+Aa-
    Zalo

    Đại gia miền Tây: Chơi ngông,"chúa chổm" ngàn tỷ rồi...chuồn lẹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hàng loạt các đại gia miền Tây nổi lên "như diều gặp gió" rồi những khó khăn, nợ nần nghìn tỷ khiến hàng loạt doanh nhân bỏ trốn, để lại đống nợ cho ngân hàng...

    (ĐSPL) - Hàng loạt các đại gia thủy sản miền Tây nổi lên "như diều gặp gió" rồi những khó khăn, nợ nần nghìn tỷ khiến hàng loạt doanh nhân bỏ trốn, để lại đống nợ cho ngân hàng và người dân.

    Trước đây, khi nhắc đến thủy sản và BĐS, nhiều người phải dùng đến hai từ khát khao và thèm muốn. Bởi có một thời, đây đuợc xem là hai trong những ngành “ho ra bạc, khạc ra tiền”, là nơi sản sinh ra nhiều đại gia tầm cỡ. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, không ít doanh nghiệp làm ăn phát đạt, đuợc xem là “ông lớn” lại “ngã ngựa” một cách bất ngờ. Một số đại gia còn phải bỏ trốn hoặc lâm cảnh tù tội.

    Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận cả nước choáng váng trước những thông tin từ cơ quan công an cung cấp. Ngày 24/12/2014, cơ quan CSĐT bộ Công an thực hiện quyết định bắt giam ông Nguyễn Tấn Hải (SN 1962, nguyên Giám đốc công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Việt Hải) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Biệt thự khủng của đại gia Lâm Ngọc Khuân

    Việt Hải là công ty một thời gian dài được xem là “tượng đài” của ngành thủy sản BĐSCL và làm mưa làm gió ở tỉnh Tiền Giang. Được biết, đến thời điểm ông giám đốc bị bắt, người dân mới tá hỏa khi phát hiệt ra rằng, công ty này có vốn điều lệ 15 tỷ đồng nhưng đã vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Minh Hải (VDB Minh Hải) 120 tỷ đồng, lãi treo 50 tỷ đồng. Hợp đồng vay tiền của ông Hải được cho là tín chấp khống. Công ty này đã ngừng hoạt động, hiện còn nợ tiền lương của công nhân.

    Trước đó không lâu, trung tuần tháng 11/2014, ngành thủy sản cũng chứng kiến sự việc tương tự tại xí nghiệp Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Ngọc Sinh. Khi đó, cơ quan CSĐT bộ Công an cũng triển khai quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Đặng Thị Ngợi, nguyên Giám đốc xí nghiệp vì về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh, cơ quan công an đã khởi tố bị can đối với Phan Xuân Minh, nguyên Giám đốc công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Châu. Nhưng truớc khi bị công an “sờ gáy”, ông Minh đã nhanh chân bỏ trốn và để lại một khoản nợ khổng lồ. Và, chắc hẳn nhiều người còn nhớ, vào tháng 9/2013, ông Lâm Ngọc Khuân, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty thực phẩm Phương Nam cũng đã phải “cao chạy xa bay”, bỏ lại sau lưng khoản nợ 1.700 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng “tự xử lý”.

    Trước đó, đại gia Thủy sản Bình An (Bianfishco) Diệu Hiền với danh tiếng đại gia thủy sản hàng đầu khu vực cũng đã nhanh chóng rơi vào vỡ nợ với cảnh người dân vây bủa nhà cửa do không có tiền trả cho người nuôi cá. Nợ ngân hàng lên đến hàng ngàn tỷ. Nữ đại gia này sau đó đã rút hẳn về nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.

    Đại gia Thủy sản Bình An (Bianfishco) nhanh chóng rơi vào vỡ nợ với cảnh người dân vây bủa nhà cửa do không có tiền trả cho người nuôi cá.

    Có thể kể ra cả loạt các đại gia thủy sản miền Tây như: Thiên Mã, Đông Nam, Việt An, An Khang... hùng mạnh một thời cũng kẻ "chết", người thoi thóp. Không ít người đang gánh khoản nợ quá hạn hàng trăm tỷ đồng. Trong nhiều trường hợp, đại gia bỏ mặc hay coi như 'chết hẳn', các ngân hàng, chủ nợ buộc phải chia nhau cái xác còn lại của các DN.

