu thụ mì trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.
Mặc dù trước đó, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, Việt Nam là nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ hai thế giới, với tỷ lệ trung bình mỗi người ăn 55 gói mì/năm. Thứ bậc này chỉ xếp sau Hàn Quốc. Tiếp đến là Indonesia và Thái Lan.
Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 4 về tiêu thụ mì trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. (Ảnh minh họa). |
Lý giải nguyên nhân, WINA cho hay, sở dĩ lượng tiêu thụ mì gói tại thị trường Việt Nam giảm mạnh 2 năm qua là do người dùng hoang mang, chưa hiểu rõ về sản phẩm. Trong khi đó, trên thị trường lại có quá nhiều thông tin về sản phẩm này thiếu chính xác, khiến khách hàng bất an và giảm sử dụng.
Tâm lý hoang mang của người dùng, lượng mì tiêu thụ sụt giảm có thể khiến nhiều hãng mỳ ở Việt Nam chẳng hạn như Acecook, Masan, Asia Foods phải lo lắng.
Bởi thực tế, thị trường mì ăn liền Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau như Acecook, Masan Consumer, Asia Foods, Vifon, Việt Hưng hay Micoem... Tuy nhiên, phần lớn thị phần đang thuộc về 3 doanh nghiệp dẫn đầu là Acecook, Masan Consumer và Asia Foods.
Ông Kagoshima Shigeto – Giám đốc khối Marketing của CTCP Acecook Việt Nam cũng cho rằng do nhiều thông tin tiêu cực về mì ăn liền như mì ăn liền là sản phẩm thiếu dinh dưỡng, chứa chất độc hại (axit oxalic, transfat…), và là tác nhân gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư…
“Thậm chí một số báo, trang tin còn hướng dẫn cách ăn mì an toàn như: Rửa/nấu mì 2-3 lần rồi mới ăn. Với cách chế biến này, mì không còn là thực phẩm. Khi không còn vị gì thì nó không phải là thức ăn được. Khi viết như vậy và người tiêu dùng làm theo, đó là sự cố rất lớn”, ông Kagoshima nói.
Bên cạnh đó, Kagoshima cũng chỉ ra 2 nguyên nhân khác khiến ngành hàng mì ăn liền bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một là, thị trường Việt Nam có sự du nhập thêm của nhiều loại hình thức ăn nhanh của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới trong 2 năm gần đây.
Hai là, việc cạnh tranh trên thị trường giữa các doanh nghiệp diễn ra không lành mạnh làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu, ngành hàng trong mắt người tiêu dùng.
"Lộ diện" 3 đại gia thống lĩnh thị trường
Thông tin trên báo VnExpress, dù có hơn 50 doanh nghiệp tham gia vào thị trường nêu trên song 70\% doanh số hiện nằm trong tay 3 đại gia là Acecook, Masan và Asia Foods. Do đó, cuộc chiến thị phần giữa các doanh nghiệp này cũng hết sức khốc liệt.
Gia nhập thị trường sau nhưng Masan Consumer được xem là "ngôi sao đang lên" khi tăng thị phần nhanh chóng từ số 0 lên 21\% năm 2012 và 25\% vào năm 2015. Với kinh nghiệm từ thời gian dài trước đó sản xuất nước chấm và mỳ ăn liền phục vụ thị trường Đông Âu, năm 2007, Masan ra mắt mỳ Omachi với định hướng sản phẩm cao cấp. Cùng với việc mở rộng thị phần, Masan đã cho ra mắt thêm nhãn hàng mỳ Kokomi, Sagami thuộc phân khúc bình dân. Đến nay Masan là ông lớn đứng 2 trong thị trường mỳ ăn liền, chỉ sau Acecook.
Dù có hơn 50 doanh nghiệp tham gia vào thị trường nêu trên song 70\% doanh số hiện nằm trong tay 3 đại gia là Acecook, Masan và Asia Foods. (Ảnh minh họa). |
Trong bối cảnh thị phần nước mắm, nước tương và tương ớt đang có dấu hiệu chững lại, doanh thu từ mỳ ăn liền ngày càng quan trọng với Masan Consumer. Ước doanh thu từ mỳ ăn liền của doanh nghiệp này ở mức trên 5.000 tỷ đồng, đóng góp vào tổng doanh thu 13.395 tỷ đồng và lợi nhuận 2.900 tỷ đồng năm 2015.
Trước Masan, Acecook là doanh nghiệp Nhật Bản có đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993 và độc chiếm thị phần này nhiều năm liền với hơn 20 nhãn hàng khác nhau, trở nên khác quen thuộc với đời sống người Việt như Hảo Hảo, Hảo 100, Vina Acecook...
Những năm gần đây, với sự vươn lên nhiều nhãn hàng, Acecook đã bị suy giảm vị thế. Tuy vậy, đại gia Nhật Bản này vẫn chiếm tới gần 40\% thị phần tại Việt Nam (năm 2014 là 38,9\% theo Euromonitor). Doanh thu của Acecook từ mỳ ăn liền năm 2014 khoảng 9.000 tỷ đồng. Năm 2015, công ty từng có kế hoạch doanh thu 9.300 tỷ đồng, tiêu thụ 2,8 tỷ gói mỳ.
Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, công ty bán ra thị trường khoảng 1,3 tỷ gói mỳ và kỳ vọng cung ứng ra thị trường 2,9 tỷ gói cả năm, mang về doanh thu 9.000 tỷ đồng. Hiện thị trường Việt Nam đóng góp 50\% tổng doanh thu toàn công ty, lợi nhuận thu được cao hơn Nhật Bản do chi phí bán hàng thấp hơn.
Xếp thứ 3 trong "cuộc chiến mỳ gói" tại Việt Nam là ông chủ của nhãn hiệu mỳ Gấu đỏ - Asia Foods với thị phần ổn định ở mức trên dưới 10\%.
Ngoài những tên tuổi nêu trên, thị trường mỳ ăn liền còn có sự góp mặt của nhiều thương hiệu khác như Vifon, Saigon Ve Wong, Thiên Hương, Colusa Miliket… Giữa năm 2015, sau khi bán mảng bánh kẹo, Tập đoàn Kinh Đô (hiện đổi tên là KiDo) đã kết hợp với Saigon Ve Wong cho ra mắt mỳ Đại gia đình. Công ty cho biết đây là động thái thăm dò thị trường và đặt mục tiêu năm 2015 thu 400 tỷ đồng từ mỳ ăn liền, song thực tế không được như kỳ vọng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin