+Aa-
    Zalo

    "Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản bị khởi tố, nhà mua của Mường Thanh xử lý sao?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trước sự việc, "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản bị khởi tố, nhiều người dân mua nhà của Mường Thanh hoang mang không biết quyền lợi của mình sẽ đi về đâu.

    Trước sự việc, "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản bị khởi tố, nhiều người dân mua nhà của Mường Thanh hoang mang không biết quyền lợi của mình sẽ đi về đâu.

    Chủ đầu tư bị khởi tố, quyền lợi của khách hàng xử lý sao?

    Trao đổi với PV báo Người đưa tin về vấn đề này, Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh dẫn quy định tại Điều 198, Bộ luật hình sự 2015, lừa dối khách hàng là hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội này có thể phải đối diện với mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù nếu thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

    Tội danh này đã được quy định tại Bộ luật hình sự 1985. Tội Lừa dối khách hàng nằm tại Điều 170 của Bộ luật này. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít trường hợp lừa dối khách hàng bị xử lý hình sự.

    Còn nhớ cách đây vài năm, một số cán bộ Công ty xăng dầu khí đốt Hà Nội và nhân viên tại cây xăng trên đường Trần Khát Chân đã bị phạt tù về tội lừa dối khách hàng do có thủ đoạn gắn chíp điện tử vào cây xăng nhằm mục đích giảm lượng xăng bán ra cho khách hàng nhưng vẫn thu đủ tiền. Đây là trường hợp hiếm hoi người có hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Ông Lê Thanh Thản - Ảnh: Forbes Viet Nam

    Luật sư Thanh cho hay, người vi phạm ngoài bị phạt tù còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    "Trong vụ việc ông Lê Thanh Thản bị khởi tố về tội Lừa dối khách hàng, có thể khẳng định rằng những người dân mua nhà tại các dự án do doanh nghiệp của ông Thản đầu tư không bị ảnh hưởng trong quá trình đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở đối với những căn hộ mà họ đã mua.

    Việc cấp "sổ đỏ", "sổ hồng" phụ thuộc vào hồ sơ pháp lý của dự án chứ không thể phụ thuộc vào việc ông Lê Thanh Thản bị khởi tố hay không. Nếu hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ thì ngay cả khi ông Lê Thanh Thản không bị vướng vòng lao lý, người dân cũng không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận", Luật sư Thanh nhấn mạnh.

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Trí thức trẻ, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, cho rằng, có 2 khả năng xảy ra.

    Đối với những dự án hợp pháp mà doanh nghiệp của ông Thản chần chừ, không làm sổ đỏ cho người dân thì sẽ được bảo đảm và sau này, tòa tuyên án sẽ yêu cầu công ty phải bắt buộc thi hành việc làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân.

    "Nhưng với những trường hợp không đúng pháp luật như xây sai quy hoạch, không được thừa nhận thì người mua nhà sẽ gặp nhiều rủi ro hơn trong việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà", luật sư Đức nói.

    Ông nêu rõ, trong trường hợp đối với dự án CT6, các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, xử lý hình sự nên người mua nhà cần bình tĩnh, chờ các quyết định cuối cùng.

    "Trong trường hợp dự án CT6, người mua nhà cần có đơn nêu về việc lỗi trong vấn đề này không phải của riêng ông Thản mà còn của cả hệ thống, các cơ quan chức năng trong quản lý, giám sát, xử lý... dẫn đến họ rơi vào trình trạng đó.

    Từ đó, cần đề nghị cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ, nhất là những người dân nghèo để đỡ thiệt hại", luật sư Đức nêu quan điểm.

    Trả lời thắc mắc về việc chủ đầu tư bị khởi tố, nhà của khách hàng xử lý sao?, trao đổi trên Tuổi Trẻ, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, thông thường khi ký hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng mua bán căn hộ, trong hợp đồng thể hiện thời gian chủ đầu tư phải bàn giao sổ hồng cho cư dân mua nhà. "Nếu đến thời hạn mà chủ đầu tư không cung cấp được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì lúc đó, xác định lỗi bên nào thì bên đó chịu trách nhiệm" - ông Nghiêm chia sẻ.

    Theo ông Nghiêm, trong vụ án hình sự, ngoài việc xác định trách nhiệm hình sự, việc xác định trách nhiệm bồi thường dân sự cũng sẽ được xem xét nếu người mua nhà chứng minh được mình không có lỗi và thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần của cư dân.

    Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, một số dự án của ông Lê Thanh Thản không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở. "Nếu đúng theo quy định của luật thì phải cắt ngọn hết, hoặc phá bỏ những công trình, những phần của công trình vi phạm. Như vậy thiệt thòi nhất là những người dân đã mua nhà", luật sư Đức nói.

    Luật sư Nghiêm cho rằng việc quan trọng là phải cân nhắc trong vấn đề xử lý, khắc phục hậu quả. Đó là chốn ăn ở của hàng trăm con người, hàng trăm gia đình đã sinh sống ổn định, con cái học hành và chắc chắn đó là món tài sản không hề nhỏ của người dân.

    Dự án CT6 Kiến Hưng nhìn từ trên cao - Ảnh: Plo.vn

    Tội lừa dối khách hàng được hiểu như thế nào?