    Theo Hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau, khoảng một phần ba các DN chế biến thủy sản xuất khẩu rơi vào tình trạng phá sản mà các ông bà chủ không còn ở Cà Mau.

    Gần đây nhất, ngày 12/05/2015, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) đã có quyết định hủy niêm yết 43,33 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Việt An - Anvifish (AVF) từ ngày 10/6. Đây thực sự là một cú sốc đối với rất nhiều NĐT. Với chỉ duy nhất cổ đông nắm giữ trên 1 triệu cổ phiếu, AVF có một số lượng cổ đông nhỏ lẻ rất lớn.

    AVF lên sàn hồi cuối 2010 với giá gần 20 nghìn đồng/cp. Tới cuối 2014, cổ phiếu này chỉ còn 3.000 đồng và hiện tại chưa tới 1.000 đồng/cp.

    Anvifish bị hủy niêm yết là do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, liên tục chậm công bố báo cáo kiểm toán năm 2014. Theo báo cáo công ty tự lập, năm 2014, AVF thua lỗ kỷ lục, lên tới 892 tỷ đồng, khiến vốn điều lệ cuối năm 2014 bị âm 368 tỷ đồng.

    Theo báo cáo tự lập, tới cuối 2014, AVF âm vốn chủ sở gần 370 tỷ đồng trong khi đó nợ ngắn hạn lên tới 1.562 tỷ đồng. Doanh thu cũng chỉ đạt chưa tới 230 tỷ đồng.

    Thị trường đi xuống, kinh doanh khó khăn, chi phí tăng cao đã khiến AVF nhanh chóng lao dốc.

    Anvifish đã từng thuộc top 10 các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam. Từ năm 2009 đến 2013, doanh thu xuất khẩu của Anvifish liên tục tăng trưởng, từ 59 triệu USD lên 83 triệu USD. Bắt đầu từ năm 2014, tình hình mới bắt đầu khó khăn với AVF khi thị trường chính của công ty là Mỹ bị vướng thuế chống bán phá giá vào quốc gia này.

    Thị trường của AVF có 60\% là từ châu Mỹ (chủ yếu là Mỹ), còn lại là Châu Âu và Nga. Nói gì thì nói, thậm chí “bỏ đi” hoàn toàn thị trường Mỹ do vướng thuế chống bán phá giá, thì doanh thu xuất khẩu của AVF vào Châu Âu và Nga vẫn không quá tệ. Năm 2013, doanh thu xuất khẩu sang 2 khu vực này của AVF đạt 25 triệu USD.

    Ông Lưu Bách Thảo thành lập Anvifish năm 2007, cổ đông lớn là các thành viên trong gia đình. Sự lên ngôi của con cá tra, cá basa đã giúp Anvifish phát triển như vũ bão với 2 xí nghiệp chế biến 250 tấn/ngày. Quy mô vốn của AVF liên tục tăng từ 50 tỷ lên 225 rồi 433 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng tăng vèo vèo lên hàng nghìn tỷ đồng, đi kèm theo đó là hàng loạt các khoản vay NH khổng lồ phục vụ cho những dự án đầu tư nhà xưởng, kho bãi hoành tráng. Thị trường đi xuống, kinh doanh khó khăn, chi phí tăng cao đã khiến AVF nhanh chóng lao dốc.

    [mecloud]Xfoq3xLgeD[/mecloud]

    Những khó khăn của AVF bắt đầu xuất hiện và công bố chính thức ở báo cáo bán niên soát xét năm 2014. Trước đó, vào cuối tháng 4, công ty này đã kịp phát hành gần 14 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với mức giá được cho là ưu đãi (5.000 đồng/cp). Công ty đã thu về gần 70 tỷ đồng qua thương vụ này.

    70 tỷ đồng không đủ để AVF khắc phục những khó khăn về dòng tiền. Theo báo cáo bán niên soát xét, hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ của công ty bị đình trệ khiến khả năng tạo dòng tiền và thanh toán nợ của AVF bị ảnh hưởng.

    Trong báo cáo giải trình hồi đầu tháng 2/2015, AVF cho biết điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, cùng với sự biến động của các cổ đông chủ chốt và những chênh lệch lớn về chỉ tiêu tài chính,... là những nguyên nhân khiến DN lao dốc.

    Năm 2014, từ 512 tỷ đồng hàng tồn kho đầu năm, sau khi đánh giá lại, AVF chỉ còn gần 16 tỷ đồng. Hàng tồn kho kém phẩm chất đã là mối đe dọa trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty.

    Khoản lỗ kỷ lục trong quý IV và cả năm 2014 là do AVF phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho; chi phí lãi vay lớn và chủ yếu là do thực hiện kiểm kê, đánh giá lại giá trị thực thành phẩm tồn kho và chi phí dở dang vùng nuôi.

    Chỉ với "thành tích" thua lỗ tự khai báo kỷ lục như vậy, nếu không có gì thay đổi sau kiểm toán, AVF cũng sẽ bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, AVF còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Đó là sự vắng mặt của cổ đông lớn, sự biến động nhân sự chủ chốt của AVF mà DN này nhiều lần "quên" công bố thông tin.

    Giữa năm 2014, một loạt thành viên HĐQT Anvifish, trong đó có nguyên chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Lưu Bách Thảo đã đồng loạt từ nhiệm. Ông Thảo đã âm thầm bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu AVF (6,92\%) để ra nước ngoài trị bệnh. Các thành viên HĐQT khác bao gồm bà Lê Thị Lệ Thủy, bà Phùng Hoàng Trâm Anh, ông Daniel Yet và ông Nguyễn Quốc Tín cũng đồng thời có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

    Nói đến sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp thủy sản, BĐS, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc công ty UVIP Việt thẳng thắn: “Cũng cần phải nói rằng, việc một số đại gia thủy sản, BĐS thê thảm như hiện nay cũng một phần nguyên nhân gián tiếp từ sự lỏng lẻo của các ngân hàng. Hầu hết, chủ doanh nghiệp vỡ nợ, bỏ trốn, bị khởi tố thì các cán bộ ngân hàng trực tiếp cho vay cũng cùng chung số phận.

    Tôi được biết, trong vụ việc ông Lâm Ngọc Khuân bỏ trốn, cơ quan công an cũng đã khởi tố đến 25 nguyên cán bộ ngân hàng về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, có nhiều người là lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng tại Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

    Có lẽ sẽ chẳng ai quên được vụ một công ty thủy sản ở Bạc Liêu dùng 52kg tôm vay được 128 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, hay chính vụ vỡ nợ của công ty cổ phần thực phẩm Phương Nam. Doanh nghiệp này đã dùng một kho tôm đông lạnh để “dắt mũi” 5 ngân hàng và vay được số tiền hàng ngàn tỉ đồng.

    Dư luận đặt câu hỏi, vì sao các ngân hàng dễ dàng bị qua mặt đến vậy. Phải chăng, có sự “đi đêm” giữa ông chủ của Phương Nam với cán bộ tín dụng. Bởi, chẳng ngân hàng nào “ngớ ngẩn” đến mức giải ngân hàng trăm tỷ đồng mà lại không kiểm tra tài sản thế chấp của con nợ”.

    Nhiều ông chủ của các DN có tên tuổi ở ĐBSCL như Thủy sản Thiên Mã, Đông Nam, An Khang,... vốn hùng mạnh một thời cũng kẻ "chết", người thoi thóp, hoạt động cầm chừng. Nhiều đại gia để lại món nợ quá hạn hàng trăm tỷ đồng. Hệ quả, các NH, chủ nợ buộc phải xâu xé cái xác còn lại của các DN thủy sản chết yểu. Nhiều cán bộ ngân hàng cũng rơi vào tình cảnh tù tội.

    Hàng loạt vụ vỡ nợ, đổ bể của các đại gia ngành thủy sản gần đây cho thấy một thực tế làm ăn không dễ dàng và nợ nần chồng chất của rất nhiều DN tại khu vực ĐBSCL.
    Ngọc Anh(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-mien-tay-choi-ngongchua-chom-ngan-ty-roichuon-le-a95719.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.