    Trao đổi trên báo Pháp luật TP. HCM, luật sư (LS) Trương Anh Tú, Đoàn LS TP Hà Nội, cho biết hành vi lừa dối khách hàng là tội phạm được quy định tại Điều 170 BLHS năm 1985, Điều 162 BLHS năm 1999 và nay là Điều 198 BLHS năm 2015.

    “Đây là loại tội phạm được đánh giá là tội nghiêm trọng nhưng ít bị xử lý, dù hành vi diễn ra khá phổ biến. Ông Lê Thanh Thản bị khởi tố về hành vi lừa dối khách hàng là loại tội xưa nay hiếm bị xử lý”, LS Tú nói.

    Cùng quan điểm, LS Đặng Văn Cường, Đoàn LS TP. Hà Nội, nói tội danh này cần được áp dụng triệt để, nghiêm túc và quyết liệt hơn để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho khách hàng.

    Ông Cường nhận định, việc Công an TP. Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can mới là bước đầu của giai đoạn điều tra. Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra có thể khởi tố thêm các đồng phạm khác (nếu có căn cứ cho thấy có người đã giúp sức, xúi giục bị can thực hiện hành vi phạm tội), khởi tố thêm tội danh khác hoặc thay đổi các tội danh đã khởi tố nhằm đảm bảo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.

    Theo quy định tại Điều 198 BLHS năm 2015, ông Thản có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất 5 năm tù.

    Tuy nhiên, để kết tội ông Thản, cơ quan tố tụng cần phải thu thập các chứng cứ để chứng minh bị can đã có hành vi gian dối đối với những người mua căn hộ về chất lượng, tình trạng pháp lý... để chiếm đoạt, hưởng lợi số tiền từ 5 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.

    Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ những khách hàng nào đã bị lừa dối, số tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu, thu lợi bất chính là bao nhiêu... Nếu số tiền thu lời bất chính từ 50 triệu trở lên thì hình phạt có thể ở mức cao nhất là năm năm tù; ngoài ra có thể phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề đến năm năm.

    Dự án nhà ở CT6 khiến ông Lê Thanh Thản đánh mất niềm tin - Ảnh: VNN

    Trao đổi trên Tuổi Trẻ Online, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - viện trưởng VKSND quận 3, TP.HCM - cho biết tội danh này đã được quy định trong các BLHS trước đó: Điều 170 Bộ luật hình sự năm 1985, điều 162 BLHS 1999 và hiện nay là điều 198 BLHS 2015.

    Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu như hành vi lừa dối khách hàng rất ít khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do không nắm được số liệu toàn quốc nhưng việc khởi tố bị can tội "lừa dối khách hàng" là rất ít, thậm chí rất hiếm. Trong khi đó, theo quy định của tội lừa dối khách hàng trong BLHS thì hành vi này diễn ra khá phổ biến.

    Theo quy định của điều luật này, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, với tội lừa dối khách hàng, hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Theo phân tích của bà Nhuệ, chủ thể của tội phạm này là những người tham gia vào quá trình mua bán và thường là người bán mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

    Để thực hiện thủ đoạn gian dối, người phạm tội có thể thực hiện một trong các hành vi như: Cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc có những hành vi khác lừa dối khách hàng.

    Nói về sự khác nhau giữa tội Lừa dối khách hàng và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trao đổi trên Zing.vn, tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích hành vi lừa dối khách hàng được hiểu là việc bán, giao dịch hàng hóa kém chất lượng.

    Gian dối nghĩa là bán sản phẩm cho người mua nhưng không đúng cam kết, trái thỏa thuận về cân, đo, đong, đếm gây thiệt hại cho khách hàng.

    Tuy nhiên, những khách hàng đó phải ở dạng phổ biến, không phải duy nhất một người và giao dịch đã hoàn thành giữa 2 bên, đã ký kết hợp đồng theo mẫu.

    Luật sư Thiệp nhấn mạnh về nguyên tắc, tội Lừa dối khách hàng cần có người tố cáo và phải thu thập hợp đồng theo mẫu mà 2 bên đã ký kết.

    Còn lừa đảo là hành vi dùng thủ đoạn để đánh lừa khiến người khác tin là thật nhằm chiếm đoạt tài sản của người đó.

    Tội lừa đảo có thể xảy ra với chủ thể bất kỳ nào, nhưng tội Lừa dối khách hàng chỉ xảy ra đối với người bán hàng hóa.

    Theo Cổng thông tin Bộ Công an, ngày 5/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

    Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Thanh Thản (SN 1950; trú tại bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes) về tội “Lừa dối khách hàng” quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

    Ngày 8/7, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thanh Thản. Ngày 9/7 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của bị can Lê Thanh Thản tại các địa chỉ: Lô 45-BT2 bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; Ban quản lý dự án Thanh Hà, phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; Ban quản lý khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; thu giữ một số tài liệu liên quan.

    Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, để xử lý nghiêm hành vi của bị can Lê Thanh Thản theo quy định pháp luật.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-dieu-cay-le-thanh-than-bi-khoi-to-nha-mua-cua-muong-thanh-xu-ly-sao-a284087.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan